ThienNhien.Net – 24 ngàn tỷ USD có thể bốc hơi khỏi thị trường tài chính toàn cầu do các tác động của biến đổi khí hậu – theo kịch bản xấu nhất của nghiên cứu mang tên “Climate value at risk of global financial assets” do Trường Đại học Kinh tế London thực hiện.
Đây được cho là nghiên cứu mô hình kinh tế đầu tiên về mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và thị trường tài chính. Theo đó, biến đổi khí hậu có thể làm giảm 2,5 ngàn tỷ USD giá trị các tài sản tài chính (cố phiếu, trái phiếu) trên toàn cầu. Còn với kịch bản xấu nhất, con số tổn thất có thể lên tới 24 ngàn tỷ USD, tương đương 17% tổng tài sản của thế giới và có thể làm sụp đổ nền kinh tế thế giới.
Nghiên cứu cũng chỉ ra ý nghĩa về mặt tài chính của việc duy trì nhiệt độ trái đất tăng dưới mức 2 độ C. Nếu đạt được thành tựu này, giá trị của các tài sản tài chính toàn cầu chỉ giảm chưa đến 315 triệu USD, bao gồm cả các chi phí giúp cắt giảm phát thải.
Giáo sư Simon Dietz (Trường Kinh tế London), tác giả chính nghiên cứu cho hay: “Nghiên cứu của chúng tôi khuyến nghị rằng các nhà đầu tư dài hạn cần chú ý để đầu tư cho một thế giới carbon thấp. Các quỹ hưu trí nên dẫn đầu danh sách đầu tư này. Mặc dù nhiều người đã và đang làm vậy, song nhận thức về vấn đề này trong lĩnh vực tài chính vẫn thấp”.
Ông Mark Campanale, thuộc cơ quan nghiên cứu Sáng kiến Carbon Tracker, cho biết thiệt hại tài chính thực tế từ sự nóng lên toàn cầu có thể còn cao hơn so với tính toán trong các mô hình kinh tế mà nghiên cứu thực hiện. Theo ông, “việc suy giảm vốn của thị trường tài chính có thể cao và nhanh hơn rất nhiều so với những tổn thất GDP. Chỉ cần nhìn giá trị của Tập đoàn than đá khổng lồ Peabody Energy là có thể dễ dàng nhận ra điều này. Tập đoàn này từng có giá trị tài chính hàng nghìn tỷ nhưng qua vài năm thì nó chẳng còn đáng là bao”.
Ngân hàng Anh cùng Ngân hàng Thế giới đã cảnh báo về rủi ro của biến đổi khí hậu với thị trường tài chính thế giới và Nhóm G20 đã yêu cầu Hội đồng Ổn định tài chính quốc tế nghiên cứu về vấn đề này. Diễn đàn Kinh tế Thế giới diễn ra vào tháng Giêng vừa qua tại Davos cũng khẳng định thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra là mối đe dọa tiềm tàng lớn nhất đối với nền kinh tế toàn cầu trong năm 2016.
Giám đốc Chương trình Tài chính bền vững, Đại học Oxford, Ben Caldecott cho biết: “Tác động của biến đổi khí hậu là rủi ro mang tính hệ thống trên quy mô lớn. Các nhà đầu tư có thể đóng góp nhiều hơn nữa trong việc đánh giá mức độ tổn thương của các công ty trước biến đổi khí hậu và giảm nguy cơ đối với kinh tế toàn cầu bằng cách hỗ trợ các chương trình giảm thiểu biến đổi khí hậu đầy tham vọng”.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nếu những hành động giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu đạt được hiệu quả thì tổn thất của thị trường tài chính toàn cầu sẽ giảm một cách tổng thể, tuy nhiên, tài sản tài chính của các công ty liên quan tới nhiên liệu hóa thạch sẽ suy giảm giá trị. Tổng giá trị vốn hóa thị trường của các công ty nhiên liệu hóa thạch hiện nay là khoảng 5 tỷ USD.
Ông Dietz cho biết, “không có kịch bản về việc các tài sản tài chính không bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Điều đó chỉ là hư cấu. Luôn luôn có người thắng và kẻ thua cuộc”. Các nhà đầu tư lớn như Quỹ Thịnh vượng Nauy (quỹ đầu tư lớn nhất thế giới) đã bắt đầu bán ra các “cổ phiếu có hàm lượng carbon cao” như cổ phiếu của các công ty than đá.
Các nhà đầu tư cũng được cảnh báo về việc đầu tư vào các nhà máy điện chạy bằng khí đốt và than sau năm 2017. Một nghiên cứu mới khác chỉ ra rằng, để đáp ứng mục tiêu giữ nhiệt độ trái đất tăng không quá 2C thì không thể có nhà máy điện nào được xây mới, trừ khi họ đóng cửa các nhà máy cũ hoặc trang bị thêm thiết bị thu giữ carbon.
Bích Ngọc (Theo The Guardian)