ThienNhien.Net – Kết quả thí nghiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên – Huế cho thấy nước biển có cá chết hàng loạt ở cửa biển Lăng Cô bị nhiễm kim loại nặng. Trong khi đó, một con cá vẩu nặng 35 kg lại trôi dạt vào bờ biển sáng nay.
Sáng 26-4, ông Lê Công Minh, Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế, xác nhận tại vùng biển gần bờ của xã này ở thôn Bình An 2, ngư dân tiếp tục phát hiện một con cá có trọng lượng lớn trôi dạt vào gần bờ.
Theo đó, vào khoảng 8 giờ 30 cùng ngày, khi ngư dân ra khơi tại vùng biển ở khu vực gần cảng Chân Mây (xã Lộc Vĩnh) thì phát hiện con cá vẩu còn thở, sắp chết và trôi lờ đờ trên mặt nước. Sau đó, người dân đã vớt con cá này lên bờ và tiến hành chôn cất. Theo ông Minh, con cá này nặng khoảng 35 kg, thuộc loài cá sống ở vùng biển xa bờ nên rất kỳ lạ. Trước đó, tại vùng biển này cũng xuất hiện cá biển chết trôi dạt vào bờ khá nhiều, trong đó có 1 con cá vẩu nặng 35 kg.
Trong khi đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết đã có kết quả phân tích mẫu nước lấy tại khu vực tại khu vực đầm Lập An, cửa biển Lăng Cô, thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc vào thời điểm xuất hiện cá chết tràn lan.
Kết quả cho thấy các chỉ tiêu về hóa lý như độ pH, hàm lượng ô xy hòa tan (DO), nhu cầu ô xy hóa học (COD), hàm lượng cyanua (CN-), tổng hàm lượng dầu mỡ, tổng các chất hoạt động bề mặt đều nằm trong giới hạn cho phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Các thông số gồm tổng hàm lượng nitơ tính theo amoni (NH4+-N), hàm lượng kim loại nặng crôm (Cr) vượt giới hạn cho phép của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển cũng như quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt.
Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên – Huế đã tiến hành khảo sát và lấy 09 mẫu nước mặt và 7 mẫu trầm tích tại khu vực đầm Lập An (gần cửa biển Lăng Cô), huyện Phú Lộc, vùng ven bờ xã Quảng Công, huyện Quảng Điền và các xã Điền Hương, Điền Hải, huyện Phong Điền để phân tích, đánh giá các thông số về môi trường theo Quy chuẩn Việt Nam từ đó tìm hiểu nguyên nhân của sự cố. Theo đánh giá ban đầu của cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên – Huế, khả năng chất độc trong môi trường nước gây sự cố cá chết hàng loạt xuất hiện từ phía Bắc tỉnh này.