ThienNhien.Net – Đặt nhiều nghi vấn về mục đích thật của “siêu dự án” giao thông thủy kết hợp với 6 bậc thang thủy điện nhỏ trên sông Hồng, nhiều chuyên gia đặt câu hỏi để xây dựng đập nước và âu tàu, có phải mục đích nhỡn tiền là hút cát lên từ dưới lòng sông không?
Làm thủy điện không hiệu quả
Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (HHNL) Trần Viết Ngãi khẳng định: Chưa rõ dự án đề xuất xây các nhà máy thủy điện nhỏ ở đâu, cột nước, dòng chảy thế nào, nhưng cách đây 25 năm, Bộ Năng lượng đã khảo sát, thiết kế để quy hoạch các sông suối, dự báo tiềm năng thủy điện, và kết luận sông Hồng rất khó làm thủy điện vì dòng chảy nhỏ, không có độ dốc để tạo cột nước. Với thâm niên hàng chục năm làm thủy điện, ông Ngãi nói thẳng, “không làm được đâu” khi nói về siêu dự án giao thông – thủy điện trên sông Hồng.
Xét thuần túy về mặt đầu tư, việc xây tới 6 bậc thang, nhưng chỉ có công suất vỏn vẹn 228MW (trung bình 38 MW/dự án), cung cấp điện lượng khoảng 912 triệu kWh/năm, là quy mô thủy điện vừa và nhỏ, không tác động đáng kể đến quy mô công suất và sản lượng hiện có. “Các dự án thủy điện vừa và nhỏ đều chỉ phát điện khoảng 5 – 6h trong ngày, chủ yếu được huy động vào những giờ cao điểm, khi hệ thống thiếu công suất. Các giờ còn lại chắc chắn không bán được vào thị trường, do không cạnh tranh được với thủy điện công suất lớn và sẽ không được huy động. Dự án này cũng chưa làm rõ được các thông số về chiều cao cột nước, dòng chảy, lấy nước ở đâu để phát điện, vì vào mùa kiệt thì sông Hồng lưu lượng nước nhỏ. Ngoài ra, nếu làm thủy điện phải có báo cáo về tác động đến môi trường, đặc biệt là nạn phá rừng, hủy hoại môi trường rất nghiêm trọng, làm xói mòn dòng chảy” – ông Ngãi khẳng định: “Nếu làm được thủy điện thì EVN, PVN hay TKV đã làm từ lâu rồi, không bỏ qua đâu”.
Liên quan đến dự án này, mới đây Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) Đỗ Đức Quân cũng tái khẳng định, 6 bậc thang thủy điện trên sông Hồng chưa hề có trong quy hoạch thủy điện.
Nguy cơ ngập mặn hiện hữu
Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống lụt bão (Bộ NNPTNT) Tăng Quốc Chính tỏ ra khá lo ngại khi trao đổi với PV Báo Lao Động: “Do nhà đầu tư chưa có thiết kế cụ thể, nên chưa thể đánh giá chính xác những ảnh hưởng của dự án đối với môi trường và đời sống dân sinh. Về góc độ nông nghiệp, chúng tôi khuyến cáo: Chắc chắn mực nước về mùa lũ sẽ tăng lên do ảnh hưởng của dự án, tràn qua đê, làm thay đổi mực nước thiết kế, dự án phải tính toán để không gây bồi xói ở hạ lưu, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh dọc hai bên sông Hồng. Vì vậy, dự án phải tính chiều cao đập tràn, những tác động đến đất nông nghiệp, đất rừng, di dân tái định cư”.
Đoạn sông mà dự án này thực hiện liên quan tới cả sông Hồng và hệ thống sông Thái Bình cùng vô vàn các nhánh sông nhỏ kéo ra tận biển. Khi nhánh này cạn kiệt thì các nhánh khác cũng chung số phận. Nói cách khác, viễn cảnh hạn hán sẽ có nguy cơ hiển hiện ở cả 11 tỉnh thuộc Đồng bằng châu thổ sông Hồng, trong đó có thủ đô Hà Nội. Hơn nữa, nếu dự án thực hiện, lượng nước trên sông Hồng vốn đã ít lại còn bị chặn lại để phục vụ thủy điện và giao thông đường thủy nên khi cần nước cho nông nghiệp, một mình hồ thuỷ điện Hòa Bình khó lòng đáp ứng. Xa hơn, nếu vì dự án trên mà mực nước sông Hồng bị tụt sâu thêm từ 1- 2m nữa thì chắc chắn, hiện tượng nước mặn vào sâu hơn trong đất liền hoàn toàn có thể xảy ra.
Lợi nhuận từ khai thác cát sỏi là khổng lồ?
Đặt dấu hỏi về việc phải nạo vét luồng trên toàn tuyến đường thủy nội địa (đoạn Việt Trì – Lào Cai với tổng chiều dài lên tới 288km) để xây dựng đập nước và âu tàu, ông Ngãi lo ngại liệu có phải mục đích nhỡn tiền là hút cát lên từ dưới lòng sông không? Việc này các bộ, ngành cũng phải xem xét, thẩm định kỹ khi nhà đầu tư lập báo cáo nghiên cứu chi tiết. Hiện chi phí cho việc hút cát dưới lòng sông chỉ khoảng 10.000 đồng/khối, nhưng bán ra tới 300.000 đồng/khối. Việc nạo vét lòng sông để hút cát sẽ dẫn đến sạt lở hai bên bờ sông nên phải có phương án kè bờ.
Liên quan đến đề xuất của Xuân Thiện xin được nạo vét lòng sông Hồng kết hợp tận thu cát sỏi, sa khoáng phục vụ dự án, ông Hoàng Hồng Giang – Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa (Bộ GTVT) cho rằng: “Quan trọng nhất là quản lý thế nào thôi”. Trước thực tế bất cập về các dự án nạo vét luồng lạch, kết hợp tận thu sản phẩm liên tục bị dư luận phản ứng trong thời gian qua, ông Giang cho biết bản chất của câu chuyện là bởi có sự chồng lấn trong công tác quản lý. Theo đó, cùng một địa điểm có thể Cục Đường thủy nội địa cấp phép dự án khai thác luồng lạch, nhưng địa phương lại cấp phép khai thác mỏ, đã dẫn đến các mâu thuẫn và mặt trái là người dân hai bên bờ phải gánh chịu.
Chính phủ chưa xem xét phê duyệt dự án
Theo thông tin được Văn phòng Chính phủ phát đi cuối ngày 9.5, Thủ tướng Chính phủ chưa xem xét việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện theo hình thức BOO vì chưa đủ căn cứ, cơ sở theo quy định của pháp luật. Theo văn bản này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tổ chức xây dựng quy hoạch tổng thể khai thác sông Hồng để đảm bảo phát triển bền vững, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Việc xây dựng quy hoạch nêu trên phải được thực hiện một cách kỹ lưỡng, khoa học và phải có sự tham gia của các địa phương liên quan, các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội khác là đại diện cho lợi ích của người dân trong lưu vực Đồng bằng sông Hồng. A.K |