Brazil yêu cầu bồi thường hàng chục tỷ USD vì vụ vỡ đập mỏ quặng

ThienNhien.Net – Các công tố viên Brazil đã nộp đơn yêu cầu Tập đoàn BHP Billiton của Australia và tập đoàn Vale SA của nước này bồi thường 43,4 tỷ USD do sự cố vỡ đập tại khu vực mỏ khai quặng sắt Germano, bang Minas Gerais, Đông Nam Brazil, hồi tháng 11 năm ngoái khiến 19 người thiệt mạng và gây ra thảm họa môi trường tồi tệ nhất trong lịch sử đất nước Nam Mỹ này.

Trong một tuyên bố, Văn phòng Công tố bang Minas Gerais cho biết số tiền trên là chi phí ước tính sơ bộ để khắc phục hậu quả của vụ vỡ đập.

Trước đó, Công ty khai mỏ Samarco cùng hai chủ sở hữu là Tập đoàn Vale SA và Tập đoàn BHP Billiton đã đồng ý bồi thường cho Chính phủ Brazil 8,5 tỷ đôla Australia (tương đương 6,2 tỷ USD) trong vòng 15 năm để khắc phục hậu quả của vụ vỡ đập.

Tuy nhiên, theo các công tố viên, số tiền này không được tính toán chính xác theo thực tế. Các công tố viên Brazil cho biết con số 43,3 tỷ USD trên được đưa ra dựa theo phán quyết của vụ kiện tập đoàn dầu khí BP của Anh trong vụ tràn dầu ở Vịnh Mexico hồi năm 2010.

Lực lượng cứu hộ tìm kiếm người mất tích sau vụ vỡ đập tại làng Bento Rodrigues, Mariana, bang Minas Gerais, Brazil ngày 6/11/2015 (Ảnh: AFP/TTXVN)
Lực lượng cứu hộ tìm kiếm người mất tích sau vụ vỡ đập tại làng Bento Rodrigues, Mariana, bang Minas Gerais, Brazil ngày 6/11/2015 (Ảnh: AFP/TTXVN)

Động thái trên đã khiến giá cổ phiếu của BHP sụt giảm tới 9,36% xuống còn 18,79 đôla Australia (tương đương 14 USD) trong bối cảnh giá quặng sắt giảm mạnh làm tăng áp lực kinh doanh.

Trong một phản ứng sau thông tin trên, BHP tái khẳng định cam kết hỗ trợ Samarco tái thiết cộng đồng và khôi phục môi trường bị ảnh hưởng đồng thời nhấn mạnh vẫn chờ thông tin chính thức. Tập đoàn Vale hiện chưa bình luận.

Vụ vỡ đập của Samarco, công ty liên doanh giữa BHP Billiton và Vale, được coi là tai nạn thảm khốc nhất trong lịch sử Brazil khiến 19 người thiệt mạng, 2 người mất tích và nhấn chìm cả một ngôi làng.

Ước tính đã có 64 triệu m3 bùn đất cùng nước có chứa chất thải độc hại từ khai thác quặng sắt tràn ra từ các đập bị vỡ, làm ô nhiễm 500km sông Doce tại Bento Rodrigues ra tới biển.

Các nhà bảo vệ môi trường nhận định phải mất một thế kỷ mới có thể xử lý xong những tác hại đối với môi trường.

Nguồn: