ThienNhien.Net – Trong 10 năm qua, từ chỗ phụ thuộc 70% nguyên liệu gỗ nhập khẩu, ngành chế biến gỗ đã “đảo ngược” tỉ trọng này nhờ hiệu quả phát triển rừng. Giá trị xuất khẩu cũng tăng khoảng 3,6 lần trong thời gian đó.
Đây là những chia sẻ của ông Nguyễn Văn Hà, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) với phóng viên Báo điện tử Chính phủ.
Trong vòng 10 năm qua, xuất khẩu gỗ của Việt Nam liên tục tăng trưởng, vậy tình hình chủ động nguồn nguyên liệu gỗ của chúng ta như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Hà: Năm 2006, nếu kim ngạch xuất khẩu gỗ mới chỉ đạt hơn 1,9 tỷ USD, thì đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 3,4 tỷ USD – tăng gấp hơn 1,5 lần. Đến năm 2015, xuất khẩu gỗ đạt 6,9 tỷ USD, tức là tăng gấp hơn 2 lần trong vòng 5 năm từ 2010-2015. Tính chung cho 10 năm qua, kim ngạch xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ và lâm sản đã tăng gấp 3,6 lần.
Về nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, nếu năm 2006, kim ngạch nhập khẩu gỗ là 755 triệu USD, thì đến năm 2010 là hơn 1,1 tỷ USD, năm 2015 đạt 1,66 tỷ USD. Tính chung trong vòng 10 năm, từ 2006-2015, giá trị nhập khẩu tăng khoảng 2,8 lần.
Về tình hình khai thác sử dụng gỗ nguyên liệu: Trong giai đoạn 2006-2010, do thiếu nguồn nguyên liệu trong nước, chúng ta đã phải sử dụng chủ yếu gỗ nhập khẩu để phục vụ công tác chế biến xuất khẩu. Nhưng, từ năm 2010, do nguồn cung cấp gỗ nguyên liệu trong nước đã tăng lên đáng kể, nên chúng ta đã sử dụng khoảng hơn 7,4 triệu m3 gỗ nguyên liệu (quy theo gỗ tròn), trong đó có khảng 5 triệu m3 từ nguồn khai thác trong nước.
Đến năm 2015, trong khoảng 27 triệu m3 nguyên liệu sử dụng cho chế biến, chúng ta đã khai thác khoảng 22 triệu m3 gỗ từ rừng trồng tập trung, khoảng 4 triệu m3 từ cây phân tán, vườn nhà và khoảng 3 triệu m3 từ cao su. Còn lại khoảng 4,7 triệu m3 là gỗ nhập khẩu.
Như vậy, tỉ trọng sử dụng nguồn nguyên liệu đã có sự thay đổi mạnh mẽ. Đến nay chúng ta đã chủ động được khoảng 70% nguồn nguyên liệu trong nước phục vụ chế biến xuất khẩu.
Kết quả khảo sát của Tổ chức Forest Trend (tổ chức phi chính phủ về khai thác và bảo vệ rừng) cho thấy, cách đây chưa đến 10 năm, chúng ta còn phụ thuộc đến 70% nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu. Tỉ trọng này đã được “đảo ngược” khi chúng ta đang chủ động được 70% gỗ nguyên liệu hiện nay. Theo ông, đâu là lý do để đạt được kết quả này?
Ông Nguyễn Văn Hà: Để đạt được những kết quả nổi bật về tăng trưởng giá trị xuất khẩu, cũng như giá trị gia tăng trong chế biến xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản nói trên, là do các chính sách về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của Nhà nước đã phát huy tác dụng.
Đây là kết quả từ những nỗ lực lớn lao của người dân, các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn và của toàn xã hội trong việc thực hiện tốt các chương trình, dự án về bảo vệ và phát triển rừng đã được thực hiện trong suốt khoảng thời gian từ những năm 2000 đến nay.
Có thể kể đến một số chương trình cụ thể như: Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, thực hiện từ năm 1998 đến 2010. Theo đó, dự án đã trồng được hơn 2,4 triệu ha rừng (trong đó có hơn 1 triệu ha rừng nguyên liệu). Từ năm 2010 đến nay, thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, diện tích rừng trồng tập trung đạt hơn 1 triệu ha (trong đó rừng sản xuất là 982.000 ha).
Ngoài những chính sách của Nhà nước về quản lý bảo vệ và phát triển rừng (tập trung vào phát triển rừng phòng hộ, đặc dụng) đã nêu ở trên, trong thời gian qua, ngành lâm nghiệp đã thực hiện chính sách phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2007-2015 theo Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg ngày 10/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ; chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020.
Theo đánh giá của đơn vị chức năng thì chính sách nào đem lại hiệu quả cao nhất, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Hà: Rất khó có thể đánh giá chính sách nào đem lại hiệu quả cao nhất. Để đạt được những kết quả như ngày hôm nay là do tác động tổng hợp của nhiều chính sách. Tổng hòa các chính sách đã tạo được hiệu quả như trên.
Điển hình như việc giao đất, giao rừng ổn định, lâu dài tạo tâm lý yên tâm cho các tổ chức, cá nhân nhận đất trồng rừng sẵn sàng đầu tư, hưởng lợi từ rừng. Cùng với đó, chính sách phát triển rừng sản xuất đã hỗ trợ người dân cây giống, vật tư để trồng rừng; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gỗ tại các vùng nguyên liệu tập trung.
Ngoài ra, ở địa phương nào có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, ở đó công tác trồng rừng đạt kết quả cao. Bắc Kạn là ví dụ điển hình của cả nước về công tác trồng rừng.
Mặc dù là một trong những tỉnh nghèo nhất của cả nước, nhưng nhờ những chính sách của Nhà nước và sự vào cuộc của chính quyền cấp tỉnh (Bắc Kạn có hẳn 1 nghị quyết chuyên đề về phát triển lâm nghiệp), Bắc Kạn đã trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về kết quả trồng rừng: Trong vòng 5 năm qua, từ 2011-2015, đã trồng được xấp xỉ 61.000 ha, trong đó 98% là rừng sản xuất, tạo vùng nguyên liệu cho chế biến gỗ.
Bắc Kạn cũng là tỉnh có độ che phủ rừng cao nhất cả nước: Tăng 13% trong vòng 5 năm, từ 57,5% năm 2011 lên 71% năm 2015.
Mới đây, Bộ KH&ĐT đã dự thảo chính sách hỗ trợ trồng rừng, ông có góp ý gì cho dự thảo này?
Ông Nguyễn Văn Hà: Trong quá trình Bộ KH&ĐT xây dựng dự thảo chính sách hỗ trợ trồng rừng, chúng tôi chủ động thường xuyên phối hợp với Bộ để đưa những nội dung cần thiết vào trong dự thảo.
Theo tôi, dự thảo chính sách hỗ trợ trồng rừng cần được xây dựng theo các nguyên tắc: Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong thời gian vừa qua; góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành lâm nghiệp đạt hiệu quả cao.
Riêng đối với suất đầu tư trồng rừng phòng hộ, đặc dụng, theo tôi, để bảo đảm chất lượng, hiệu quả, Nhà nước cần cấp kinh phí theo thiết kế, dự toán phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương để trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng và người trồng rừng được hưởng lợi từ rừng theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.
Xin cảm ơn ông đã chia sẻ thông tin!