ThienNhien.Net – Một phần cam kết của Việt Nam trong TPP sẽ được áp dụng đối với các nước khác ngoài 11 thành viên TPP như với Nga, 28 nước thuộc Liên minh châu Âu và các nước thành viên ASEAN.
Đây là “điểm lưu ý” được lãnh đạo Bộ Tư pháp nêu rõ khi báo cáo Chính phủ tại Phiên họp thường kỳ tháng 4/2016 đang diễn ra về kết quả rà soát pháp luật và đánh giá tác động của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tới hệ thống pháp luật Việt Nam.
Cũng tại phiên họp này, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã trình bày tờ trình phê chuẩn Hiệp định TPP, trong đó đánh giá toàn diện tác động của TPP tới Việt Nam, nêu rõ những cơ hội và thách thức.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan rà soát, đánh giá tác động của Hiệp định TPP đến hệ thống các quy định pháp luật Việt Nam.
Ngay trong báo cáo, Bộ Tư pháp cho biết nhiều cam kết trong một số lĩnh vực của Hiệp định TPP đã đủ rõ, chi tiết, có thể áp dụng trực tiếp, bao gồm: Các biểu thuế, cam kết mở cửa thị trường trong các lĩnh vực dịch vụ, đầu tư cụ thể.
Về mặt pháp lý, việc điều chỉnh pháp luật chỉ cần ở mức độ tương ứng để áp dụng cho 11 nước thành viên TPP. Tuy nhiên, bên cạnh phần lời văn và các phụ lục, Việt Nam đã có 35 thư song phương với các quốc gia thành viên TPP, trong đó ngoài việc làm rõ nội dung một số cam kết trong TPP thì cũng bổ sung thêm nghĩa vụ với Việt Nam ngoài các nghĩa vụ trong Hiệp định.
Đặc biệt, Bộ Tư pháp lưu ý rằng một số hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) và hiệp định thương mại khác mà Việt Nam đã hoặc sẽ ký kết có quy định nguyên tắc tối huệ quốc (MFN) tự động. Theo đó, một phần cam kết của Việt Nam trong TPP sẽ được áp dụng đối với các nước khác ngoài 11 thành viên TPP như với Nga, 28 nước thuộc Liên minh châu Âu và các nước thành viên ASEAN.
“Đây là cách tiếp cận có thể có tác động lớn vì các cam kết của Việt Nam tại TPP được nhân rộng cho khoảng 40 nước ngoài TPP hưởng và ngược lại. Như vậy, hệ quả tác động pháp lý cũng lớn hơn với Việt Nam”, Bộ Tư pháp nhận định.
Đến nay, đã có tổng cộng 194 văn bản quy phạm pháp luật được rà soát, bao gồm 86 luật, 14 pháp lệnh, 84 nghị định, 3 nghị quyết của Chính phủ và 7 quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành đã rà soát bước đầu nhiều văn bản do các bộ, ngành ban hành gồm 57 thông tư và 10 quyết định.
Cần sửa đổi 10 luật, 22 nghị định
Tổng số văn bản được kiến nghị sửa đổi, bổ sung là 34 văn bản, gồm 10 luật, 22 nghị định, 2 quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Chín văn bản được kiến nghị ban hành mới, gồm 1 luật, 7 nghị định và 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Một pháp lệnh được đề nghị bãi bỏ.
Ngoài ra, một số bộ, ngành có kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật, nhưng Bộ Tư pháp cho rằng đây là những nội dung mà TPP chỉ quy định mang tính khuyến nghị hoặc có thể thực hiện được trên cơ sở giải thích, áp dụng linh hoạt pháp luật hiện hành hoặc có thể sử dụng các ngoại lệ quy định tại TPP. Do đó, Bộ Tư pháp không đưa các kiến nghị này vào danh mục.
Theo Bộ Tư pháp, số lượng văn bản được đề xuất sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hoặc ban hành mới không nhiều, chủ yếu là các văn bản dưới luật. Trong đó, lĩnh vực sở hữu trí tuệ và lĩnh vực lao động đặt ra yêu cầu điều chỉnh pháp luật nhiều nhất.
Bộ Tư pháp khẳng định 44 văn bản quy phạm pháp luật cần được sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hoặc ban hành mới để thực thi TPP là nằm trong tính toán của Chính phủ, tương đương với số lượng văn bản từ lần rà soát sơ bộ trước đây. Một số văn bản được kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới cũng đã được dự kiến trong Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Chính phủ trong các năm 2016, 2017.
Bộ này nhận xét, TPP đề cao yếu tố bảo đảm thực thi và có quy định về cơ chế giải quyết tranh chấp ở mức độ mạnh mẽ, toàn diện hơn các FTA mà Việt Nam đã ký kết với mục tiêu đề cao việc thực thi cam kết của các nước thành viên. Do vậy, việc tổ chức thực thi TPP trên thực tế sẽ là một thách thức lớn với Việt Nam, đặt ra các yêu cầu cao cho Việt Nam trong việc xử lý.
Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, khi Việt Nam tham gia TPP, “mặt thuận lợi là chủ yếu, còn mặt thách thức có thể kiểm soát được với những giải pháp chủ động, quyết liệt, phù hợp”. Bộ trưởng cho biết hiện các nước thành viên đang khẩn trương thực hiện các thủ tục phê chuẩn TPP. Chẳng hạn, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tỏ rõ quyết tâm thúc đẩy Quốc hội nước này phê chuẩn TPP trước kỳ bầu cử.
Tại phiên họp, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuẩn bị sớm trình Chính phủ, trình Chủ tịch nước, trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định TPP theo đúng quy định của pháp luật.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương, nghiêm túc thực hiện các nội dung Việt Nam đã cam kết. Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục rà soát, nghiên cứu đề xuất phương án điều chỉnh pháp luật, có tính đến phương án một văn bản sửa đổi nhiều văn bản. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan xây dựng kế hoạch chuẩn bị triển khai Hiệp định, trình Chính phủ.
Việc sớm phê chuẩn Hiệp định TPP có ý nghĩa quan trọng trong việc khẳng định quyết tâm chính trị cao của Việt Nam, thể hiện vai trò thành viên chủ động, tích cực trong TPP; góp phần thúc đẩy hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường hiện đại và hệ thống pháp luật trong nước để sẵn sàng thực thi hiệu quả các cam kết; đồng thời có đủ thời gian để các doanh nghiệp, người dân và toàn xã hội chuẩn bị, chủ động tham gia khi Hiệp định có hiệu lực.