ThienNhien.Net – Nguyên nhân cá biển, cá nuôi chết không phải do dịch bệnh mà do một tác nhân cực mạnh – chất độc trong môi trường nước.
Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết đã có kết quả phân tích mẫu nước lấy tại khu vực đầm Lập An, cửa biển Lăng Cô (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc) vào thời điểm cá chết tràn lan.
Kết quả cho thấy tổng hàm lượng nitơ tính theo amoni (NH4+-N), hàm lượng kim loại nặng crôm (Cr) vượt giới hạn cho phép. “Nguyên nhân cá biển, cá nuôi chết không phải do dịch bệnh mà do một tác nhân cực mạnh – chất độc trong môi trường nước” – sở này nhận định.
Hà Tĩnh: Từ đầu đã xác định có độc tố gây chết cá
Theo công bố của Trung tâm Quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc, hiện tượng cá chết bất thường tại các xã Kỳ Lợi, Kỳ Hà, Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) rất có thể do độc tố trong môi trường nước gây ra.
Sau đó, ông Nguyễn Công Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Hà Tĩnh, cho biết: Cá chết đa phần lúc thủy triều lên. Phải là một chất cực độc và hàm lượng rất lớn mới hòa lẫn vào nước biển làm cá tự nhiên chết hàng loạt.
Quảng Bình: Cá chết không phải là do yếu tố môi trường thông thường
Ngày 15-4, Chi cục Thú y tỉnh Quảng Bình đã có báo cáo nhanh tình hình cá bị chết tại cửa sông Nhật Lệ và dọc bãi biển Quang Phú (Bảo Ninh, Quảng Bình).
Theo đó, “bước đầu xác định cá chết không phải do các yếu tố môi trường thông thường hoặc bệnh nguy hiểm do tác nhân vi sinh vật gây nên. Có thể đây là hiện tượng cá bị nhiễm độc ở dạng cấp tính, do độc tố có trong môi trường nước gây nên”.
Chiều 23-4, tại cuộc họp do Bộ NN&PTNT chủ trì tổ chức tại Hà Tĩnh, cơ quan chức năng đưa ra: Loại bỏ nguyên nhân cá chết do dịch bệnh, đặc biệt tập trung vào các nhóm độc tố…
Hàng chục tấn nghêu chết trắng biển Kỳ Hà
Hiện hàng chục tấn vỏ nghêu chết dạt vào trắng xóa bãi biển Kỳ Hà, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Số nghêu này được xác định chết cách đây gần 20 ngày, trùng thời điểm phát hiện cá biển chết ở vùng biển thị xã Kỳ Anh. Theo người dân, thời điểm đó có lúc nước đục ngầu nhưng sau đó giảm bớt.
UBND xã Kỳ Hà thông tin toàn xã có năm hộ dân nuôi nghêu với diện tích hơn 6 ha, sản lượng ước đạt là 70 tấn. Tới thời điểm này, tổng số lượng nghêu chết là 63 tấn, thiệt hại ước tính 3 tỉ đồng.
Cá tiếp tục chết ở Quảng Bình
Tại bãi biển xã Thanh Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình, cá chết tiếp tục dạt vào dày đặc. Trong đó, nhiều loài cá lớn có trọng lượng khoảng 3-5 kg. Vùng biển Lạch Roòn, xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch cũng tương tự. Ngư dân Trương Văn Cương (thôn Đông Cạn, xã Cảnh Dương) thở dài: “Hơn nửa tháng nay, bà con không ai dám lên thuyền ra khơi đánh bắt. Bởi có đánh bắt được thì bán không có ai mua”.
Anh Lê Văn Thắng, thôn Đông Dương, xã Cảnh Dương nói thêm: “Tôi dong thuyền ra khơi đánh bắt cách bờ khoảng 10 hải lý thì thấy cả một vùng biển bốc mùi hôi thối nồng nặc, xác cá biển đủ loại từ nhỏ đến to nổi lềnh”. Nước biển ô nhiễm tới mức một số ngư dân nhảy xuống nước khi trở lên cảm thấy ngứa ngáy không chịu nổi.
Chợ cá Hà Tĩnh tiếp tục ế ẩm
Sáng 27-4, chợ cá Hà Tĩnh tiếp tục không khí đìu hiu. Hầu hết tiểu thương chuyên bán cá biển nghỉ bán hoặc chuyển sang bán cá nước ngọt. Tìm đỏ mắt chúng tôi mới thấy có hai tiểu thương bán mực ở góc chợ. Thấy chúng tôi, cả hai đều rất mừng và nài nỉ mua mở hàng, dù lúc này đồng hồ đã chỉ hơn 10 giờ.
“Đây là mực loại 1, tôi mua từ vùng biển Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Trước đây loại mực này chúng tôi chủ yếu bán cho nhà hàng hải sản, còn một ít bán ở chợ với giá 200.000-300.000 đồng/kg. Nhưng nay nhiều nhà hàng hải sản không nhập hàng vì không có khách, mang ra chợ thì không ai mua dù giá chỉ 100.000 đồng/kg” – tiểu thương Trần Thị Mai nói.
Theo chị Mai, ngày thường chị kiếm được cả triệu đồng tiền lãi nhưng cả tuần nay lỗ nặng. “Tôi cũng định nghỉ bán như mấy chị em khác nhưng ở nhà rỗi việc nên ra bán đại xem sao. Nếu hàng tươi không bán được thì tôi phơi nắng để sau này bán mực khô, vớt vát lại ít đồng” – chị Mai thở dài.
Ông Trần Viết Dũng, cán bộ thuế chợ Hà Tĩnh, cho biết: “Sáng nay tôi đi thu thuế, nhiều tiểu thương bán cá không có tiền nộp luôn. Chúng tôi phải chia sẻ với người dân bằng cách gia hạn thời gian nộp thuế cho họ. Nếu tình trạng này kéo dài, chúng tôi sẽ kiến nghị các cơ quan chức năng giảm thuế cho họ” – ông Dũng nói.
Ông Chu Xuân Phàm bị Formosa sa thải
Chiều 27-4, trao đổi qua điện thoại với Pháp Luật TP.HCM, ông Chu Xuân Phàm, Phó Trưởng phòng Đối ngoại của Công ty Formosa Hà Tĩnh, cho biết: “Sếp tôi đã thông tin là tôi bị đuổi việc. Tôi đáng bị thế và tôi thành thật xin lỗi các bạn, xin lỗi người dân Việt Nam về câu nói của tôi”.
Khi chúng tôi hỏi về dự định trong thời gian tới, ông Phàm nói: “Chắc chắn trong thời gian ngắn nữa thôi tôi phải về nước rồi. Tôi đã thu dọn đồ rồi. Một lần nữa cho tôi gửi lời xin lỗi đến người dân Việt Nam”.
Ngư dân Hà Tĩnh dạt về biển Nghệ An mưu sinh
Sáng 27-4, hàng ngàn ngư dân hoạt động ở khu vực Vũng Áng, Hà Tĩnh đã ra vùng biển Cửa Lò, Nghệ An để kiếm sống. Anh Nguyễn Xuân Thành, thợ lặn biển kỳ cựu ở Vũng Áng, cho biết: “Vùng nước nhiễm bẩn đang theo dòng hải lưu di chuyển vào các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị… Vì vậy chúng tôi chọn phương án ra đây đánh cá, tìm sò, tôm nuôi sống gia đình” – anh Thành nói.
Theo anh Thành, tại khu vực Vũng Áng, thời gian qua anh và nhiều người khác đều có một cảm nhận chung là sau khi lặn cảm thấy đau đầu, tức ngực, người mệt mỏi, da nổi ban đỏ. Bao nhiêu năm đi lặn biển, đây là lần đầu tiên anh thấy biểu hiện lạ như vậy. “Sáng nay ra Nghệ An tôi đã lặn ngay và cảm giác môi trường biển ở đây hoàn toàn khác hẳn. Tôi lặn sâu dưới đáy biển hàng giờ mà không hề đau đầu, tức ngực hay ngứa ngáy” – anh Thành nói.
Thợ lặn ở Formora xin tạm nghỉ việc
Anh Nguyễn Thiều, thợ lặn Công ty Cổ phần Xây dựng và Cung ứng Lao động Quốc tế (Nibelc, một nhà thầu thi công dự án Formosa), thông tin: Trước đây các thợ lặn chuyên thi công đúc, lắp đặt giếng chìm để làm đê chắn sóng ở cảng Sơn Dương sức khỏe bình thường. Nhưng thời gian gần đây, nhiều người khi lặn biển lên có biểu hiện mệt mỏi, tức ngực, khó thở. “Bản thân tôi cũng có biểu hiện tương tự, đặc biệt là ngứa khắp người” – anh Thiều nói.
Anh Thiều cho hay sau cái chết của thợ lặn Lê Văn Ngẩy vào ngày 25-4, nhiều thợ lặn của công ty đã tạm thời xin nghỉ. “Tôi đang chuẩn bị về quê ở Khánh Hòa rồi tranh thủ đi khám sức khỏe. Khi nào có kết luận chính thức về nguyên nhân cá chết, tôi mới dám quay lại làm việc” – anh Thiều nói.
Trong số chín thợ lặn của Công ty Nibelc đến khám bệnh tại BV Trung ương Huế, kết quả xét nghiệm cho thấy có một người có nồng độ đồng trong cơ thể cao gấp đôi so với mức bình thường.
Bác thông tin cá nhiễm độc chết ở Cù Lao Chàm và Đà Nẵng
Ngày 27-4, ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp, TP Hội An, Quảng Nam, đã bác bỏ thông tin cá nhiễm độc chết trôi dạt vào bờ biển đảo Cù Lao Chàm.
Trước đó, nhiều thông tin trên các trang mạng cho rằng ở đảo Cù Lao Chàm xuất hiện hiện tượng cá chết do nhiễm độc và trôi vào bờ hàng loạt. “Đúng là có hiện tượng cá chết trôi dạt vào bờ nhưng rất ít. Số lượng cá này chết do một số người lén lút đánh bắt bằng cách nổ mìn ở các khu vực xung quanh khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm. Công an xã đang điều tra vụ việc này” – ông An nói.
Cùng ngày, ông Lưu Quang Khánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Đà Nẵng, cho biết những ngày qua một số bãi biển xuất hiện cá chết. Đây là những con cá có kích thước nhỏ, đã chết lâu ngày rồi. Chi cục xác định là cá bị thương do vướng lưới nên chết. Hiện các bè nuôi cá, thủy, hải sản ở biển Đà Nẵng không có hiện tượng bất thường nào cả.