ThienNhien.Net – Để thích ứng với biến đổi khí hậu, gần đây, các viện, trường đại học ở ĐBSCL đã nghiên cứu, lai tạo thành công nhiều giống lúa chịu hạn, mặn cao
“Từ năm 2000, tôi đi các tỉnh ven biển sưu tầm nhiều giống lúa sống trên vùng mặn để nghiên cứu. Kết quả có khoảng 150 mẫu lúa được bảo quản. Đến năm 2005, tôi cùng nhiều sinh viên cao học nghiên cứu các giống lúa chịu mặn, đi sâu nghiên cứu nguồn gien…” – PGS-TS Võ Công Thành, Trưởng Bộ môn Di truyền giống nông nghiệp thuộc Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng Trường ĐH Cần Thơ, chia sẻ. Theo ông, trước tình hình hạn hán, xâm nhập mặn phức tạp, cần “quy hoạch” lại nguồn giống cho vựa lúa ĐBSCL.
Thử nghiệm 2 giống mới
PGS-TS Võ Công Thành cho biết vào khoảng năm 2010, khi tình hình xâm nhập mặn đang diễn ra, lãnh đạo huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu đến Trường ĐH Cần Thơ nhờ nghiên cứu, tìm giống lúa mới chịu mặn cao cho nông dân. Sau khoảng 1 năm nghiên cứu, dựa trên giống lúa Một Bụi Đỏ đã có từ lâu tại huyện Hồng Dân, ông Thành đã nghiên cứu nhân giống lúa Một Bụi Đỏ mới có khả năng chịu mặn từ 6‰-8‰. Từ năm 2011, giống lúa này được trồng tại huyện Hồng Dân với gần 15.000 ha. “Giống lúa Một Bụi Đỏ cho cơm dẻo, mềm và đặc biệt không sử dụng phân vô cơ, thuốc nên cho nguồn gạo sạch, đủ chuẩn để xuất khẩu” – ông Thành khẳng định.
Ngoài ra, PGS-TS Võ Công Thành đã cùng các cộng sự lai tạo và cho ra đời bộ giống CTUS1 (lúa Sỏi) có khả năng chịu mặn từ 9‰-10‰. Năm 2011, lúa Sỏi cũng được trồng thử nghiệm tại huyện Hồng Dân, cho năng suất trung bình khoảng 6 tấn/ha trên diện tích khoảng vài trăm ha. Lúa Sỏi là giống lúa dài ngày, có thể sống trong môi trường nước mặn dùng để nuôi tôm, kháng bệnh đạo ôn, rầy nâu và quan trọng là gạo cũng đạt chuẩn xuất khẩu.
Theo ông Thành, ở những vùng bị xâm nhập mặn, với độ mặn từ 2‰-5‰, nếu sử dụng giống thường thì lúc lúa trổ và chín dễ bị “hả họng”, tức vỏ trấu của hạt mở ra chứ không khép lại, còn lúc chín hạt sẽ lép dần đi. Nhưng 2 giống lúa vừa kể trên chịu được mặn suốt từ giai đoạn trổ cho đến chín. Đợt xâm nhập mặn vừa qua ảnh hưởng đến sản xuất lúa của 9 tỉnh, thành ở ĐBSCL và việc thử nghiệm các giống lúa này đang được nhiều địa phương quan tâm.
Thạc sĩ Võ Đăng Ký, Giám đốc Trung tâm Thực nghiệm và Chuyển giao khoa học công nghệ huyện Hồng Dân, đánh giá: “Lúa Sỏi đang còn trong quá trình trồng thử nghiệm nhưng đây là giống chịu được độ mặn cao. Riêng giống Một Bụi Đỏ được nông dân trồng trên vùng đất lúa – tôm, vụ thu hoạch trước Tết cho năng suất cao. Hai giống mới này rất có triển vọng phát triển ở những vùng nhiễm mặn tại ĐBSCL”.
Nhân rộng nhiều địa phương
Những năm qua, giống Một Bụi Đỏ giải quyết được tình trạng “trồng cây gì” trên vùng đất luân canh 1 vụ lúa, 2 vụ tôm và thích nghi tốt với những vùng nhiễm mặn. Tuy nhiên, ở đợt xâm nhập mặn vừa qua, nhiều diện tích giống lúa này đã thiệt hại nặng nề do độ mặn quá cao. “Mọi năm, giống Một Bụi Đỏ cho năng suất cao, có khi lên đến 8 tấn/ha. Tuy nhiên năm nay, do mặn quá cao, có thời điểm lên hơn 10‰, trong khi giống Một Bụi Đỏ chỉ chịu mặn khoảng 6‰-8‰ nên diện tích 1.900 ha lúa Một Bụi Đỏ trong xã bị ảnh hưởng, bà con thất bát nặng. Vì vậy, ngành nông nghiệp cũng như Trường ĐH Cần Thơ cần nghiên cứu cải tiến giống lúa này để chịu được độ mặn cao hơn” – ông Trần Thanh Phong, Chủ tịch UBND xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, kiến nghị.
Đó cũng là lý do mà Trường ĐH Cần Thơ đã lai tạo và trồng thử nghiệm giống mới Nàng Quớt Biển đột biến có khả năng chịu mặn cao, tại huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang. “Qua theo dõi, khi trồng cách mé biển khoảng 100 m, nó chịu được độ mặn từ giai đoạn trổ là 6‰ và đến giai đoạn chín là 10‰, năng suất từ 4-4,5 tấn/ha” – PSG-TS Võ Công Thành khẳng định.
Đặc biệt, Trường ĐH Cần Thơ cho biết đang trồng thử nghiệm một giống lúa “siêu” chịu mặn ở huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau. Giống lúa này chịu được độ mặn lên đến 12,7‰, có thể sống thiếu nước trong 15 ngày và bị ngập khoảng 1 tuần, rất phù hợp với vùng ĐBSCL.
Mới đây, Viện Lúa ĐBSCL công bố đã nghiên cứu thành công hàng loạt giống lúa OM chịu được độ mặn từ 3‰-5‰, như: OM 5451, OM 2517, OM 6976, OM 2395… GS-TS Nguyễn Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho hay các giống lúa này đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận và được nhân rộng ở nhiều địa phương.
Kỳ tới: Đừng xem hạn, mặn là kẻ thù
Nhiều cây ăn trái chịu mặn cao
Theo Viện Cây ăn quả miền Nam (Sofri), các kết quả nghiên cứu của nước ngoài cho thấy một số loại cây trồng như: dừa, ổi, sapô, xoài và nho có thể chịu được độ mặn từ 4‰-5‰, phù hợp với các vùng bị xâm nhập mặn thời gian qua. Trong đó, cây xoài chịu mặn khá nên nông dân thường trồng xoài gần vùng đất nhiễm mặn như huyện Bình Đại (Bến Tre), Gò Công Đông (Tiền Giang). Ngoài ra, sầu riêng, cây có múi như bưởi, chanh… cũng có khả năng chịu mặn từ 2‰-3‰. “Một nghiên cứu về gốc ghép chịu mặn đã được thực hiện từ năm 2008 trên 16 dòng/giống cây có múi được thu thập khắp nơi. Khi đem trồng tại Bến Tre và Tiền Giang cho thấy 5 dòng/giống cây có múi (sảnh, bồng, bưởi bung, bưởi hồng đường, bưởi đường hồng) tiếp hợp tốt với bưởi da xanh. Trong đó, bưởi da xanh ghép trên gốc ghép sảnh và cây bồng có sức sinh trưởng mạnh, chịu được độ mặn 8‰, cho năng suất và phẩm chất quả bưởi tương tự bưởi da xanh trồng bằng nhánh chiết trong điều kiện bình thường” – TS Võ Hữu Thoại (Sofri) nói. Bên cạnh đó, còn có xoài cát Hòa Lộc và xoài cát chu ghép trên gốc ghép xoài 13-1, xoài Châu Hạng Võ và xoài Ghép Xanh tại huyện Bình Đại chịu được độ mặn 22‰ trong đợt mặn năm 2010. |