ThienNhien.Net – Phát biểu tại cuộc họp lần thứ 7 của Ủy ban Quốc gia về BĐKH ngày 19/4, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đồng tình với giải pháp mà như cách nói mang tính quốc tế là “giải pháp ít hối tiếc”. Đây là những giải pháp, việc làm để đáp ứng nhu cầu trước mắt nhưng cũng phục vụ lợi ích lâu dài. Sự lựa chọn này cũng phải nằm trong điều kiện nguồn lực của cả Nhà nước và nhân dân.
Trong việc cân nhắc kinh phí dành cho nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo về BĐKH và thiên tai với xây dựng một cái cống, một đoạn đê thì theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, ông sẽ chọn vế thứ nhất.
Quan điểm của ông là trong điều kiện chưa thể làm được tất cả mọi thứ thì việc đầu tiên là phải biết được càng chính xác những gì có thể diễn ra như hạn hán thì càng tốt. “Chúng ta biết được trong 15 ngày nữa nước mặn sẽ vào sâu tới đâu, có địa danh cụ thể mới nói với nhân dân được”. Hay như vấn đề thiên tai, có thể biết được bão vào khu vực nào, biết được càng chính xác thì công tác sơ tán không phải làm tràn lan. “Một ngày dân ngủ tại nơi sơ tán cũng là một ngày khổ”, Bộ trưởng nói.
Giải pháp tiếp theo với quan điểm dựa vào dân là chính, Bộ trưởng cho rằng, cần làm tốt hơn công tác tuyên truyền, phổ biến trong nhân dân về BĐKH. Nhân dân ở đây không phải chỉ có từng hộ gia đình mà là cả lực lượng doanh nghiệp đang ngày càng lớn mạnh và cũng là nơi có nhiều nguồn lực. Đồng thời, ban hành các cơ chế chính sách để người dân và doanh nghiệp cùng tham gia. “Không thể chỉ có vai trò của Nhà nước mà phải nghĩ đến nhân dân, xã hội vì chính nguồn vốn này mới có thể thực hiện được những giải pháp lâu dài và quy mô”.
Cũng về vấn đề đầu tư nguồn lực, Bộ trưởng cho rằng BĐKH sẽ tác động đến cả nước nhưng mỗi nơi có sự khác nhau, đặc biệt sẽ tác động đến khu vực nông nghiệp, nông dân nhiều hơn, người nghèo chịu đựng thiệt thòi nhiều hơn nên cần dành nguồn lực cho khu vực này.
Ông Cao Đức Phát cho rằng, cần ưu tiên dành vốn để nâng cấp hệ thống thủy lợi tại đồng bằng sông Cửu Long, bao gồm đê biển, một số cống điều tiết để khép kín được càng sớm càng tốt, không thể làm ngay được trong 5 năm tới thì làm từng khu vực, để tăng cường tính chủ động. Bên cạnh đó, cần đầu tư các hồ chứa cho Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.
“Ở Tây Nguyên những ngày này, có huyện không có một dòng chảy nào, không có dòng sông, dòng suối, hồ chứa nào còn nước, chỉ còn một số giếng và nguồn nước nhỏ. Người dân đang vật lộn, cam chịu nhìn vườn cà phê, hồ tiêu của mình bị chết”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.
Trong những giải pháp được nêu ra, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh đến cách làm của Israel và một số nước Trung Đông (nơi mà nước ngọt rất hiếm, lượng mưa chỉ khoảng 50 mm/năm). Theo đó, điều bao quát là có chính sách tiết tiết kiệm nước hiệu quả đi cùng với hệ thống tưới tiết kiệm, các công nghệ mới. Việc người dân cầm vòi nước rất lớn tưới vào từng gốc cà phê, tưới ào ạt thì không thể đủ nước tưới hết cà phê, hồ tiêu ở Tây Nguyên.
Theo báo cáo tại cuộc họp, thời gian qua, việc nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo phòng chống thiên tai, chủ động ứng phó BĐKH giành được nhiều quan tâm. Hệ thống thông tin tài nguyên khí hậu, hệ thống nghiệp vụ dự báo khí hậu và cảnh báo sớm các điều kiện khí hậu cực đoan đã được xây dựng. Quy hoạch hệ thống các trạm báo động trực canh cảnh báo sóng thần đã được triển khai.