ThienNhien.Net – Sau nhiều tháng chống chọi với đợt khô mặn lịch sử, nước ngọt từ thượng nguồn sông Mê Kông đã về tới Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, lượng nước đổ vào nội đồng tại các tỉnh, thành phố vẫn còn quá ít, chưa thể đẩy mặn cho những cánh đồng rộng lớn.
Bài 3: Chi nghìn tỷ đồng cứu lúa: Chống trời hay thuận theo tự nhiên?
Thực tế trên đã khiến không ít người đặt câu hỏi: Trước những tác động của “họa gần” và “họa xa,” Việt Nam sẽ làm gì để có thể đảm bảo nguồn nước lâu dài cho vùng an ninh lương thực số 1 của cả nước?
Sự sống phụ thuộc thượng nguồn
Theo đánh giá của cơ quan khí tượng, với diễn biến khô-mặn kéo dài trong những tháng vừa qua, năm 2016 không còn mang ý nghĩa là năm hạn về mặt khí tượng, mà nó đã thể hiện rõ về sự can thiệp của “nhân tai” đến nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về Đồng bằng sông Cửu Long.
Nghiên cứu của các nhà khoa học cũng cho thấy, Đồng bằng sông Cửu Long nằm ở thế bị động vì 90% lượng nước sông Mê Kông có là vào mùa mưa, mùa khô chỉ chiếm 10%, đây là nguyên nhân xuất hiện xâm nhập mặn hằng năm. Do đó, nếu Trung Quốc giữ nước trong các hồ chứa thượng nguồn vào mùa khô hoặc chỉ xả theo mục đích của họ thì vựa lúa lớn nhất Việt Nam sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng.
Là người từng tham gia đánh giá tác động môi trường chiến lược các thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông, ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về nghiên cứu sinh học Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng bên cạnh khô-mặn đang hiện hữu, trong tương lai gần, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ còn bị đe dọa bởi khả năng “nuốt” nguồn nước của 11 dự án thủy điện của Lào và Campuchia ở hạ lưu sông Mê Kông.
Lý do được ông Thiện đưa ra là, khoảng 82% lượng nước trên sông Mê Kông là do các chi lưu và lượng mưa từ biên giới Lào đổ xuống. Nếu vùng hạ lưu vực gặp hạn thì Đồng bằng sông Cửu Long sẽ thiếu nước. Đó là chưa kể, 11 thủy điện xây dựng ở thượng nguồn không có hồ chứa và phải dùng chính dòng sông Mê Kông.
“Chính vì thế, khi gặp hạn, kể cả chúng ta yêu cầu các nước thượng nguồn xả lũ thì 11 đập thủy điện với 11 chủ đầu tư khác nhau, không có sự liên kết cũng sẽ khiến Đồng bằng sông Cửu Long bị rối loạn mặn – ngọt,” ông Thiện phân tích.
Trước những thách thức về nguồn nước ở thượng nguồn sông Mê Kông, các chuyên gia cho rằng đã đến lúc Việt Nam phải tự chủ động tìm lại nguồn nước để “cứu” Đồng bằng sông Cửu Long, vốn nhiều sông nước và từng có hai vùng trũng chứa nước khổng lồ lên tới 11 tỷ mét khối.
Theo phó giáo sư tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ), hai trong ba túi nước đóng vai trò cốt yếu cho nhu cầu sản xuất của người dân Đồng bằng sông Cửu Long là Đồng Tháp Mười (700.000ha) và Tứ giác Long Xuyên (590.000ha). Tuy nhiên, do duy trì hệ thống đê bao khép kín quá lâu nên nguồn nước từ thượng nguồn đổ về hàng năm đã bị từ chối.
“Việc xây dựng hệ thống đê bao để phát triển 3 vụ lúa/năm với mục đích gia tăng lúa gạo đã làm mất đi không gian chứa nước tại các vùng trũng. Chưa kể, có thời gian mình coi lũ là thiên tai, nên nhiều địa phương đã cố làm cống để đẩy nước ra biển, khiến nguồn nước ngọt dần bị suy kiệt, tạo điều kiện cho mặn lấn sâu hơn,” ông Tuấn chia sẻ.
Cần khôi phục hai túi nước tự nhiên
Tại một cuộc tọa đàm liên quan đến vấn đề hạn, mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long năm 2016 do Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu tổ chức vào ngày 1/4 vừa qua, chuyên gia độc lập về nghiên cứu sinh học Nguyễn Hữu Thiện cho rằng, hằng nằm khi nước lũ sông Mê Kông về đến Campuchia, nước chảy vào Biển Hồ làm diện tích hồ này tăng 5-6 lần (từ 300.000ha trong mùa khô lên 1.500.000ha trong mùa lũ).
“Nguồn nước này sau đó chảy vào vùng Đồng Tháp Mười (các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An) và vùng Tứ Giác Long Xuyên (An Giang, Kiên Giang và một phần Cần Thơ) đã làm cho 2 vùng trũng này ngập sâu 3-4 mét,” ông Thiện nói.
Ông Thiện cũng khẳng định, chính các túi nước trên đã “điều hòa” nguồn nước cho Đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, mùa nước nổi thì các túi nước sẽ cất giữ nước làm cho lũ hiền hòa hơn. Lượng nước cất giữ trong các túi này sẽ từ từ nhả ra, bổ sung do dòng sông Tiền, sông Hậu để đẩy mặn vùng ven biển ra trong mùa khô.
Lấy ví dụ riêng đối với thành phố Cần Thơ, phó giáo sư tiến sĩ Lê Anh Tuấn phân tích, nếu như năm 2000 mực nước chỉ từ 1,79 mét thì đến năm 2011, mực nước tăng lên 2,15 mét. Theo phân tích, sự tăng ngập ở đây là do tăng động thái dòng chảy lũ từ trên xuống, nước dội do triều từ biển vào và mất không gian chứa lũ ở Tứ Giác Long Xuyên.
Trong khi đó, từ năm 2000 đến 2011, khả năng trữ lũ của vùng Tứ giác Long xuyên đã giảm từ 9,2 tỷ mét khối xuống còn khoảng 4,5 tỷ mét khối, do diện tích khoảng 1.100 km² ô đê bao khép kín ở vùng này.
“Riêng lượng nước khổng lồ (khoảng 4,7 tỷ mét khối) khi không vào được trong đồng đã gây tăng ngập ở phía hạ lưu trong mùa lũ và cũng đồng nghĩa với việc chúng ta không có 4,7 tỷ mét khối này để đẩy mặn trong mùa khô cho vùng ven biển,” ông Tuấn nói.
Vẫn theo ông Tuấn, để đảm bảo được an ninh nguồn nước cho toàn Đồng bằng sông Cửu Long, giải pháp “chắc ăn” nhất hiện nay là cần phải khôi phục lại hai vùng trũng tự nhiên, thay vì đi xin Trung Quốc xả nước cứ khát cho “vựa lúa của cả nước.”
“Tôi nghĩ rằng, giải pháp nào cũng phải trả giá. Chúng ta đã mắc sai lầm trong việc xây quá nhiều đê bao dẫn đến mất nước ngọt, thì bây giờ cần phải nhận diện được bản chất của vấn đề. Hay nói cách khác là, mốn cứu vựa lúa miền Tây thì cần khôi phục lại 2 vùng trũng tự nhiên.
Trước mắt, chúng ta đừng mở rộng thêm diện tích trồng lúa 3 vụ, đừng cố xây thêm đê bao. Từ đó xác định những chỗ nào bị ô nhiễm, trồng lúa kém hiệu quả thì cần phải trả lại hiện trạng tự nhiên, cũng như tạo không gian giữ nước cho vùng,” ông Tuấn khuyến nghị.
Sau hàng loạt cảnh báo về “họa xa” và “họa gần,” đến nay, những tác động của biến đổi khí hậu cùng động thái giữ nước từ các quốc gia thượng nguồn đã khiến Đồng bằng sông Cửu Long lâm vào thảm cảnh “khát” nước ngọt nghiêm trọng và không thể oằn mình chống lại nước mặn xâm nhập…
Nhìn lại thực trạng hạn-mặn trong những tháng qua, các chuyên gia cho rằng đã đến lúc Việt Nam cần thay đổi tư duy của ngành nông nghiệp và xây dựng mạng lưới nước nông nghiệp để phát triển bền vững “vựa lúa của cả nước.”
Bài 5: “Đã đến lúc Việt Nam cần thay đổi tư duy của ngành nông nghiệp”