ThienNhien.Net – Theo điều tra, nhiều cánh rừng tại Gia Lai đang bị “xé nát” theo hướng gọng kìm. Rừng giáp ranh Kon Tum nguy cơ cao bị lâm tặc lấn sang, phía giáp Đắc Lắc đã công khai bị tàn phá. Cưa lốc, xe tải độ chế, cáp tời được đưa vào rừng xẻ gỗ. Từ đây, nhiều lỗ hổng trong việc bảo vệ rừng của Gia Lai bị phát lộ.
Lâm tặc vây ráp
Báo Lao Động các số 81 và 82 (ngày 11 – 12.4) có bài viết “Rừng Kon Tum bị tàn phá: Ai chống lưng cho lâm tặc?” và “Lâm trường Măng La có tiếp tay” phản ánh rừng lâm phần Lâm trường Măng La (Kon Tum) bị tàn phá. Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Nguyễn Văn Hùng đã yêu cầu kiểm điểm Cty lâm nghiệp Kon Plông. Trước đó nữa, Phó Chủ tịch tỉnh Kon Tum Nguyễn Hữu Hải cùng lãnh đạo Sở NNPTNT, Chi cục Kiểm lâm Kon Tum vào tận hiện trường kiểm tra. Tuy vậy, Kon Tum vẫn chưa điều tra ra được đối tượng chủ mưu phá rừng. “Điều tra viên vẫn đang làm, đang xác minh bởi đầu tháng 4 quyết định khởi tố vụ án của Hạt Kiểm lâm huyện Kon Plông mới chuyển qua” – đại tá Trần Duy Liên – Trưởng CA huyện Kon Plông cho biết. Trong khi đó, Cty lâm nghiệp Kon Plông chỉ mới tiến hành kỷ luật khiển trách Nguyễn Minh Thông – cán bộ phụ trách tiểu khu 502, nhắc nhở toàn bộ Lâm trường Măng La và cá nhân Giám đốc Cty lâm nghiệp Kon Plông Vũ Văn Bắc.
Đáng nói, khu vực rừng Kon Tum bị phá giáp ranh huyện K’Bang (Gia Lai). Chủ tịch UBND huyện K’Bang – Võ Văn Phán than: “Bên kia (Kon Tum – P.V) phá kinh khủng. Giờ Kon Tum thả lỏng rồi”. Do đó, Sở NNPTNT Gia Lai phải fax công văn 382/SNN-VP gửi huyện K’Bang và Chi cục Kiểm lâm Gia Lai đề nghị truy quét lâm tặc tại vùng giáp ranh. Lần lượt hai công văn số 190/CCKL-TTPC, 497/UBND-NC của Chi cục Kiểm lâm và huyện K’Bang được ban hành, thành lập hai tổ liên ngành xử lý việc khai thác, vận chuyển gỗ trái phép. “Quá tuần, kiểm tra lực lượng không phát hiện cây gỗ nào của rừng K’Bang bị phá. Hiện anh em vẫn đang canh gác trong rừng vùng giáp ranh” – Phó Chủ tịch huyện K’Bang Phạm Xuân Trường thông tin.
Vụ việc tưởng tạm lắng nhưng mới đây, cũng tại huyện K’Bang ngày 16.4, Trạm kiểm soát lâm sản số 2 (Hạt Kiểm lâm huyện K’Bang) bắt giữ xe vận chuyển 7,151m3 gỗ gội nếp và kháo. Rừng phòng hộ của huyện Krông Pa – giáp ranh huyện Kông Năng (Đắc Lắc) – cũng bị lâm tặc tàn phá. 77 hộp gỗ cùng 22 gốc chặt bị phát hiện vào ngày 5.4, tất cả bị đốn hạ bằng cưa lốc với khối lượng lên đến hơn 54m3 gỗ. Ngày 22.4, Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa chuyển quyết định khởi tố lên Chi cục Kiểm lâm. Có thể thấy, rừng Gia Lai đang bị bao vây, bức tử từ hai hướng Kon Tum và Đắc Lắc.
Độc quyền thanh lý lâm sản
Tại Tây Nguyên, tỉnh Gia Lai được đánh giá là có động thái kiên quyết, xử lý mạnh nạn phá rừng nhưng rừng vẫn bị phá. Nhiều văn bản chỉ đạo bảo vệ rừng phát đi nhưng cuộc chiến chỉ nằm trên giấy. Cạnh đó, tỉnh Gia Lai bán lâm sản thanh lý tất cả những tang vật liên quan đều dồn về giao hội đồng bán đấu giá của tỉnh xử lý. Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Tạ Chí Khanh – Phó Chủ tịch huyện Krông Pa – nêu quan điểm, đối với những lâm sản tịch thu nên giao nơi tịch thu thanh xử lý và bán. “Không thể dồn về tỉnh được, huyện rất khó để lên tham gia. Tỉnh dồn một lượng lớn gỗ từ các huyện về nên chỉ có những doanh nghiệp to, đại gia mới vô được mà đằng sau đó là “sân sau” của một số người” – một cán bộ xin giấu tên nói. Chưa kể số tiền thanh lý trả về cho huyện quá ít để sung vào công quỹ bảo vệ rừng.
Đáng nói theo Quyết định 07 của Bộ NNPTNT, cứ 1.000ha rừng có một kiểm lâm viên phụ trách. Thế nhưng, tại Gia Lai mỗi một kiểm lâm phải phụ trách trên dưới 10.000ha, gấp 10 lần so với quy định. Chủ tịch huyện K’Bang Võ Văn Phán đề nghị phải gắn trách nhiệm cho chủ rừng, đặc biệt là các Cty lâm nghiệp. “Nhưng biện pháp căn cơ, lâu dài và bền bỉ nhất là giải quyết, khoán bảo vệ rừng cho người dân sống được với rừng. Bởi không có lực lượng nào bảo vệ rừng tốt bằng nhân dân” – ông Phán đề xuất.