ThienNhien.Net – Cuộc sống của hơn 60 triệu người, chủ yếu ở Châu Phi, Mỹ Latinh và Châu Á – Thái Bình Dương đang chịu tác động từ hiện tượng thời tiết khắc nghiệt El Nino – gây hạn hán. Đây là thông báo được cơ quan viện trợ nhân đạo của Liên hợp quốc (LHQ) đưa ra hôm 26/4.
Và, một lời kêu gọi trợ giúp 22 quốc gia, trong đó có Việt Nam nhằm ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu đã được đưa ra tại Hội nghị đại diện các quốc gia bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu và các tổ chức viện trợ ở Geneva, Thụy Sĩ cùng ngày.
Hiện tượng El Nino đang gây thời tiết cực đoan khắp thế giới, trong đó có đợt hạn hán tồi tệ nhất ở Ethiopia trong 50 năm qua. Các nhà khoa học của LHQ lo ngại khả năng chống chịu của Lục địa đen trước tác động lâu dài của biến đổi khí hậu. Phần lớn lượng nước trong mùa mưa tại Ethiopia đã không còn. Nguy cơ đói ăn, bệnh tật ngày một gia tăng. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (Unicef) ước tính sẽ có thêm hai triệu trẻ em ở nước này bị suy dinh dưỡng, hơn 10 triệu người cần viện trợ lương thực và gần 4 triệu trẻ không có khả năng đến trường do hạn hán.
Zimbabwe, một trung tâm sản xuất lương thực trong khu vực, hồi tháng 2 đã tuyên bố tình trạng thảm họa toàn quốc do hạn hán và số người cần viện trợ lương thực tăng từ 3 lên 4 triệu người. Báo cáo của Chương trình lương thực thế giới (WPF) cho biết, sản lượng lương thực của nước này trong năm 2015 đã giảm tới một nửa so với trước đó, trong khi giá ngô tăng tới 53%. Ước tính Zimbabwe cần khoảng 1,6 tỷ USD tiền viện trợ để mua lương thực sau đợt hạn hán. Somalia, Sudan và Kenya cũng đang trong tình trạng mất mùa do sự biến đổi của mùa mưa khiến 20 triệu người có nguy cơ bị đói. Các nhà khoa học hoàn toàn bất ngờ với hiện tượng này bởi trước đó họ dự đoán rằng El Nino sẽ mang mưa lớn đến Đông Phi chứ không phải hạn hán. Trong khi đó, hạn hán ở Nam Phi cũng nghiêm trọng hơn dự báo. WPF cảnh báo hơn 40 triệu người ở khu vực nông thôn và 9 triệu người ở thành thị đang bị ảnh hưởng bởi El Nino.
Hiện tượng El Nino bất thường trải dài từ Nam Phi tới các nước nhiệt đới ở Châu Á – Thái Bình Dương gây nắng nóng, thiếu nước và cháy rừng… đang khiến hàng triệu người khốn đốn. Tại Việt Nam, hạn hán và xâm nhập mặn đang khiến nhiều người dân không chỉ tại Đồng bằng sông Cửu Long sạt nghiệp khi cây trồng héo khô, ruộng đồng nứt nẻ. Tháng 3-2016, Chính phủ Việt Nam, LHQ và các Tổ chức phi chính phủ (NGOs) đã có một đánh giá nhanh, ước tính trong số 18 tỉnh bị thiệt hại nặng nề bởi hạn hán có khoảng 2 triệu người thiếu nước sạch cho sinh hoạt và sinh kế của khoảng 1,75 triệu người từ đồng bằng đến các vùng cao nguyên bị ảnh hưởng… Cộng đồng quốc tế bước đầu đã cam kết hỗ trợ 7,34 triệu USD để giúp Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng của El Nino dự báo sẽ không được cải thiện trong năm 2016. Và, khả năng La Nina – gây ngập lụt – tiếp theo sẽ khiến cuộc sống của hàng triệu người trên khắp thế giới khó khăn hơn cho đến cuối năm. Vì thế, khủng hoảng lương thực toàn cầu sẽ kéo dài đến năm 2017. Ảnh hưởng của El Nino càng nghiêm trọng hơn trong khi các nhà tài trợ quốc tế bị “hút” vào cuộc khủng hoảng di cư tại Châu Âu nên đến nay vẫn chưa đáp lại lời kêu gọi viện trợ. Theo người đứng đầu Văn phòng Điều phối viện trợ nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA), Stephen O’Brien, Quỹ Ứng phó khẩn cấp trung tâm LHQ (CERF) đã phân bổ 115 triệu USD cho “các hoạt động cứu người” nhưng thực tế phải cần đến 3,6 tỉ USD để có thể ngăn chặn những thảm họa chết người do El Nino gây ra.