ThienNhien.Net – Dù khẳng định siêu dự án Sông Hồng chỉ là dự án giao thông thủy xuyên Á, không phải là dự án thủy điện nhưng theo đại diện Bộ Công Thương sẽ xem xét tính hiệu quả trên cơ sở ý kiến của Chính phủ.
Tại buổi họp báo do Bộ Công Thương tổ chức chiều 6/5, tại Hà Nội, ông Đỗ Đức Quân, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết, dự án trên mới là đề xuất sơ bộ, chưa có hồ sơ chính thức, tuy vậy quan điểm của Bộ Công Thương là tài nguyên nước nên nếu dự án thông qua phía Bộ cũng có thể xem xét được.
Theo kế hoạch, dự án sẽ xây dựng 6 đập dâng nước kết hợp xây dựng 6 nhà máy thủy diện nhỏ cung cấp điện lượng khoảng 912 triệu kWh/năm. Ngoài ra, chủ đầu tư cũng muốn xây dựng 7 cảng dọc tuyến. Tổng mức đầu tư dự kiến là 24.510 tỷ đồng trong đó vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư chiếm 30% tổng vốn, còn lại 70% là vốn vay thương mại.
Nguồn thu chính của dự án theo tính toán sẽ từ bán điện, thu phí luồng tuyến trên từng đoạn và thu từ khai thác cảng trong đó riêng giá bán điện dự kiến ở 1.900 đồng/KWh và có lộ trình tăng giá theo thời gian.
Ông Quân giải thích thêm, trong dự án có làm đập và ụ thuyền để dâng nước lên cho tàu thuyền có thể đi từ Việt Trì lên Lào Cai do vậy không nhầm lẫn đây là dự án thủy điện.
Từ phân tích trên, lãnh đạo Tổng cục Năng lượng cho rằng, nếu làm được thủy điện và có hiệu quả thì Bộ Công Thương sẽ ủng hộ, nhưng đây mới chỉ là đề xuất sơ bộ, chưa có hồ sơ chính thức nên hiệu quả vẫn cần tiếp tục được các cơ quan thẩm định,
“Khi làm đập, làm ụ thuyền dâng nước lên thì chủ đầu tư có thể tận dụng phát điện. Việc đánh giá dự án cần dựa trên những vấn đề liên quan đến tác động môi trường trên lòng hồ, vấn đề đất đai, di dân tái định cư…,” ông Quân nói.
Trước đó, dự án thủy lộ xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện đã được Công ty trách nhiệm hữu hạn Xuân Thiện (Ninh Bình) đề xuất theo hình thức BOO (xây dựng – sở hữu – vận hành).
Một trong những mục tiêu của dự án là nhằm cải tạo, nâng cấp tuyến vận tải đường thủy xuyên Á trên tuyến sông Hồng an toàn, thông suốt, cung cấp được lượng điện năng đáng kể, tạo động lực để phát triển kinh tế-xã hội cho các tỉnh miền núi phía Bắc.