ThienNhien.Net – Ngay sau khi Báo điện tử VietnamPlus đăng tải loạt bài “Cuộc chiến khô-mặn: Nỗi đau ‘kép’ của hàng triệu người nông dân,” Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát đã phản hồi thông tin báo đưa, trong đó có đề cập đến việc đề xuất xây dựng các công trình ngăn mặn, tích ngọt để cứu vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long, với số vốn khoảng 34.000 tỷ đồng.
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, những công trình ngăn mặn, giữ ngọt đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề xuất với Chính phủ đầu tư xây dựng là dựa trên cơ sở quy hoạch đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng khẳng định, ở Đồng bằng sông Cửu Long, các công trình ngăn mặn, giữ ngọt trị giá hàng nghìn tỷ đồng chỉ phát huy tác dụng khi nó được khép kín. Nếu đầu tư các công trình riêng rẽ mà không tạo thành hệ thống khép kín thì hiệu quả thường thấp.
“Cũng vì lý do đó, khi xây dựng quy hoạch, cũng như khi lựa chọn các công trình chúng tôi đều tham khảo ý kiến của các nhà khoa học cũng như ý kiến của chính quyền các địa phương rất nhiều lần. Chúng tôi cũng rất quan tâm và tiếp thu ý kiến, nguyện vọng của nhân dân.”
“Mặc dù vậy, trong một số trường hợp có thể có một số ý kiến khác nhau thì chúng tôi cũng luôn luôn lắng nghe để có những điều chỉnh phù hợp, vì mục tiêu cuối cùng của chúng ta là giúp cho người dân sản xuất có thu nhập cao nhất có thể trong hoàn cảnh nhất định để cải thiện cuộc sống,” Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.
Về việc có nên chuyển đổi một phần diện tích đất lúa bị khô-mặn, kém hiệu quả sang trồng hoa màu và nuôi tôm như các nhà khoa học khuyến cáo, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất là cần thiết, song còn phụ thuộc vào điều kiện cụ thể của từng khu vực cụ thể.
Thời gian vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương các cấp rà soát diện tích, lựa chọn ra những cây trồng vật nuôi, các giải pháp kỹ thuật để giúp bà con có thể duy trì sản xuất và có lợi ích kinh tế cao nhất.
“Trên cơ sở đó, hiện nay ngành nông nghiệp đã họp bàn với các địa phương và cũng đang có xu hướng sẽ mở rộng thêm diện tích tôm-lúa, mô hình mang lại giá trị kinh tế cao nhưng cũng thường gặp rủi ro ở những vùng có điều kiện thích hợp,” Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.
Ngoài việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi “hợp” với điều kiện của từng vùng, vị Tư lệnh ngành nông nghiệp cũng đưa ra giải pháp cấp bách hiện nay là cần phải có những tính toán khoa học để đảm bảo an ninh nguồn nước cho “vựa lúa của cả nước.”
“Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi sẽ tổ chức các cơ quan khoa học nghiên cứu kỹ lưỡng tính toán các phương án và đề xuất phương án tối ưu. Với tinh thần để nước ta sẽ phải tự chủ và thích ứng bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu tác động ngày càng gia tăng,” Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.