ThienNhien.Net – Chiều 23-4, tại UBND tỉnh Hà Tĩnh, Bộ NN&PTNT đã có buổi làm việc với đại diện của 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế về tình trạng cá chết hàng loạt ven biển miền Trung.
Buổi làm việc do ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT và ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh chủ trì. Cùng tham dự có ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ TN&MT cùng lãnh đạo các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế.
Theo ông Tám, buổi làm việc được tổ chức sau chỉ đạo của Thủ tướng về khắc phục hậu quả, ghi nhận thiệt hại của ngư dân do cá chết hàng loạt từ Hà Tĩnh vào đến tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đoàn kiểm tra Bộ NN&PTNT đã lần lượt lấy mẫu phân tích tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế. Đoàn cũng ghi nhận tình hình thực tế cá chết tại các địa phương này.
Cá chết bất thường hàng loạt
Ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) đã báo cáo tình trạng cá chết hàng loạt trong thời gian qua.
Theo đó, ngày 6-4, cá nuôi của các hộ dân ở xã Kỳ Lợi bị chết hàng loạt, tiếp theo cá nuôi ở các xã khác như Kỳ Hà, Kỳ Ninh… (thị xã Kỳ Anh) cũng bị chết sạch.
Ngày 7-4, người dân phát hiện cá biển chết hàng loạt và trôi dạt bờ biển thị xã Kỳ Anh. Đến ngày 10-4 thì tôm trong một số ao nuôi ở phường Kỳ Phương bị chết do bơm nước biển vào. Tiếp đó, từ 14 đến 19-4 xuất hiện tình trạng cá nuôi và cá tự nhiên trên biển chết hàng loạt ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế.
Sau khi sự việc xảy ra tại Hà Tĩnh, ngày 7-4, Trung tâm Quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc (thuộc Bộ NN&PTNT) đã phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Tĩnh lấy mẫu làm xét nghiệm và có kết quả ban đầu về hiện tượng cá chết hàng loạt, trôi dạt vào bờ biển và do “nguồn nước bị nhiễm độc” chứ không phải do vi khuẩn gây bệnh. Tuy nhiên, độc tố đó là gì thì vẫn chưa rõ…
Trước tình trạng đó, ngày 19-4 Cục Thủy sản đã cử các đoàn làm việc các tỉnh. Cơ quan chức năng đã thu giữ và gửi đi kiểm tra 42 mẫu cá. Đồng thời hướng dẫn, khuyến cáo người dân không dùng cá chết làm đồ ăn cho người, cho vật nuôi.
Ngày 22-4, đoàn công tác liên ngành do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì đã trực tiếp vào làm việc, kiểm tra, lấy mẫu nước và cá chết để phân tích nhằm tìm ra nguyên nhân cá chết ven biển miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế.
Đại diện Vụ Bảo tồn nguồn lợi thủy sản cho biết, sau khi xảy ra sự việc, phía cơ quan đã thu mẫu cá, mẫu nước tại các tỉnh để kiểm tra. Kết quả ban đầu cho thấy, các thông số môi trường nước như PH, độ muối, oxy tự nhiên đều bình thường.
Cá chết là do nhiễm độc tố
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh khẳng định lại, cá chết là do nhiễm độc tố, nhưng để xác định độc tố là gì thì địa phương không có đủ điều kiện để giám định, cần phải các bộ ngành liên quan vào cuộc. Hiện tại người dân gặp rất nhiều khó khăn sau khi cá nuôi, cá tự nhiên chết đồng loạt.
Đaị diện tỉnh Quảng Bình cho biết, cá chết xuất hiện vào ngày 10-4 tại xã Quảng Đông, đến ngày 14 và ngày 19-4 cá chết nhiều rải rác nhiều nơi ven biển của tỉnh.
Với tình trạng cá chết nhanh và cả cá trong lồng và cá ngoài tự nhiên đều “dính” thì có thể khẳng định chất độc rất mạnh. Tuy chưa thống kê cụ thể mức độ thiệt hại nhưng sự việc ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh doanh thuỷ sản và du lịch của tỉnh.
Đại diện tỉnh Quảng Trị thông báo, tình trạng cá chết xuất hiện từ ngày 14-4 và xuất hiện nhiều ngày 19-4. Các loại cá bị chết chủ yếu là các loại cá tầng đáy, hoàn toàn là cá tự nhiên và số lượng rất nhiều.
Sau khi xảy ra sự việc, tỉnh đã chủ động yêu cầu các ban ngành liên quan, báo cáo và vào cuộc sớm thông báo cho các UBND huyện tuyên truyền cho người dân không lấy nước vào nuôi tôm.
Ban đầu, có tình trạng người dân lượm lặt cá chết về để sử dụng. Nhưng sau đó cơ quan chức năng đã cảnh báo không được sử dụng các loại cá chết này. Do chưa kết luận được nguyên nhân cá chết, chưa biết do độc tố gì nên chưa có hướng xử lý triệt để. Chỉ mới xử lý, chôn ở gần bờ.
Vị đại diện này cũng kiến nghị, vấn đề ảnh hưởng rất lớn đến với người dân nên cần có giải quyết và sớm có thông tin về vấn đề này.
Cụ thể, đề nghị lấy mẫu và nước ở dưới dàn đáy để tìm nguyên nhân; Có hướng dẫn cho bà con thời gian xuống giống nuôi các loại hải sản để tránh bị ảnh hưởng; có thêm các điểm quan trắc để sớm phát hiện sự việc tương tự.
Đại diện tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, 10h sáng 15-4, xuất hiện tình trạng cá nuôi chết. Ngay sau đó, các cơ quan chức năng, lãnh đạo tỉnh liền xuống hiện trường để ghi nhận và có hướng xử lý.
Đến ngày 16-4, cá biển tự nhiên bắt đầu xuất hiện tình trạng chết dọc các huyện, xã ven bờ của Thừa Thiên – Huế. Có khoảng 5000 con cá lồng chết, trọng lượng từ vài lạng đến 3kg, tổng khoảng vài tấn. Các loại cá trong lồng chết tức thì ở thời gian đầu. Đến thời điểm ngày hôm qua (22-4), có khoảng 1000 con nhưng chết từ từ.
Đại diện Thừa Thiên – Huế cũng đặt ra câu hỏi: Tại sao không bắt đầu ở tỉnh nào mà bắt đầu từ Hà Tĩnh?. Chúng tôi nhận định cá chết do độc, do nguồn thải ra và không loại trừ do các tàu tàu vận tải hoạt động trên biển. Đề nghị cần phải kiểm tra, xem xét lại các tàu hoạt động từ ngày 1 đến ngày 20-4 để tìm ra nguyên nhân.
Tại cuộc họp, đại diện đơn vị Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản cho biết, sau khi sự việc xảy ra, phía đơn vị đã vào cuộc lấy mẫu để làm rõ. Kết luận ban đầu cho thấy, cá chết không phải do dịch bệnh mà do độc tố ở môi trường nước. Với tình trạng cá chết nhanh và cả cá trong lồng và cá ngoài tự nhiên thì khẳng định yếu tố gây cá chết là độc và chất độc rất mạnh mới có thể gây chết cá.
Ông Nguyễn Viết Nghĩa, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu hải sản cho biết, qua nhận định ban đầu, nguyên nhân độc chất mạnh gần như là chắc chắn, song chưa biết nơi nào phát tán.
Đường ống xả thải khổng lồ của Formosa là có phép
Tại buổi làm việc, ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ TN&MT cho biết, liên quan đến tình hình cá chết những ngày vừa qua, ngay sau khi sự việc xảy ra, Bộ TN&MT giao các cơ quan liên quan phối hợp địa phương xử lý tình trạng cá chết. Các nhà khoa học, chuyên môn cần xác định sớm nguyên nhân. Bộ cũng đã gửi văn bản tuyên truyền cho người dân, không sử dụng cá chết làm thực phẩm cũng như làm thức ăn chăn nuôi.
Liên quan đến hệ thống đường ống khổng lồ của Formosa dài khoảng 1,5km, đường kính 1,1m với lưu lượng xả thải 12.000m3/ngày, Thứ trưởng Nhân cho biết quy trình xả thải của Formosa đã được Bộ TN&MT cấp phép theo đúng quy định pháp luật Việt Nam, toàn bộ nước thải phải được xử lý trước khi xả ra.
Tuy nhiên, việc được phép xả thải, được phép chạy đường ống ngầm với việc nước thải đó có chất gì gây hại môi trường hay không, hai chuyện đó khác nhau. Việc này đang được kiểm tra.
Như vậy đến thời điểm này các cơ quan chức năng vẫn chưa xác định được nguyên nhân cụ thể gây ra tình trạng cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh từ Hà Tĩnh vào đến Thừa Thiên Huế và đang phải chờ kết quả thí kiểm nghiệm trong thời gian tới.