ThienNhien.Net – Sau hàng loạt cảnh báo về “họa xa” và “họa gần,” đến nay, những tác động của biến đổi khí hậu cùng động thái giữ nước từ các quốc gia thượng nguồn đã khiến Đồng bằng sông Cửu Long lâm vào thảm cảnh “khát” nước ngọt nghiêm trọng và oằn mình chống lại nước mặn xâm nhập…
Nhìn lại thực trạng hạn-mặn trong những tháng qua, các chuyên gia cho rằng đã đến lúc Việt Nam cần thay đổi tư duy của ngành nông nghiệp và xây dựng mạng lưới nước nông nghiệp để phát triển bền vững “vựa lúa của cả nước.”
Những công trình còn “trong mơ”
Con số 11/13 tỉnh bị ảnh hưởng bởi nước mặn xâm lấn, hàng ngàn hécta lúa bị mất trắng và hàng triệu người dân đang thiếu nước ngọt sinh hoạt đã phần nào chứng minh Đồng bằng sông Cửu Long không thể phụ thuộc vào hệ thống nước tự nhiên, mà cần phải có những giải pháp “gần với dân” hơn để phát triển bền vững.
Nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Phát triển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy, khoảng 95% kênh rạch tại miền Tây được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Số còn lại được các địa phương xây dựng thêm, hoặc tu sửa lại. Tuy nhiên, sau một thời gian vận hành, nhiều kênh rạch đã bị xuống cấp, hư hỏng, ảnh hưởng đến việc điều tiết nước cho vùng.
Chính vì thế, mặc dù được tiếng là miền sông nước rộng lớn nuôi sống “vựa lúa của cả nước,” nhưng nền nông nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn phụ thuộc vào mạng lưới nước tự nhiên. Sự lệ thuộc này đã phần nào khiến các tỉnh miền Tây không chủ động được nguồn nước, thậm chí là mất khả năng kiểm soát nước.
Nhận thấy những khó khăn trên, ngày từ năm 1989, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã tiến hành khảo sát ở một số vùng để đưa ra giải pháp giữ ngọt cho “vựa lúa của cả nước” bằng việc đề xuất xây dựng mạng lưới nước nông thôn tại các địa phương như Tiền Giang, Bến Tre…
Cụ thể, năm 1993, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã cảnh báo việc xâm nhập mặn và đề xuất giải pháp làm đường ống dẫn nước thô dài 40km, đi từ Bình Đức – thành phố Mỹ Tho ra tới Vàm Láng, khu vực cận biển của Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang) để cấp nước cho người dân. Tuy nhiên, dự án này đã không được triển khai.
Trong khi đó, theo đại diện Trung tâm Nghiên cứu Phát triển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, thời điểm ấy, việc làm đường ống có thể triển khai nhanh, chi phí cũng không quá lớn. Nếu làm, các địa phương đã có thể chủ động việc cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và các nhà máy lọc nước phục vụ người dân.
Tại vùng “rốn mặn” sâu nhất của vùng Đồng bằng sông Cửu Long là tỉnh Bến Tre, vào năm 1996, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng đề xuất làm một đường ống dẫn nước ngọt để cung cấp nước cho các huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú. Tuy nhiên, hệ thống dẫn nước ngọt trên đã không được xây dựng như kỳ vọng.
Hậu quả là, đến nay, người dân toàn tỉnh Bến Tre, nhất là hơn 52.000 hộ dân và hơn 87.000 con bò ở huyện Ba Tri đang phải sống cảnh lao đao vì “khát” nước ngọt, phải đào giếng vét nước ngầm nhiễm tạp chất cao. Trong khi, ruộng đồng nứt nẻ, lúa chết cháy khô.
Cần thay đổi tư duy nông nghiệp
Trước sức ép khô-mặn gây thiệt hại nặng nề cho người dân Đồng bằng sông Cửu Long, vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đề xuất giải pháp để cứu vựa lúa miền Tây là ngay lập tức hoàn chỉnh các công trình ngăn mặn. Bên cạnh đó là tìm nguồn để xây dựng các công trình ngăn mặn, tích ngọt với số vốn khoảng 34.000 tỷ đồng (tương đương 1,5 tỷ USD).
Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang ngày diễn biến phức tạp thì chúng ta cố ngăn mặn cũng không thể chống lại được diễn biến bất thường của ông trời. Trong khi đó, nhiều địa phương đã thay đổi cơ cấu sản xuất từ hai vụ lúa sang một vụ lúa, có nơi còn phá dỡ hệ thống đê bao ngăn mặn để nuôi trồng xen canh lúa-tôm.
Đơn cử như tại Cà Mau. Gần đây, ở vùng Ngọc Hiển, Năm Căn, do nắng hạn kéo dài, các công trình đê bao đẩy lũ ra biển đã khiến vùng nội đồng “khát” nước, xâm nhập mặn lấn vào “cướp” đi sự sống của hàng ngàn hécta lúa. Không còn cách nào khác, người dân đành quay sang phá đê ngăn mặn để lấy nước nuôi tôm.
Theo phó giáo sư tiến sỹ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu Đồng bằng sông Cửu Long, trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang ngày phức tạp hơn, việc chuyển đổi một phần diện tích lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm, hay luân canh cây trồng trên đất lúa là giải pháp bền vững nhất để duy trì vùng “an ninh lương thực” cho các tỉnh miền Tây.
“Cây lúa vốn ngốn rất nhiều nước, vậy tại sao chúng ta cứ phải áp đặt lúa là an ninh lương thực số 1, trong khi nguồn nước đang ngày khan hiếm và người trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long thì đến nay vẫn nghèo? Do đó, theo tôi thì chúng ta cần phải thay đổi tư duy ngành nông nghiệp để có hướng phát triển bền vững,” ông Tuấn nói.
Từ góc độ địa phương bị xâm nhập mặn, ông Giang Văn Phục, Bí thư huyện ủy U Minh Thượng (Kiên Giang) cũng nhận định, bây giờ có bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng để xây hệ thống đê bao ngăn mặn thì về lâu dài vùng U Minh Thượng vẫn bị ngập, trở thành khu đất ngập nước. Trong khi việc xây dựng hệ thống ống nước nông thôn để cứu lúa lại chưa được quan tâm nhiều.
“Theo tôi, trong tình hình ngân sách của đất nước đang hạn hẹp, giải pháp hiệu quả nhất là thuận theo tự nhiên, tìm cách thích nghi với mặn và chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao giá trị kinh tế cho người dân. Đây cũng là cách ứng phó tốt nhất mà chúng tôi đang áp dụng,” ông Phục nói.
Có chung quan điểm, ông Nguyễn Thành Lâm, Phó Trưởng phòng nông nghiệp huyện Ba Tri (tỉnh Bến Tre) cho rằng, trong bối cảnh nhiều vùng lúa đang chết vì mặn, trong khi nước ngọt khan hiếm trầm trọng, mong muốn của địa phương là được hỗ trợ đầu tư hệ thống dẫn nước nông nghiệp.
Từng trực tiếp đi khảo sát thực địa về tình hình hạn-mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cũng cho biết, hiện nay điều kiện lượng nước nội tại ở phần lãnh thổ Việt Nam chỉ chiếm khoảng 37% (từ 310-315 tỷ m3/năm), còn lại là xuất phát từ bên ngoài lãnh thổ và nhu cầu về nguồn nước cho đời sống, sản xuất sẽ tăng nhanh.
Với trữ lượng nguồn nước hạn chế trên, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, nhiệm vụ đặt ra là chúng ta phải bảo vệ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước và tăng cường hợp tác chia sẻ nguồn nước xuyên quốc gia, nhất là các nước thượng nguồn sông Mê Kông.
Bài 4: “Muốn giữ vựa lúa miền Tây, phải khôi phục 2 túi nước tự nhiên”