ThienNhien.Net – Từ khi Thủy điện An Khê – Ka Nak ngăn dòng, dòng sông Ba luôn rơi vào tình cảnh khô cạn, ô nhiễm nặng vùng hạ du. Thời gian gần đây, đoạn chảy qua địa phận huyện Krông Pa (Gia Lai) lại xuất hiện tình trạng nước nổi váng, rêu xanh phủ kín và bốc mùi hôi tanh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sản xuất và sinh hoạt của hàng ngàn hộ dân.
Không có nguồn nước sinh hoạt, nhiều hộ dân men theo hai bên bờ sông đào những hố cát chắt lọc từng tí nước mang về sinh hoạt. Theo phản ánh của người dân, tình trạng trên xuất hiện từ đầu tháng 4/2016. Anh Ksor Chớp, xã Chư Ngọc nói: Từ trước tới nay, dòng sông Ba chưa bao giờ xuất hiện hiện tượng nước có rong rêu màu xanh lục đặc quánh như thế này. Mặc dù rất sợ bị bệnh, nhưng vì thiếu nước nên bà con chỉ còn cách đào những hố cát bên bờ sông lấy nước để sinh hoạt.
Phó Chủ tịch xã Chư Ngọc, huyện Krông Pa – Hà Văn Vinh cho biết, sông Ba là nguồn nước chính của bà con trên địa bàn sử dụng trong sinh hoạt, sản xuất và chăn nuôi. Thời gian gần đây, dòng sông xuất hiện tảo xanh nổi dày đặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân, có những thời điểm gia súc cũng không dám xuống sông uống nước.
Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh, Phòng TN&MT huyện Krông Pa đã trực tiếp xuống hiện trường kiểm tra, lấy mẫu nước niêm yết và báo cáo lên ngành chức năng của tỉnh và đang chờ cơ quan chuyên môn có kết luận chính thức. Theo ông Nguyễn Chí Quang- Trưởng Phòng TN&MT huyện Krông Pa nhận định, đây là hiện tượng “phú dưỡng hóa” gây ra do tình trạng nước lòng sông chứa nhiều chất thải hữu cơ, gặp thời tiết nắng nóng tạo điều kiện cho vi tảo xanh phát triển. Theo quy trình của hiện tượng “phú dưỡng hóa” sau khi vi tảo xanh phát triển lan rộng, khoảng 3 – 4 tuần thì tảo chết, có thể đưa đến hiện tượng nước chuyển sang màu đỏ, ô nhiễm nặng, các sinh vật gặp nước ô nhiễm sẽ chết.
“Hiện tượng trên được cho là do thời gian qua, thời tiết nắng hạn, nguồn nước suy kiệt không đủ lưu lượng chảy vì thủy điện An Khê – Ka Nak chặn dòng, trong khi các nhà máy chế biến tinh bột sắn, chế biến gỗ MDF, mía… nằm ở thượng nguồn sông Ba xả nước thải có chứa nhiều chất thải hữu cơ xuống dòng sông tạo điều kiện cho vi tảo phát triển” – ông Khanh cho biết.
Từ bao đời nay, dòng sông Ba luôn là nơi sinh kế và niềm tự hào của biết bao thế hệ người dân tộc Bana, J’rai… nhưng nay lại trở thành nỗi khiếp sợ, lo lắng. Hơn bao giờ hết, người dân vùng khát Krông Pa mong mỏi ngành chức năng sớm có kết luận và biện pháp khắc phục để trả lại sinh kế cho người dân.