ThienNhien.Net – Formosa có thể bị xử lý hình sự nếu cơ quan chức năng phát hiện đường ống xả thải của Formosa có chất nguy hại khiến cá chết hàng loạt.
Liên quan đến nghi vấn chất độc hại được sử dụng trong quá trình Formosa tiến hành súc xả đường ống, thông tin trên Người Lao Động ngày 24/4 cho biết, cơ quan chức năng đã lấy mẫu để xác định chất lượng xử lý cũng như tính chính xác của hệ thống quan trắc tự động của Formosa khi súc xả đường ống giữa lúc có nghi vấn súc xả đường ống có chất độc.
Trong khi đó, thông tin trên Tuổi Trẻ cho biết, trong quá trình kiểm tra, Tổng cục Môi trường xác định Formosa (Khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh) có vi phạm khi thực hiện việc súc xả đường ống nhưng không thông báo cho địa phương. Có trong tay danh sách 45 loại hóa chất mà Formosa nhập để súc rửa đường ống, Tuổi Trẻ đã gửi đến một số nhà khoa học để tham khảo.
Dẫn lời GS.TS Lê Huy Bá (chuyên gia độc học môi trường), thông tin trên Tuổi Trẻ cho biết nhận định ban đầu của vị giáo sư này về danh sách các loại hóa chất được sử dụng tại Formosa gồm nhiều chất độc và cực độc. Trong đó có các chất chống gỉ, chất làm sạch bề mặt kim loại, chất tẩy…
Theo quy định, khi súc xả đường ống, Formosa có trách nhiệm phải thông báo cho địa phương việc súc xả đường ống diễn ra từ thời điểm nào tới thời điểm nào nhưng Formosa không thông báo, cũng không báo cáo các cơ quan ở địa phương về việc súc rửa đường ống.
Khi được hỏi về việc Formosa giải thích thế nào với cơ quan chức năng về việc súc rửa đường ống không thông báo cho địa phương? một vị lãnh đạo cho rằng: “Chúng tôi có hỏi nhưng họ (Formosa – PV) nói không biết có quy định này”.
Theo giải thích của Formosa thì nguồn nước thải này “thực hiện theo quy trình khép kín, sau đó đưa vào tái tuần hoàn trong quá trình xử lý nước thải”, rồi được lấy lại và đưa vào khu xử lý nước thải công nghiệp.
Trên Vietnam+, luật sư Nguyễn Thiều Dương, Giám đốc Công ty luật Đại Việt cho rằng, nếu cơ quan chức năng điều tra, phát hiện đường ống của Formosa xả thải có chất nguy hại khiến cá chết hàng loạt ven biển các tỉnh miền Trung, doanh nghiệp này có thể bị xử lý hình sự, hoặc phạt hành chính và buộc khắc phải phục hậu quả.
Cụ thể, Luật sư Dương cho biết, theo Điều 14 Nghị định số 179/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, việc doanh nghiệp vi phạm các quy định về xả nước thải có chứa các thông số môi trường nguy hại vào môi trường sẽ bị phạt tiền và có thể bị đình chỉ hoạt động từ 3 – 12 tháng.
Trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, doanh nghiệp buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm.
Ngoài ra, Luật sư Dương cũng cho biết, những hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, nếu gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác thì có thể bị xử lý hình sự theo một trong các điều thuộc Chương XVII (Điều 182, 182a, 183, 188) của Bộ luật Hình sự hiện hành (sửa đổi, bổ sung năm 2009).