ThienNhien.Net – Hiện nay rừng sản xuất của Việt Nam được đánh giá đã đáp ứng được khoảng 70% nguyên liệu cho ngành sản xuất, chế biến đồ gỗ. Tuy nhiên, để đáp ứng được nhu cầu gỗ nguyên liệu ngày càng tăng thì cần có những chính sách mạnh mẽ hơn để phát triển rừng sản xuất.
Nhìn lại cách đây chưa đến 10 năm, Việt Nam còn đang loay hoay khi nguồn nguyên liệu tại chỗ cho ngành gỗ chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu, giá trị xuất khẩu gỗ năm 2007 cũng chỉ mới đạt trên 2 tỷ USD. Nhưng đến 2016, giá trị xuất khẩu kỳ vọng lên đến 7,6 tỷ USD. Quan trọng hơn, Việt Nam đã có thể chủ động tới 70% nguyên liệu gỗ dành cho sản xuất.
Tuy vậy, theo ông Nguyễn Văn Hà, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) thì việc phát triển rừng sản xuất hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn.
Thứ nhất, đất đai và điều kiện sản xuất chưa thực sự phù hợp. Cụ thể, quỹ đất quy hoạch để trồng rừng sản xuất còn hạn chế, không tập trung, chủ yếu quy mô nhỏ với diện tích chỉ từ 1-2 ha. Hệ thống cơ sở hạ tầng lâm nghiệp phục vụ cho các vùng thâm canh trồng rừng còn thiếu và nhiều năm chưa được đầu tư.
Song song với đó là khó khăn về vốn và tín dụng. Trồng rừng có chu kỳ kinh doanh dài, trong khi thủ tục vay vốn từ các ngân hàng còn khó khăn, thời gian cho vay ngắn. Do đó, các doanh nghiệp và hộ gia đình khó tiếp cận được nguồn vốn vay để đầu tư thâm canh trồng rừng gỗ lớn.
“Khó khăn để đồng bộ việc phát triển và bảo đảm chất lượng rừng trồng có thể tính đến đó là vấn đề giống và kỹ thuật. Nhiều nơi chưa quản lý, giám sát được chất lượng giống, đặc biệt là các cơ sở sản xuất giống tư nhân với quy mô hộ gia đình. Chính vì thế, hiện nay trồng rừng chủ yếu là quảng canh, chưa thâm canh nên rừng sinh trưởng chậm, năng suất thấp. Điều này cũng dẫn tới việc trồng các loài cây lâm sản ngoài gỗ có giá trị kinh tế cao chưa được quan tâm, đầu tư phát triển tương xứng với tiềm năng”, ông Hà phân tích.
Việc thúc đẩy để các chính sách về trồng rừng sản xuất đi vào đời sống cũng khá khó khăn khi đây là một ngành có chu kỳ kinh doanh dài nên khả năng gặp rủi ro cao như cháy rừng, gió bão. Trong khi đó, chưa có chính sách bảo hiểm đối với rừng trồng. Ngoài ra, giá trị xuất khẩu gỗ thì luôn tăng nhưng thực tế thị trường tiêu thụ và giá cả cũng vẫn còn thiếu ổn định.
Gỡ bằng chính sách và kỹ thuật
Để phát triển rừng sản xuất, thời gian qua, Tổng cục Lâm nghiệp đã tập trung vào một số giải pháp như quy hoạch phát triển rừng trồng gỗ lớn, nghiên cứu chọn tạo giống và nghiên cứu, chuyển giao khẩn trương các kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng cho địa phương.
Tổng cục đã xây dựng và ban hành hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng thâm canh, chuyển hóa rừng trồng cung cấp nguyên liệu gỗ lớn. Cùng với đó là nghiên cứu xây dựng gói kỹ thuật tối ưu về chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng cung cấp gỗ lớn, trồng lại rừng sau khai thác, trồng rừng mới theo hướng thâm canh, giá thành phù hợp cho từng nhóm cây trồng ở các điều kiện…
Ông Nguyễn Văn Hà cho biết, hiện người trồng rừng sản xuất cũng có thể được miễn hoặc giảm tiền thuê đất và thuế sử dụng đất đối những diện tích trồng rừng, chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ lớn.
Ngoài ra, Tổng cục Lâm nghiệp đang tiếp tục nghiên cứu, đề xuất chính sách ưu đãi, thuận tiện cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân vay vốn đầu tư trồng rừng sản xuất; xây dựng thí điểm chính sách bảo hiểm đối với rừng trồng kinh doanh gỗ lớn để người trồng rừng yên tâm đầu tư kinh doanh.
Về chế biến lâm sản, ông Hà cho rằng để phát triển bền vững rừng sản xuất, cần quy hoạch, bố trí hợp lý các nhà máy chế biến gỗ và lâm sản. Trong đó, ưu tiên xây dựng các nhà máy chế biến gỗ ở nơi có đủ nguyên liệu để góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người dân, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn, miền núi. Khuyến khích xây dựng các cơ sở sản xuất, chế biến tổng hợp gỗ rừng trồng và lâm sản ngoài gỗ.
Quan trọng nhất với người tham gia sản xuất rừng vẫn là khâu tiêu thụ. Việc thúc đẩy quản lý lưu thông hàng hoá lâm sản, bảo đảm nguồn gốc hợp pháp, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia thị trường sẽ tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và hài hòa lợi ích của người sản xuất và người tiêu dùng.
Cùng với việc hiện thực các cam kết quốc tế về minh bạch nguồn gốc gỗ sắp tới đây, việc phát triển thị trường xuất khẩu lâm sản chắc chắn phải phù hợp với luật pháp quốc tế. Điều này cũng đặt người sản xuất rừng vào tâm thế của những doanh nhân với thị trường rộng lớn hơn là chỉ cung cấp nguyên liệu tại chỗ.