ThienNhien.Net – Trong năm 2015 và đầu năm 2016, Việt Nam đã ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do, cả song phương và đa phương như Hiệp định Thương Mại Tự Do Việt Nam-Liên Minh Châu Âu (FTA Vietnam-EU), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Hàn Quốc, Hiệp định Thương mại tự do với Liên Minh Kinh tế Á-Âu (EAEU)… và mới đây nhất là Hiệp định hợp tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Từ ngày 31.12.2015, Cộng Đồng Kinh tế ASEAN cũng đã có hiệu lực với thuế xuất nhập khẩu trở về 0% với các hàng hóa từ các nước ASEAN được tự do dịch chuyển và thị trường 10 nước ASEAN trở thành một thị trường thống nhất. Trong tương lai không xa, 10 nước ASEAN sẽ ký kết Hiệp định Hợp tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với 6 nước đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand.
Nếu hoàn thành việc ký kết các FTAs, Việt Nam sẽ có quan hệ thương mại tự do với 57 nền kinh tế trên thế giới. Vị thế đó sẽ giúp Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh xuất khẩu, tạo thêm việc làm và tăng trưởng GDP. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, với tác động của TPP, tới năm 2035 GDP của Việt Nam có thể tăng 8,1%; xuất khẩu tăng 17,1% và tổng lượng vốn tăng 11,9%. Bước đi hội nhập này của Việt Nam là mạnh mẽ và sâu rộng hơn cả mức độ hội nhập của những nền kinh tế có trình độ phát triển cao hơn nước ta trong khu vực. Nỗ lực to lớn đó hy vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển hơn cho Việt Nam và thúc đẩy cải cách môi trường kinh doanh. Đặc biệt, hai Hiệp định Thương mại Tự do kiểu mới TPP và FTA Việt Nam-EU bao gồm nhiều cam kết với đòi hỏi rất cao về cạnh tranh bình đẳng, doanh nghiệp nhà nước, lao động và công đoàn, sở hữu trí tuệ, môi trường… mà các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp phải có nỗ lực rất cao để thực hiện.
Tác động của TPP tới các chỉ số kinh tế chủ yếu |
Khác với cam kết gia nhập WTO, những yêu cầu của các Hiệp định Thương Mại Tự Do kỳ này có yêu cầu cao hơn hẳn về nhiều mặt. Đơn cử, quy tắc xuất xứ đòi hỏi phải chứng minh nguồn gốc hàng hóa là từ Việt Nam (phải có hàm lượng từ 50% từ vải trở đi đối với hàng dệt-may vào EU) hay từ sợi trở đi phải có hàm lượng từ 70% trở lên đối với TPP. Trong khi đó, theo Hiệp hội dệt may (Vitas), chỉ khoảng 50% doanh nghiệp dệt may có khả năng đáp ứng yêu cầu của EU và 30% doanh nghiệp có thể đáp ứng yêu cầu của TPP.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) kỳ vọng TPP sẽ mang về cho Việt Nam kim ngạch xuất khẩu 50 tỉ USD vào năm 2020, trong đó thị trường Mỹ chiếm 22-25 tỷ và cán mức 55 tỉ USD vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam phải thu hút khối lượng lớn đầu tư nước ngoài vào dệt-sợi và nhuộm, những lĩnh vực đòi hỏi tỷ suất đầu tư cao và có khả năng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhất là khâu nhuộm.
Bên cạnh đó, bao bì, đóng gói, đăng ký mã vạch, dư lượng tối đa hóa chất, chứng minh nguồn gốc hợp pháp của nguyên liệu sử dụng, các yêu cầu về bảo vệ môi trường, về lao động, về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đều là những yêu cầu tiến bộ, song sẽ không dễ dàng thực hiện đối với các doanh nghiệp nước ta. Các yêu cầu khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm, dư lượng kháng sinh v.v… đối với các mặt hàng nông -lâm- thủy sản cũng sẽ là rào cản lớn đối với các sản phẩm trong nước.
Hiệp định TPP có riêng một Chương 20 về môi trường và trong những chương khác cũng có những quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường. Theo đó, các nước tham gia TPP phải: i/Cam kết tham gia và thực hiện nghiêm túc các Công ước quốc tế về bảo vệ môi trường như Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozon, Công ước MARPOL về ngăn ngừa ô nhiễm từ tàu biển, Công ước CITES về buôn bán động vật hoang dã đang bị đe dọa; ii/Cam kết về minh bạch và tăng cường hợp tác với các bên liên quan trong bảo vệ môi trường. TPP buộc các nước thành viên phải thiết lập cơ chế cụ thể để các tổ chức và cá nhân nộp bản đệ trình về môi trường, đồng thời TPP có một Ủy ban về môi trường để xem xét các bản đệ trình này; iii/ Việt Nam cam kết cắt giảm trợ cấp đối với đánh bắt gây phương hại tới nguồn lợi thủy sản.
Thực tế ở Việt Nam thời gian qua cho thấy việc cấp phép cho các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) đã được phân cấp mạnh về các tỉnh và không ít tỉnh đã chạy theo tốc độ tăng trưởng GDP cao và chấp nhận các dự án FDI khai thác tài nguyên giá rẻ với công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, bị người dân phản ứng mạnh mẽ. Vụ Công ty Vedan gây ô nhiễm nguồn nước sông Thị Vải, Công ty Tung Kuang xả thải ra môi trường, rồi Công ty TNHH Pangrim Neotex, Công ty Xi măng Chinfon (Hải Phòng) với hành vi tương tự không phải là những trường hợp cá biệt. Đặc biệt, dư luận đang xôn xao với nghi vấn Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh xả thải gây chết cá hàng loạt dọc các tỉnh ven biển miền Trung. Không chỉ bất minh trong hoạt động xử lý chất thải và xả thải ra môi trường, Công ty Formosa còn bị lật tẩy nhiều vi phạm về cấp phép, xây dựng, nợ thuế[1]. Có thể nói, tình trạng nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào khai thác khoáng sản, chế biến xi măng, xây dựng nhà máy công nghiệp nặng, nhà máy điện chạy than… gây ô nhiễm nghiêm trọng đã dẫn đến sự phản kháng quyết liệt của quần chúng ở nhiều nơi. Điều đáng nói là nguyên nhân dường như cũng nằm ở chính sách và việc thực thi pháp luật của chính chúng ta. Chính Thứ trưởng Bộ TN&MT Bùi Cách Tuyến cũng từng thừa nhận các tiêu chuẩn về môi trường của chúng ta quá thấp và đây chính là điểm hấp dẫn FDI.
Trong khi đó, tình trạng ô nhiễm môi trường của Việt Nam hiện nay đã ở mức nghiêm trọng. Theo tính toán của Bộ TN&MT, ô nhiễm gây thiệt hại hàng năm từ 1,5 đến 3% GDP. Theo Bộ này “nhu cầu về vốn cho bảo vệ môi trường của Việt Nam rất cao, năm sau luôn tăng hơn năm trước. Dự kiến đến năm 2020 tổng vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường ở Việt Nam sẽ ở mức hơn 40.000 tỷ đồng”[2]. Trong khi đó, theo kết quả nghiên cứu[3] mới được công bố của một nhóm nghiên cứu lớn của trung tâm nghiên cứu môi trường chỉ số Chất lượng môi trường EPI của Việt Nam xếp thứ 79/132 quốc gia, chỉ số chất lượng không khí xếp thứ 123, thuộc nhóm thấp nhất.
Hiệp hội đầu tư nước ngoài cũng đã lưu ý đến nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao từ đầu tư nước ngoài với công nghệ thấp từ Trung Quốc vào nhuộm và sợi[4]. Vì vậy, việc tăng cường giám sát chất lượng đầu tư nước ngoài ở góc độ bảo vệ môi trường là rất cấp bách, tránh diễn ra tình trạng đầu tư nước ngoài thu được lợi nhuận nhưng tàn phá môi trường của Việt Nam và để lại hệ quả nặng nề cho người dân. Nhà nước với trách nhiệm chính trong bảo vệ môi trường đồng thời cũng cần thúc đẩy và phát huy vai trò của các tổ chức thuộc xã hội dân sự, tổ chức quần chúng trong việc giám sát các dự án đầu tư, sớm phát hiện tình trạng gây ô nhiễm để bảo vệ lợi ích cộng đồng.
TS. Lê Đăng Doanh
[1] http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Xa-hoi/746350/ha-tinh-cap-phep-dau-tu-70-nam-cho-formosa-khi-chua-duoc-chinh-phu-dong-y-
[2] http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/812280/von-dau-tu-fdi-vao-linh-vuc-moi-truong-thap-dau-la-rao-can
[3] Nghiên cứu của Trung tâm luật và chính sách môi trường – Đại học Yale, Trung tâm quốc tế mạng lưới thông tin khoa học Trái đất – Đại học Columbia, Trung tâm hợp tác nghiên cứu – Ủy ban châu Âu. Nguồn: http://tuoitre.vn/tin/tuoi-tre-cuoi-tuan/20120423/viet-nam—110-nuoc-te-nhat-ve-chat-luong-khong-khi/488189.html
[4]http://www.quantracmoitruong.gov.vn/VN/TINTRANGCHU_Content/tabid/330/cat/115/nfriend/3748033/language/vi-VN/Default.aspx