ThienNhien.Net – Nông nghiệp sinh thái không phải là vấn đề mới nhưng để nhìn nhận khái niệm này một cách hệ thống và hiểu về các phương pháp tiếp cận cũng như các loại hình nông nghiệp sinh thái là điều không đơn giản. Hiện còn nhiều định nghĩa khác nhau về nông nghiệp sinh thái, xong ích lợi mà loại hình nông nghiệp này mang lại đều đã được thừa nhận và minh chứng bằng nhiều mô hình thực tế, đặc biệt là những lợi ích về mặt môi trường, sinh thái.
Nhằm chia sẻ thông tin, kinh nghiệm của các đơn vị đã và đang hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến nông nghiệp sinh thái, ngày 5-6/5/2016, Tổ chức Nghiên cứu phát triển nông nghiệp quốc tế của Pháp (CIRAD) phối hợp cùng Tổ chức Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ (GRET) và Hội Khoa học phát triển nông thôn Việt Nam (PHANO) tổ chức “Hội thảo quốc gia hướng tới sự chuyển đổi của nông nghiệp sinh thái”.
Hội thảo thu hút khoảng 40 đại biểu đến từ các viện nghiên cứu, tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ, trong đó đại diện nhiều bên đã chia sẻ những kinh nghiệm, mô hình nông nghiệp sinh thái đang được áp dụng tại nhiều địa phương, đồng thời thảo luận về các bài học chính sách cũng như đề xuất một số khuyến nghị nhằm thúc đẩy, nhân rộng hơn nữa các mô hình nông nghiệp sinh thái tại Việt Nam.
Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động khởi động Dự án ACTAE do CIRAD và GRET thực hiện dưới sự tài trợ của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD). Dự án dự kiến được triển khai tại Lào, Campuchia, Myanmar và Việt Nam nhằm hỗ trợ hoạt động Mạng lưới nông nghiệp bảo tồn Đông Nam Á (CANSEA) – được thành lập từ năm 2009, đồng thời thúc đẩy sự hình thành và phát triển của Liên minh nghiên cứu nông nghiệp sinh thái Đông Nam Á (ALiSEA). Trước đó, hai hội thảo khởi động tương tự đã lần lượt được tổ chức tại Myanmar và Campuchia vào giữa tháng 3 và cuối tháng 3/2016.