ThienNhien.Net – Các nhà khoa học cho rằng cần phải thay đổi tư duy làm nông nghiệp, chuyển việc đối phó sang thích nghi để sống chung với hạn, mặn và tìm cách hưởng lợi từ nó
ĐBSCL đang hứng chịu hạn, mặn lịch sử trong vòng 100 năm qua. Đây được xem là một trong những bước khởi đầu của “kịch bản” biến đổi khí hậu đã được dự báo từ trước. Theo các nhà khoa học và chuyên gia nghiên cứu về ĐBSCL, việc quy hoạch lại diện tích sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi mô hình vật nuôi, cây trồng để thích ứng với biến đổi khí hậu trong tương lai phải làm từ bây giờ.
Đâu nhất thiết phải là lúa!
Những ngày qua, nhiều địa phương khu vực ĐBSCL tìm mọi giải pháp để cứu lấy diện tích lúa bị hạn, mặn bủa vây. Có nơi còn khẩn trương rà soát số diện tích lúa bị thiệt hại để hỗ trợ cho người dân. Đây là việc làm cần thiết và cấp bách. Tuy nhiên, đấy chỉ là giải pháp trước mắt đối với những vùng đất phù sa ven sông, ven kênh lớn. Còn đối với những vùng đất ven biển, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng cần mạnh dạn tận dụng diện tích nhiễm mặn để nuôi thủy, hải sản có giá trị kinh tế cao thay vì cứ loay hoay ngăn mặn để phát triển cây lúa.
TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược nông thôn – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN- PTNT), đánh giá hầu hết các “kịch bản” quy hoạch ĐBSCL đều đã tính đến việc sử dụng nước ở thượng nguồn theo hướng lấy nhiều nước hơn. Song song đó, quy hoạch cũng lường trước diễn biến của tình hình xâm nhập mặn. Theo đó, chúng ta không nên đương đầu với thiên nhiên mà cần phải thích nghi với nó, biến thiên tai thành lợi thế mới cho nền sản xuất nông nghiệp nước nhà theo hướng đa dạng hóa.
Đồng quan điểm nêu trên, chuyên gia Nguyễn Văn Sơn, Trung tâm Nghiên cứu phát triển khu vực ĐBSCL, đặt vấn đề: Có cần phải dùng mọi cách ngăn mặn nhằm chống lại tự nhiên hay không? Bởi lẽ, trên thực tế, một số địa phương tại những vùng ngập mặn của ĐBSCL đã mạnh dạn thay đổi cơ cấu sản xuất từ lúa – lúa sang lúa – tôm (hoặc cá) và đã đạt được kết quả rất khả quan. Cách làm này không những không tốn nhiều chi phí đầu tư ngăn mặn mà còn là giải pháp thích nghi tốt với biến đổi khí hậu, tăng hiệu quả kinh tế cho người dân.
GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ, cũng cho rằng đã đến lúc phải thay đổi tư duy kinh tế về nông nghiệp. “Trong điều kiện hạn hán và xâm nhập mặn, các địa phương khu vực ĐBSCL không nên đua nhau trồng lúa để rồi bán với giá quá rẻ, dẫn đến lỗ vốn hoặc không có lời. Chúng ta chỉ nên tập trung trồng lúa tại các vùng đất phù sa bảo đảm có nước ngọt quanh năm. Tại các vùng nhiễm mặn ven biển, người dân cần mạnh dạn chuyển sang mô hình nuôi tôm chứ không nên quá trông chờ vào cây lúa” – GS-TS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh.
Sống chung để hưởng lợi
Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, chúng ta cần chấm dứt tư tưởng xem nước mặn là kẻ thù. Bởi lẽ, nước mặn cũng chính là “người bạn” đã và sẽ giúp nông dân ven biển làm giàu từ mô hình nuôi tôm. Tuy nhiên, GS Xuân cũng lưu ý việc thay đổi quy hoạch này cần có sự quản lý và hỗ trợ từ nhà nước, nông dân không nên làm tự phát như thời gian qua.
PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu – Trường ĐH Cần Thơ, rất đồng tình với đề xuất của nhà nông học Võ Tòng Xuân khi nhìn nhận xâm nhập mặn ngoài thách thức còn là cơ hội cho ĐBSCL, sẽ thay đổi và khuyến khích chính sách hướng ra biển. “Nếu mở rộng diện tích đất nhiễm mặn ở các mức độ khác nhau sẽ tạo cơ hội tốt cho đa dạng hóa ngành nghề nuôi trồng thủy sản theo hướng chuyên nghiệp hơn. Song song đó, khi mở rộng diện tích nhiễm mặn thì một phần diện tích cây rừng ngập mặn được mở rộng, phục hồi. Cùng với đó, thú, chim, loài bò sát, lưỡng cư sống dưới tán rừng ngập mặn sinh trưởng và phát triển tốt” – ông Tuấn nhìn nhận.
Dựa trên các nghiên cứu, chuyên gia Nguyễn Văn Sơn đề xuất trong 1,5 triệu ha ở khu vực ĐBSCL, chỉ nên tập trung bảo đảm nguồn nước ngọt cho 1 triệu ha lúa có năng suất, chất lượng cao. Với diện tích này, mỗi năm, ĐBSCL sẽ đạt 12-18 triệu tấn lúa/2-3 vụ, vừa bảo đảm an ninh lương thực vừa có thể xuất khẩu. 500.000 ha nhiễm mặn còn lại có thể trồng lúa mùa đặc sản và tôm một vụ hoặc pha loãng nước ngọt để nuôi trồng thủy sản. “Mô hình này sẽ giảm áp lực rất lớn đối với việc phải bảo đảm nguồn nước ngọt cho 1,5 triệu ha” – ông Sơn nhấn mạnh.
Mới đây, sau khi đi khảo sát thực tế và làm việc với lãnh đạo các tỉnh, thành ĐBSCL về các giải pháp chống hạn và mặn xâm nhập, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định trong khó khăn, thách thức của thiên nhiên luôn ẩn chứa nhiều cơ hội thuận lợi. Vì thế, chúng ta phải tranh thủ biến sự khắc nghiệt từ việc xâm nhập mặn thành cơ hội phát triển vùng nuôi tôm ven biển. Ông Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý tôm nguyên liệu đang tăng giá. Vì thế, các địa phương ven biển nên tận dụng cơ hội này để hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân nuôi tôm nhằm tăng thu nhập.
Nên nhân rộng mô hình luân canh lúa – tôm
Ông Võ Hồng Ngoãn, một trong những người nuôi tôm thành công nhất tỉnh Bạc Liêu, cho rằng việc áp dụng mô hình luân canh lúa – tôm ở các vùng xâm nhập mặn là cần thiết, nên nhân rộng. Bởi lẽ, nếu biết cách nuôi thì tôm vẫn sống tốt khi bị ảnh hưởng của hạn mặn. “Xâm nhập mặn cũng có ảnh hưởng đôi chút nhưng không đáng kể đối với tôm nuôi. Tôm ở ĐBSCL chủ yếu được nuôi trong môi trường nước lợ nhưng nó vẫn sống và phát triển tốt trong môi trường mặn dưới 30‰ nếu nhiệt độ bình thường” – ông Ngoãn chia sẻ kinh nghiệm. D.Nhân |