ThienNhien.Net – Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà đã yêu cầu Formosa thiết kế bổ sung, xây dựng cửa xả nước thải sau xử lý bằng mương hở hoặc hồ sinh học, đặt ngoài hàng rào nhà máy, trước khi chảy vào đường ống ngầm.
Trong sự cố môi trường nghiêm trọng khiến cá chết hàng loạt ở ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế, nghi ngờ lớn nhất đang hướng về Formosa. Ở dự án luyện thép khổng lồ này, có một đường xả thải lớn chôn ngầm, đâm thẳng ra biển. Với hạng mục này, cùng lý giải của Bộ TN&MT thì Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân khẳng định Formosa được cấp phép làm, trong khi cấp trên – Bộ trưởng Trần Hồng Hà thì bảo luật không cho phép.
Lý giải thiếu nhất quán như vậy đang gây băn khoăn trong dư luận. Và do đó, đây là một nội dung mà Bộ TN&MT báo cáo với tập thể Chính phủ, trong phiên họp thường kỳ tháng 4-2016, diễn ra ngày 4 và 5-5.
Lúc đầu cho thải ra sông, sao sau ra biển?
Theo thông tin Pháp Luật TP.HCM nắm được, chi tiết vấn đề này đã được Bộ trưởng Trần Hồng Hà giải thích. Theo đó, năm 2008 báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án Nhà máy thép Fomorsa Hà Tĩnh được phê duyệt theo hướng nước thải đưa ra sông Quyền, hòa vào nước sông rồi mới đổ ra vịnh Sơn Dương. Đến năm 2013, Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến ký quyết định phê duyệt điều chỉnh một số nội dung báo cáo ĐTM, trong đó phương án nước thải được chuyển sang bằng cống ngầm đổ ra vịnh Sơn Dương. Phần ống ngầm dưới đáy biển cách vị trí giám sát nước thải tự động 1.300 m.
Việc chấp thuận điều chỉnh phương án thải nước được Bộ lý giải là vì thiết kế cơ sở điều chỉnh của dự án đã được Bộ Công Thương cho ý kiến thẩm định và Bộ Giao thông chấp thuận. Tại thời điểm điều chỉnh, Hà Tĩnh dự kiến xây dựng một đập dâng Bara (đập chìm) trên sông Quyền về phía thượng lưu khoảng 4 km nhằm ngăn mặn, giữ nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho Khu kinh tế Vũng Áng. Như thế, lưu lượng nước sông còn lại đổ tới cửa xả thải không đủ để tiếp nhận lượng xả thải lớn tới 45.000 m3/ngày của Formosa.
Ngoài ra, việc đặt ống xả sâu 12 m so với mặt nước biển được lý giải để đảm bảo an toàn giao thông thủy. Vì tốc độ xả thải theo thiết kế là 3,5 m3/giây nên cần bố trí vị trí xả cách bờ 1,3 km, đường kính ống xả 1,2 m, dọc ống có chín lỗ xả đường kính 0,3 m để giảm tác động của việc xả thải tới sự ổn định của đáy biển.
Cũng theo Bộ TN&MT, cho dù điều chỉnh phương án kỹ thuật đường ống xả thải thì nước thải trước khi ra biển vẫn phải được xử lý đạt quy chuẩn Việt Nam và được giám sát, quan trắc tự động, truyền dữ liệu về Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh. Vị trí giám sát đặt tại hồ, bể hở chứa nước thải sau khi xử lý trên bờ, trước khi xuống ống dẫn ra biển.
Phải thay đổi để giám sát, kiểm tra nguồn xả thải
Sau khi kiểm tra, rà soát hồ sơ cũng như hiện trường công trình, Bộ cho rằng việc chấp thuận điều chỉnh phương án xả thải nêu trên là đảm bảo yêu cầu về mặt kỹ thuật. Tuy nhiên, đối chiếu theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, quy định “cửa xả nước thải vào hệ thống tiêu thoát phải đặt ở vị trí thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát” thì có một số vấn đề phát sinh. Đó là thiết kế chưa thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng và cộng đồng; và bản thân hệ thống giám sát, quan trắc này chưa chuyển thông tin tự động về Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh như cam kết.
Cuộc kiểm tra trong những ngày qua, kết quả phân tích mẫu nước thải sau xử lý của Formosa, với ba mẫu lấy ở ba thời điểm khác nhau, cho thấy các thông số về cơ bản đều đạt quy chuẩn Việt Nam. Tuy nhiên, đoàn kiểm tra thấy rằng đây chỉ là kết quả trong trường hợp hệ thống xử lý nước thải hoạt động bình thường, trong khi không loại trừ khả năng doanh nghiệp xả thải trộm ra môi trường. Vì vậy cần phải có giải pháp giám sát, kiểm tra nguồn xả thải.
Với tinh thần ấy, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà cho biết bộ này đã làm việc, yêu cầu Formosa thiết kế bổ sung, xây dựng cửa xả nước thải sau xử lý bằng mương hở hoặc hồ sinh học, đặt ngoài hàng rào nhà máy, trước khi chảy vào đường ống ngầm hoặc đường xả nổi trên bề mặt vào vịnh Sơn Dương. Như vậy sẽ thuận lợi hơn cho cơ quan chức năng cũng như cộng đồng cư dân trong việc kiểm tra, giám sát nguồn thải.
Địa phương báo cáo sự việc còn chậm, thụ động
Bộ TN&MT nhận định diễn biến hải sản chết hàng loạt ở bốn tỉnh ven biển miền Trung vừa qua là bất thường, không theo quy luật về thời gian, địa điểm. Hải sản chết chủ yếu là các loài sinh sống ở tầng đáy, khi dạt vào bờ mới được phát hiện. Đây là sự cố môi trường mới, còn thiếu các văn bản quy định trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương có liên quan. Khi sự cố xảy ra, các bộ ngành, địa phương nhìn chung còn lúng túng, chưa có kinh nghiệm ứng phó, xử lý. Buổi họp báo ngày 5-5, trả lời câu hỏi của Pháp Luật TP.HCMvề bài học kinh nghiệm rút ra từ sự việc này, người phát ngôn của Chính phủ – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói: “Đây là sự việc đầu tiên diễn ra trên diện rộng như vậy, ta chưa có kinh nghiệm xử lý tình huống. Họp Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã rút kinh nghiệm là thông tin, báo cáo từ địa phương lên Chính phủ còn chậm, thụ động”. Tuy nhiên, sau những bước lúng túng này, lãnh đạo Chính phủ và các vị trưởng ngành đã vào cuộc quyết liệt. Tinh thần là kiểm tra, xử lý nghiêm, không loại trừ bất cứ cá nhân, tổ chức có sai phạm nào. Trả lời báo chí tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 5-5, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay: Qua kiểm tra, cả năm 2015 và tính cho đến thời điểm này (cách đây ba ngày), Formosa nhập 384 tấn hóa chất, trong đó có 103 loại hóa chất. Việc này có đăng ký và được chấp thuận nhập khẩu, sử dụng. Chỉ riêng từ đầu năm 2016, công ty được chấp thuận nhập khẩu 224 tấn với 43 loại hóa chất. Mục đích nhập khẩu, theo căn cứ khai báo ngay từ đầu về mục đích sử dụng, là để làm sạch bề mặt kim loại, hóa chất để khử khuẩn, chất keo tụ xử lý nước, hóa chất ổn định nước làm mát, hóa chất để ức chế ăn mòn hóa học, ổn định độ pH… Từ đầu năm 2016, công ty đã sử dụng 51 tấn hóa chất và hiện nay tồn trong kho 248 tấn. |