ThienNhien.Net – Nắng nóng, hạn hán kỷ lục ở Campuchia không chỉ khiến người dân khổ sở mà còn làm khoảng 65 tấn cá chết trắng hồ ở khu bảo tồn Tonle Chhmar thuộc tỉnh Kampong Thom.
Ông Nao Thuok, quan chức Bộ Nông nghiệp Campuchia, hôm 24-4 cho biết mực nước thấp và nhiệt độ cao đang đe dọa môi trường sống của cá. Theo quan chức này, nếu trời không mưa trong vòng 10 hoặc 15 ngày tới, toàn bộ cá trong hồ sẽ chết hết.
Khắp thế giới, nắng nóng cùng với động đất, lũ lụt, lở đất đã khiến 22.773 người chết, 98,6 triệu người bị ảnh hưởng và gây thiệt hại kinh tế lên đến 66,5 tỉ USD trong năm 2015. Đáng lo hơn, biến đổi khí hậu sẽ khiến những thiên tai này trở nên trầm trọng, từ đó có thể gây ra hậu quả tồi tệ nếu các nước không có sự chuẩn bị tương xứng.
Ông Robert Glasser, đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc về vấn đề giảm rủi ro thảm họa, chỉ ra một sự bất hợp lý hiện nay: Ngân sách viện trợ toàn cầu năm 2014 là 135,2 tỉ USD nhưng chỉ có 540 triệu USD (tương đương 0,4%) dành cho những nỗ lực giảm nhẹ rủi ro thảm họa quốc tế. Ông Glasser cho biết Liên Hiệp Quốc muốn tỉ lệ này tăng lên 1% và dự kiến sẽ đề xuất tại hội nghị thượng đỉnh về nhân đạo đầu tiên ở TP Istanbul – Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng tới.
Trận động đất xảy ra tại Nepal cách đây đúng 1 năm – khiến gần 9.000 người thiệt mạng và hàng trăm ngàn ngôi nhà, tòa nhà đổ sập – là ví dụ điển hình cho thấy sự cần thiết phải nỗ lực giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Theo ông Glasser, Nepal hiện có khoảng 35.000 trường học và nếu không được thiết kế để chống động đất, sẽ có hàng chục ngàn tòa nhà đổ sập, gây thiệt hại lớn về người. Vấn đề là nhà chức trách Nepal cho đến giờ vẫn chưa công bố những quy định xây dựng mới.
“Tôi chưa thấy bất kỳ sáng kiến hoặc sự thay đổi đáng kể nào sẽ giúp ích trong trường hợp động đất tiếp tục xảy ra” – ông Mattias Bryneson, thuộc Tổ chức Cứu trợ Plan International (Anh), nói với báo The Washington Post (Mỹ). Ông cũng cảnh báo Nepal sẽ hứng chịu thảm họa nghiêm trọng nếu một trận động đất mạnh lại xảy ra.