Kỳ 1: Dân vùng mỏ “chết mòn” vì thiếu nước
ThienNhien.Net – Dự án mỏ sắt Thạch Khê được triển khai từ năm 2009 với kỳ vọng làm đổi thay bộ mặt công nghiệp Hà Tĩnh, giúp người dân nơi đây thoát nghèo. Thế nhưng, đã 7 năm trôi qua, dự án vẫn chưa thoát cảnh bế tắc. Trong khi đó, dân ở các xã nằm trong vùng ảnh hưởng thì phải chịu hàng loạt hệ lụy.
Mới đầu Hè nhưng thời tiết tại Hà Tĩnh đã oi nồng, từng đợt nắng dài như muốn báo hiệu về một mùa khắc nghiệt. Con đường dẫn về vùng mỏ Thạch Khê vắng hoe, cát bụi bay mù mịt. Hai bên đường, chỉ còn lại những dãy ruộng trơ đáy nứt nẻ, vô hồn chạy dài tít tắp – một màu trắng bạc, khô cằn, xơ xác.
Nhiều năm nay, người dân các xã chịu ảnh hưởng của dự án mỏ sắt Thạch Khê (gồm: Thạch Khê, Thạch Bàn, Thạch Đỉnh, Thạch Hải, Thạch Trị, Thạch Lạc của huyện Thạch Hà) triền miên sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp nghiêm trọng.
Theo ghi nhận của chúng tôi, việc triển khai dự án đã dẫn đến tầng nước ngầm bị tụt sâu. Còn bề mặt thì bị nhiễm phèn, nhiễm mặn khiến việc sản xuất và sinh hoạt của người dân vô vàn khó khăn.
Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Bàn Nguyễn Viết Hải là cán bộ lâu năm ở địa phương, chứng kiến những khó khăn của người dân do những hệ lụy mà dự án mỏ sắt mang đến bức xúc nói: “Gần 6 năm nay, các hộ dân trên địa bàn đều phải mua nước suối đóng bình về sử dụng. Nhà tôi 3 nhân khẩu nhưng hàng tháng tốn gần 100 nghìn đồng mua nước ngọt để dùng”.
Xã Thạch Bàn có hơn 1.000 hộ dân với khoảng 4.300 nhân khẩu. Bình quân mỗi tháng, một người dân Thạch Bàn phải tốn ít nhất 30.000 đồng cho nước uống. “Mỗi tháng, người dân toàn xã phải chi tới hơn 83 triệu đồng chỉ riêng tiền nước uống. Đó là chưa kể lượng thời gian phải bỏ ra để đi lấy nước sinh hoạt hàng ngày”, một người dân cho biết.
Dự án mỏ sắt Thạch Khê do Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư, được thực hiện trên diện tích gần 4.000 ha, với khoảng 4.000 hộ dân thuộc 6 xã vùng bãi ngang của huyện Thạch Hà bị ảnh hưởng. Sau một thời gian ngắn rầm rộ khởi công thì từ cuối năm 2010 đến nay, mỏ sắt này ngưng hoạt động.
Theo tìm hiểu của PV, năm 2006, công trình nước tự chảy được đầu tư trên địa bàn xã Thạch Bàn với mức vốn hơn 500 triệu đồng, để dẫn nước từ núi Nam Giới về các thôn xóm. Thế nhưng hơn 1 năm nay, công trình đã trở nên vô dụng. Nguyên nhân được cho là do đường ống không đảm bảo chất lượng, các đơn vị liên quan thiếu trách nhiệm trong thi công, bảo dưỡng. Hệ quả là, hệ thống này đang vận hành ở mức… nhỏ giọt. Với lưu lượng ước chừng 2m3/ngày đêm, Vĩnh Tiến có hơn 400 nhân khẩu, cộng với khoảng chừng ấy người dân thôn Bắc Sơn rồi xấp xỉ 1.000 người của thôn 9, thôn 10, xã Thạch Đỉnh sử dụng. Nhẩm tính, có gần 2.000 người sử dụng 2m3 nước trong một ngày!
Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Đỉnh cho rằng, việc bóc tầng phủ, hút nước ngầm của dự án này đã khiến mực nước ngầm trên địa bàn bị tụt xuống mức thấp và hàm lượng sắt nhiễm trong nước quá lớn. Đó là nguyên nhân khiến nước giếng ở vùng này luôn tình trạng vàng đục, chua nồng. Kết quả khảo sát của Sở Khoa học – Công nghệ Hà Tĩnh cho thấy, hơn 60% số giếng nước ở Thạch Đỉnh không đạt tiêu chuẩn an toàn khi sử dụng. “Nước tưới phục vụ sản xuất thì không hy vọng, chỉ mong sao người dân có đủ nước sinh hoạt, nước uống. Bà con nông dân ở đây phải gánh chịu quá nhiều cực khổ”, ông Nguyễn Văn Hồng than thở.
Chị Võ Thị Thanh Hà, một cán bộ Trạm Y tế xã Thạch Đỉnh bày tỏ sự lo ngại: “Số ca mắc và tử vong vì bệnh ung thư đang có xu hướng gia tăng trên địa bàn. Nguyên nhân có thể bắt nguồn từ việc sử dụng nước bẩn, chứa nhiều độc tố. Đáng lo nhất là tình trạng sử dụng nước sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh trong một thời gian dài sẽ dễ dẫn tới việc bùng phát các dịch bệnh về da, mắt và đường tiêu hóa”.
Kỳ 2: Tan tành giấc mơ “đại công trường khai khoáng”