Phát ngôn gây phản ứng: Lãnh đạo Formosa cúi đầu xin lỗi

ThienNhien.Net – Lãnh đạo Công ty Formosa nói: Phó phòng Đối ngoại Chu Xuân Phàm của công ty đã có những phát ngôn không chuẩn.

Chiều 26-4, Công ty Formosa Hà Tĩnh tổ chức họp báo tại trụ sở hành chính trong Dự án Formosa (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) liên quan đến những thông tin về việc xả thải ra biển của công ty.

Xin lỗi nhưng né tránh trả lời

Mở đầu buổi họp báo, lãnh đạo Công ty Formosa cúi đầu xin lỗi người dân Việt Nam vì những phát ngôn không đúng mực của Phó phòng Đối ngoại Chu Xuân Phàm trong ngày 25-4. “Ông Chu Xuân Phàm không có chức năng phát ngôn nhưng đã có những lời lẽ gây ra sự hiểu lầm đáng tiếc. Ông Phàm sẽ bị xử phạt nghiêm khắc” – Phó Tổng Giám đốc điều hành Trương Phục Ninh nói.

Ông Ninh cho hay trước đó hệ thống xử lý nước thải của công ty được Bộ TN&MT kiểm tra và kết luận đạt tiêu chuẩn. “Theo quy định, chúng tôi không phải xin phép cơ quan chức năng khi súc rửa đường ống. Chúng tôi súc rửa rồi đưa về hệ thống xử lý nước thải, xử lý xong rồi mới đưa ra môi trường bên ngoài” – ông Ninh nói.

Ông Ninh thừa nhận trong hóa chất súc rửa có những chất nguy hại như acid. Nhưng ông khẳng định công ty đã đầu tư đến 45 triệu USD để nhập các máy móc, thiết bị xử lý nước thải hiện đại từ châu Âu. Do đó, vấn đề cá chết hàng loạt thực chất có liên quan đến nước thải của công ty hay không thì còn phải đợi kết luận từ cơ quan hữu quan của Việt Nam.

Tiếp lời ông Ninh, ông Chu Xuân Phàm đứng lên, cúi đầu xin lỗi vì những phát ngôn phản cảm của mình. “Tôi đã có những lời lẽ không đúng, làm ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa Formosa và chính quyền. Tôi xin nhận sai sót” – ông Phàm nói.

Trong một giờ đồng hồ họp báo, phía Formosa không hề đưa ra lý giải rõ ràng về quy mô, phương thức vận hành hệ thống xả thải và việc kiểm soát nước thải. Giám đốc Formosa Hà Tĩnh, ông Khâu Nhân Kiệt, chỉ cho biết mọi yếu tố xả thải ra môi trường đều được kiểm tra kỹ. Về số hóa chất tẩy rửa có chứa acid, ông Kiệt cho biết không phải dùng cho đường ống xả thải nhưng không nói cụ thể dùng trong công đoạn nào.

Buổi họp báo nhanh chóng kết thúc với lý do lãnh đạo công ty bận làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh. Hàng chục câu hỏi do các PV đưa ra đều không được trả lời. Lãnh đạo công ty đề nghị báo chí gửi lại câu hỏi, Formosa sẽ trả lời bằng văn bản sau.

270416_formosa
Hôm nay, công bố nguyên nhân cá chết

Trong một diễn biến khác, lúc 20 giờ hôm qua (26-4), ông Phan Lam Sơn, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh, cho biết các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế được Bộ TN&MT mời dự buổi công bố kết quả bước đầu về nguyên nhân gây chết cá vào chiều nay (27-4).

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho biết đã chỉ đạo Tổng cục Môi trường tổ chức phiên họp tham vấn ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia về hiện tượng cá chết. Suốt những ngày qua, Bộ TN&MT tiếp tục lấy ý kiến của các nhà khoa học hàng đầu, thuê các trung tâm có uy tín tập trung phân tích nhanh mẫu vật, gửi một số mẫu phân tích đi nước ngoài mà Việt Nam không phân tích được…

Khi được hỏi về quy trình cấp phép của Bộ TN&MT đối với Công ty Formosa, ông Nhân cho biết: “Trước đó Formosa có văn bản đề nghị được xây dựng đường ống xả nước làm mát ra vịnh Sơn Dương. Ống có đường kính 1,2 m, chiều dài 1,3 km, nằm cách mặt biển 12 m. Việc xây dựng đường ống được Bộ TN&MT chấp thuận từ năm 2014. Đường ống đó là hợp pháp”.

Về quy trình quản lý xả thải ra môi trường biển của các khu công nghiệp lớn chạy dọc các tỉnh miền Trung hiện nay, ông Nhân nói: “Việc xả nước thải được xử lý sạch ra biển là bình thường. Hiện cả nước có nhiều đường ống xả thải ngầm ra biển. Việc xả thải luôn được chúng tôi kiểm tra định kỳ”.

Viện Hải dương học Nha Trang vào cuộc

TS Võ Sỹ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, cho biết Viện đã thành lập một nhóm gồm 10 chuyên gia đầu ngành tham gia nghiên cứu, xác định nguyên nhân cá chết hàng loạt tại các tỉnh Trung Trung Bộ.

Nhóm nghiên cứu đã tiếp cận rất nhiều nguồn tư liệu trong và ngoài nước, qua đó đánh giá, tìm hiểu các quá trình diễn ra trong biển liên quan đến hải dương học, sinh thái học, mối liên quan với sự cố đang diễn ra tại vùng biển các tỉnh trên.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, PGS-TSKH Nguyễn Tác An, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam, cũng khẳng định đây là lần đầu tiên xảy ra hiện tượng cá biển chết hàng loạt tại Việt Nam. Đặc biệt, cá chết phần lớn là loài sống ở dưới tầng sâu vốn có khả năng chịu đựng rất lớn. “Tuy nhiên, đó chỉ mới là phần cá chết nổi lên. Điều nguy hiểm nhất chính là hệ sinh thái, sự sống khu vực đáy đã bị tàn phá, hủy diệt. Điều này sẽ để lại di chứng kéo dài 5-10 năm hoặc lâu hơn nữa và để khôi phục phải mất vài chục năm” – PGS-TSKH Nguyễn Tác An nhận định.

 

Tấn Lộc