ThienNhien.Net – Nhiệt điện vẫn chiếm thị phần ngày càng lớn trong cơ cấu sản xuất điện ở Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) bất chấp nhiều sáng kiến thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo của Ngân hàng Phát triển Châu Á, ASEAN, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Pháp và khối tư nhân. Các cuộc biểu tình phản đối khói bụi từ các nhà máy vẫn diễn ra ở Thái Lan, Myanmar, Trung Quốc và Việt Nam bất chấp nỗ lực giải quyết các vấn đề môi trường xã hội của các nhà hoạch định năng lượng.
Theo đánh giá về Sáng kiến hội nhập năng lượng GMS tháng 10/2014, số lượng các nhà máy nhiệt điện chạy than ở GMS sẽ tăng gấp đôi lên 83 nhà máy với công suất phát điện tăng 150% vào năm 2025. Công nghệ than sạch vẫn đang được đầu tư nghiên cứu, đặc biệt là ở Trung Quốc, nhưng không biết tới khi nào mới có thể áp dụng những tiến bộ công nghệ này để giảm lượng phát thải khí CO2 từ việc đốt than trong khu vực.
Điện than chiếm ưu thế ở Việt Nam
Việt Nam hiện đang dẫn đầu khu vực Mê Kông về số lượng các nhà máy nhiệt điện chạy than mới. Việt Nam là quốc gia có nhiều nhà máy nhiệt điện thứ ba trên thế giới, với tổng công suất các nhà máy đang vận hành là hơn 17 GW và hiện vẫn chuẩn bị khởi công các nhà máy khác với công suất 16 GW. Dự kiến, tỷ lệ năng lượng than đá sẽ tăng từ 19% vào năm 2011 lên tới 48% trong năm 2020 và đạt 52% trong năm 2030, tương đương mức tăng 1.700% sản lượng điện từ than kể từ 2011 cho đến 2030.
Tốc độ tăng trưởng của các nhà máy nhiệt điện ở Việt Nam đã vượt quá khả năng cung cấp than nội địa và phải nhập khẩu than nguyên liệu từ Úc, Indonesia, Ấn Độ và Trung Quốc. Đến năm 2020, dự kiến 40/70 triệu tấn than cần cung cấp cho các nhà máy của Việt Nam sẽ được nhập từ nước ngoài. Con số này sẽ tăng lên 170 triệu tấn mỗi năm vào năm 2030.
Như vậy, viễn cảnh tăng phát thải CO2 từ than chắc chắn sẽ diễn ra, bất chấp cảnh báo của Ngân hàng Thế giới rằng Việt Nam vẫn chưa chuẩn bị tốt để thích ứng biến đổi khí hậu và lên kế hoạch ứng phó với tình huống khó khăn nhất mà bất kỳ quốc gia nào cũng phải xây dựng.
Với đường bờ biển dài hơn 2.000 km, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu. Nếu nước biển dâng 1m sẽ nhấn chìm 5% diện tích của Việt Nam. Đặc biệt, Đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa xuất khẩu lớn của Việt Nam, sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực quốc gia. Lũ lụt, hạn hán và xâm nhập mặn vốn đã là thách thức lớn đối với cư dân nơi đây. Không chỉ riêng khu vực ven biển chịu ảnh hưởng, lượng mưa thay đổi cũng làm giảm 40% sản lượng cà phê; ngôi vị xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới của Việt Nam vì đó có thể bị thay thế.
Mặc dù vậy, thị phần năng lượng tái tạo trong tổng sơ đồ điện của Việt Nam không nhiều, ước tính chỉ tăng từ 3,5% năm 2010 lên 4,5% trong năm 2020.
Thách thức của Thái Lan
Thái Lan vừa công bố Kế hoạch Phát triển Năng lượng giai đoạn 2015-2035 nhằm nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng cần thiết cho việc phát triển điện than để đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng. Dự kiến khoảng 7,9 GW điện sẽ được bổ sung, đóng góp 20% vào tổng sản lượng điện quốc gia này vào năm 2035.
Thái độ bàng quan của Cơ quan Điện lực Thái Lan (EGAT) trước những rủi ro sức khỏe của cộng đồng đã khiến dư luận mất lòng tin và gia tăng làn sóng phản đối những đề xuất xây dựng nhà máy nhiệt điện, cản trở kế hoạch của EGAT. Do đó, EGAT cũng đồng thời theo đuổi cả các dự án nhiệt điện ở các nước láng giềng để bổ sung nguồn điện nước nhà.
Tháng 2 vừa qua, Tòa án Hành chính Tối cao Thái Lan đã giữ nguyên quyết định từ 12 năm trước về việc EGAT phải bồi thường trực tiếp cho các nạn nhân bị ảnh hưởng sức khỏe do khí thải từ hai nhà máy nhiệt điện lớn nhất nước này. Tòa án cũng yêu cầu EGAT hỗ trợ di dời những gia đình đang sinh sống trong bán kính 5km quanh các nhà máy và mỏ than lân cận.
Đó chỉ là kết quả của vụ kiện gần đây nhất trong một cuộc đấu tranh qua hai thập kỷ liên quan đến nhà máy nhiệt điện lớn nhất lưu vực sông Mê Kông. Nhà máy nhiệt điện Mae Moh 2.400 MW với 13 tổ máy ở phía Bắc tỉnh Lampang là nguyên nhân gây ra các vấn đề về môi trường và sức khỏe trên diện rộng, buộc 30.000 người phải di dời một cách không tự nguyện và những kiện cáo, tranh cãi không hồi kết. Kể cả khi có những phán quyết của tòa án, thì nỗi lo vẫn còn dai dẳng.
EGAT đang nỗ lực theo đuổi một số dự án nhà máy nhiệt điện khác như Baan Krut/Bo Nok và Hua Sai Coal. Trước đó những dự án này đã phải dừng lại do vấp phải sự phản đối của công chúng. Hiện nay, sự phản đối của người dân và các doanh nghiệp khu vực ven biển thuộc tỉnh Krabi cũng đang là một thách thức với của EGAT. Công ty này đang đề xuất “tái sinh” nhà máy than bỏ hoang 25 năm tại khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế nổi tiếng này với việc tăng gấp bốn lần kích thước và dịch vụ và xây dựng một cảng biển mới. Dự án sẽ tác động trực tiếp đến 213 km2 vùng đất ngập nước đang được bảo vệ theo Công ước Ramsar và đi ngược lại những nỗ lực hiện tại của chính phủ nhằm ghi tên bờ biển này vào danh sách Di sản Thế giới.
Lào – Campuchia – Myanmar
Năm nay, EGAT đã bắt đầu nhập khẩu những kilowatt điện đầu tiên từ nhà máy nhiệt điện chạy than Hongsa – nhà máy điện than đầu tiên tại Lào có công suất 1.878 MW. Đây là lần nhập khẩu nhiệt điện đầu tiên của nước này, trước đó, Thái Lan đã từng nhập khẩu thủy điện từ Lào. EGAT đang tiến hành một hợp đồng 25 năm thu mua 1.437 MW điện để đáp ứng thị trường điện nội địa nước này. Tương tự như Mae Moh, nguyên liệu cho nhà máy này được lấy từ một mỏ than non lộ thiên lân cận phía bắc với diện tích khoảng 60 km2. Khoảng 2.000 người dân trong khu vực buộc phải tái định cư để phục vụ dự án. Thông tin về các khoản bồi thường và tình hình sinh kế của những người này hoàn toàn bị bưng bít do Lào ngăn cản các tổ chức phi chính phủ quốc tế tiếp cận các cộng đồng bị ảnh hưởng. Trong khi người dân Thái Lan sống cách đó 30km về phía tây đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về nguy cơ ô nhiễm từ nhà máy, các nhà chức trách vẫn khẳng định lượng khí thải sẽ nằm trong giới hạn của các tiêu chuẩn khắt khe.
EGAT đã thiết kế các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng tương tự tại Campuchia, nhưng sau đó lại rút lui do các nhà đầu tư lo ngại về nhu cầu tiêu thụ trong dài hạn. Tuy nhiên năm ngoái, Campuchia đã ủy thác để EGAT xây dựng công trình nhiệt điện đầu tiên với công suất 100MW nhằm nâng cao khả năng độc lập về năng lượng sau một thời gian dài phụ thuộc vào điện nhập khẩu từ Việt Nam, Thái Lan và Lào. Một dự án nhà máy nhiệt điện công suất 400 MW khác dự kiến cũng sẽ được triển khai vào cuối năm nay.
EGA cũng đang hợp tác với Myanmar để phát triển một nhà máy điện than công suất 2.460 MW tại Myeik. Dự án nhiệt điện Myeik được đề xuất với công suất thiết kế là 4000 MW (nay được thu nhỏ xuống còn 1.800 MW) cũng không nhận được sự đồng tình của người dân tại Đặc khu kinh tế Dawei. Hiện Myeik là một trong 12 nhà máy điện than đang chờ xét duyệt tại Myanmar.
Với công suất lắp đặt của hệ thống điện hiện tại là 4.360 MW và chỉ có 20% dân số Myanmar được kết nối với lưới điện quốc gia, Bộ Điện lực Myanmar ước tính cần sản xuất thêm khoảng 23.600 MW điện để đáp ứng nhu cầu điện của quốc gia này vào năm 2030. Tuy nhiên, tháng 3 vừa qua, Cơ quan này tuyên bố hoãn kế hoạch triển khai các nhà máy nhiệt điện, nguyên nhân chủ yếu là do sự phản đối và yêu cầu bổ sung thêm thông tin của người dân. Cũng giống như tại Mae Moh (Thái Lan), sự phản đối của công chúng đối với các dự án nhiệt điện của Myanmar không phải là điều ngạc nhiên. Nhà máy nhiệt điện duy nhất đang vận hành tại nước này (Tigyit, 120 MW) hoàn thành vào năm 2012 cũng dẫn đến nhiều xung đột. Tình trạng quản lý yếu kém, quy trình xử lý chất thải bừa bãi tại các mỏ than non lộ thiên làm ô nhiễm tài nguyên đất, nước và đầu độc cây trồng quanh khu vực.
Lát cắt Trung Quốc
Tỉnh Vân Nam, Trung Quốc sở hữu 24.000 triệu tấn than, tương đương 86% trữ lượng than vùng Mê Kông. Tuy nhiên, thủy điện mới là ưu tiên trong kế hoạch phát triển năng lượng của tỉnh này. Hiện Vân Nam mới chỉ có một nhà máy điện than với công suất 3.000 MW đang được lên kế hoạch, trong khi đó một số nhà máy thủy điện công suất 100 GW đã được thiết kế.
Trong khi đó, tỉnh Quảng Tây hiện đang sở hữu các nhà máy nhiệt điện chạy than có công suất lắp đặt lớn nhất khu vực Mê Kông. Quảng Tây cũng là địa phương nhập khẩu than lớn thứ ba tại Trung Quốc (hơn 100 triệu tấn vào năm 2014) với các kế hoạch mở rộng cảng bổ sung. Một số nhà máy nhiệt điện công suất 4.000 MW đã được xây dựng vào năm 2010 và một nhà máy 13,2 GW khác cũng đã được lên kế hoạch tại tỉnh này.
Các chính sách quốc gia và cam kết quốc tế về khí hậu của Trung Quốc sẽ tạo áp lực để kiềm chế phần nào việc mở rộng phát điện của các nhà máy điện than ở nước này, trọng tâm việc cắt giảm này lại nằm ở phía đông. Tuy nhiên, hơn 70% các dự án nhiệt điện dự kiến xây mới tại Trung Quốc lại nằm ở các tỉnh phía Tây, gồm Vân Nam và Quảng Tây. Phản ứng của công chúng Trung Quốc cũng có thể ảnh hưởng đến xu hướng này. Sự quan tâm rộng rãi đối với bộ phim tài liệu Under the Dome (tạm dịch: Dưới vòm trời) về đề tài các tác động của việc sử dụng than tới môi trường và sức khỏe con người tại Trung Quốc cho thấy nhu cầu bức thiết về một nguồn thông tin đầy đủ hơn.
Khi giá than thô trên thị trường liên tục sụt giảm, các nhà quy hoạch năng lượng lưu vực sông Mê Kông khó từ bỏ theo đuổi các kế hoạch xây dựng thêm các nhà máy nhiệt điện. Tuy nhiên, những lo ngại của cộng đồng về điện than trong khu vực đang ngăn cản xu hướng này. Trong một phát biểu gần đây, chuyên gia kinh tế của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhấn mạnh, khi nhận thức về các nguy cơ tiềm ẩn tới môi trường và sức khỏe từ nhiệt điện được nâng cao, hành vi tiêu thụ điện than trong khu vực có thể thay đổi, loại bỏ một trong số rất nhiều rào cản tiến tới xu hướng khai thác, sử dụng lượng tái tạo trong khu vực.