ThienNhien.Net – Các quần thể cá trên khắp các đại dương đều đang bị nhiễm các chất ô nhiễm công nghiệp, nông nghiệp độc hại, còn gọi là chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy. Tuy nhiên, nếu nhìn tổng thể thì nồng độ các chất này trong thịt cá đã giảm trong vòng 30 năm qua. Đó là kết luật được các nhà khoa học thuộc Scripps Institution of Oceanography (UC San Diego) đưa ra trong nghiên cứu công bố trên Tạp chí PeerJ.
Kết quả được các nhà nghiên cứu Scripps Lindsay Bonito, Amro Hamdoun và Stuart Sandin đưa ra dựa trên phân tích hàng trăm bài viết đã được bình duyệt từ năm 1969-2012. Các chất gây ô nhiễm được nghiên cứu bao gồm các hóa chất cũ tồn đọng như thủy ngân và DDT và các hóa chất công nghiệp mới như chất chống cháy và chất làm nguội.
Một trong số các tác giả nghiên cứu, nhà sinh vật học Scripps Sandin, cho biết: “Dựa trên các dữ liệu tốt nhất thu thập từ khắp nơi trên thế giới, chúng tôi có thể khẳng định rằng POPs có thể có ở bất cứ nơi nào và trong bất kỳ loài cá biển nào”.
Theo nhóm nghiên cứu, mặc dù POPs được tìm thấy trong cá ở tất cả các đại dương trên thế giới, nhưng nồng độ các chất độc hại này trong thịt cá biển lại rất khác nhau tùy thuộc vào khu vực và loại cá. Các phân tích cho thấy nồng độ trung bình của POPs trong thịt cá cao đáng kể là trong những năm 1980, cao hơn cả hiện tại, với nồng độ giảm từ 15-30% trong mỗi thập kỷ.
“Điều này có nghĩa rằng các loại cá biển mà chúng ta tiêu thụ ngày nay có thể có nồng độ POPs giảm 50% so với những con cá cùng loại mà cha mẹ chúng ta ăn khi bằng tuổi chúng ta hiện nay. Tuy nhiên, vẫn tồn tại trường hợp chúng ta phải ăn thịt cá có nồng độ độc tố bằng với cá mà cha mẹ chúng ta đã ăn” – Ông Bonito, tác giả chính của nghiên cứu cho biết.
Các nhà nghiên cứu cũng so sánh các kết quả với Hướng dẫn an toàn liên bang của Mỹ về tiêu thụ hải sản và thấy rằng mức độ trung bình của chất gây ô nhiễm là bằng hoặc thấp hơn tiêu chuẩn sức khỏe theo quy định của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA). Nồng độ thủy ngân và PCBs (polychlorinated biphenyl) ở ngưỡng EPA cho rằng an toàn đối với người tiêu dùng sử dụng thường xuyên, trong khi nồng độ DDT là luôn thấp hơn nhiều so với ngưỡng quy định.
Theo các tác giả, các kết quả nghiên cứu cho thấy cộng đồng quốc tế đã có phản ứng tích cực với những hành động kêu gọi để hạn chế việc phát thải các hóa chất có hại ra môi trường, chẳng hạn như thực hiện Công ước Stockholm.
Tuy nhiên, các tác giả cũng cảnh báo rằng mặc dù nồng độ chất ô nhiễm trong cá biển đang dần suy giảm nhưng vẫn còn ở mức khá cao và việc hiểu rõ các tác động tích lũy của việc tiếp xúc thường xuyên với các chất ô nhiễm có trong hải sản là cần thiết để xác định nguy cơ cụ thể cho người tiêu dùng.