Niêm phong xưởng nhuộm doanh nghiệp FDI vì gây ô nhiễm

ThienNhien.Net – Ngày 10/5, đại diện lãnh đạo Công ty TNHH Mei Sheng Textiles Việt Nam (Châu Đức, Bà Rịa – Vũng Tàu) – ông G.Narasimha Rao đã ký vào biên bản niêm phong xưởng nhuộm sau khi đoàn công tác liên ngành hoàn tất việc niêm phong tất cả các máy móc, thiết bị trong xưởng.

Công ty TNHH Mei Sheng Textiles Việt Nam.
Công ty TNHH Mei Sheng Textiles Việt Nam.

Báo Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, 14 giờ ngày 10/5, đoàn công tác liên ngành của tỉnh gồm: Thanh tra Sở TNMT, Chi cục Bảo vệ môi trường, Phòng cảnh sát môi trường, Công an tỉnh, UBND và Công an huyện Châu Đức đã đến Công ty Mei Sheng để thực hiện việc niêm phong xưởng nhuộm của Công ty theo chỉ đạo của UBND tỉnh nhằm thực hiện Quyết định số 86/QĐ-XPHC của Tổng cục TNMT về việc xử lý vi phạm hành chính đối với Công ty Mei Sheng.Khi đoàn kiểm tra đến thực hiện việc niêm phong, công ty đã ngừng hoạt động nhuộm, các thiết bị đã được vệ sinh sạch sẽ. Nhờ vậy, việc niêm phong đã được thực hiện thuận lợi dưới sự chứng kiến của các thành viên trong đoàn.

Các thiết bị được dán niêm phong gồm 21 cụm máy nhuộm vải (6 cụm liên kết và 4 ổ máy) và 7 máy nhuộm sợi (1 máy lớn, 3 máy trung và 3 máy nhỏ).

Tại buổi làm việc, đoàn liên ngành yêu cầu Công ty Mei Sheng không được tự ý tháo dỡ niêm phong cho đến khi có ý kiến chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền; toàn bộ lượng nước thải phát sinh trong quá trình hoạt động của xưởng nhuộm trước khi đoàn niêm phong phải được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn quy định.

Ông Nguyễn Thái Sinh, Chánh Thanh tra Sở TNMT cho biết: Trong thời gian niêm phong xưởng nhuộm, Sở TNMT, Cảnh sát Môi trường, Công ty Cấp nước Bà Rịa – Vũng Tàu và chính quyền địa phương sẽ thường xuyên giám sát và lấy mẫu nước xả thải của công ty để quan trắc.

Nếu nước thải của công ty không đạt tiêu chuẩn cho phép thì sẽ tiếp tục có các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.

Được biết, theo kế hoạch của tỉnh, từ nay đến cuối năm 2016 Công ty Mei Sheng sẽ phải di dời xưởng nhuộm ra khỏi cụm Công nghiệp-Tiểu thủ công nghiệp Ngãi Giao, Châu Đức.

Theo TTXVN, Công ty Mei Sheng này bị niêm phong 3 tháng để thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm. Đáng chú ý, đây là lần niêm phong thứ 7 đối với Công ty TNHH Mei Sheng Textiles Việt Nam.

Trước đó, ngày 22/4, các cơ quan chức năng của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đến niêm phong phân xưởng nhuộm của Công ty TNHH Mei Sheng Textiles Việt Nam theo quyết định xử phạt hành chính của Tổng cục Môi trường nhưng DN đã lấy nhiều lý do để không cho các cơ quan chức năng vào niêm phong và đề nghị dời ngày niêm phong sang ngày 10/5.

Theo kết luận thanh tra của Tổng cục Môi trường ban hành ngày 11/4/2016 Công ty TNHH Mei Sheng Textiles Việt Nam đã vi phạm rất nhiều các quy định về bảo vệ môi trường.

Cụ thể, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu không cấp phép cho sản phẩm nhuộm nhưng công ty này vẫn tự ý xây dựng và đưa vào hoạt động phân xưởng nhuộm với công suất gần 1.100 tấn/năm; tự ý khoan 26 giếng khoan, mỗi ngày khai thác trái phép, sử dụng khoảng 2.760 m3 nước ngầm mà không có giấy phép khai thác nước dưới đất, cũng như giấy phép xả thải nước thải vào nguồn nước theo quy định của Luật Tài nguyên nước.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng tự ý bổ sung công đoạn nhuộm nhưng trong thời gian dài; không lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Ngoài ra, trong suốt quá trình hoạt động, công ty đã không lập đề án bảo vệ môi trường trình cấp có thẩm quyền; không thực hiện chế độ báo cáo và quan trắc môi trường theo quy định; không bố trí điểm quan trắc khí thải lò hơi để phục vụ công tác kiểm soát khí thải; mẫu báo cáo và thời điểm báo cáo chủ nguồn thải chất thải nguy hại không đúng quy định. Trạm xử lý nước thải của công ty dù chưa được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác nhận để đi vào vận hành chính thức nhưng đã đưa vào hoạt động…

Công ty TNHH Mei Sheng Textiles Việt Nam với quy mô nhà máy kéo sợi công suất 47.800 tấn/năm và nhà máy dệt công suất 5.000 tấn/năm bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 9/2009 trên diện tích 21,3 ha. Công ty có 2.100 cán bộ, nhân viên, công nhân; sản phẩm là vải dệt kim, sợi có công suất sản xuất thực tế là gần 48.230 tấn/năm (trong đó, sản phẩm nhuộm là gần 1.100 tấn).

Nguồn: