ThienNhien.Net – Bộ Tài nguyên và Môi trường đang cùng các địa phương triển khai công tác tìm kiếm nguồn nước sinh hoạt phục vụ chống hạn và xâm nhập mặn ở các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Trên cơ sở văn bản báo cáo tình hình thi công giếng khoan khai thác nước dưới đất ứng phó với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, Bộ Tài nguyên và Môi trường thống nhất với chủ trương của UBND tỉnh Tiền Giang về việc tổ chức thi công các giếng khoan nước tầng sâu để tìm kiếm nguồn nước ngọt, ứng cứu kịp thời nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân trong thời gian các nguồn nước mặt bị ảnh hưởng của tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn sâu, không thể khai thác để cấp nước sinh hoạt trên địa bàn.
Qua nghiên cứu cho thấy, các khu vực đề xuất bố trí các giếng khoan tại xã Bình Đức, huyện Châu thành có sự đan xen các khối nước ngọt, nước mặn rất phức tạp cả theo diện tích, theo chiều sâu và chưa được nghiên cứu, đánh giá chi tiết. Việc UBND tỉnh Tiền Giang dự kiến bố trí tập trung toàn bộ 20 đến 25 giếng khoan, với quy mô khai thác mỗi giếng khoảng 1.500 m³/ngày đêm đến 3.000 m³/ngày đêm, tổng lưu lượng khoảng 65.000 m³/ngày đêm đến 75.000 m³/ngày đêm sẽ có nguy cơ hình thành phễu hạ thấp mực nước lớn có thể dẫn đến xâm nhập mặn, khó bảo đảm khai thác, sử dụng bền vững lâu dài.
Để đầu tư xây dựng công trình khai thác nước dưới đất tập trung với quy mô lớn cần phải được thăm dò, đánh giá một cách chi tiết. Vì vậy, trong điều kiện cần khẩn trương tìm kiếm, khai thác nguồn nước ngọt giải quyết nhu cầu nước sinh hoạt cấp bách như hiện nay và để tránh rủi ro, nên chọn phương án xem xét, bố trí các giếng khoan phân tán phù hợp với đặc điểm nguồn nước dưới đất nhằm kịp thời cấp nước sinh hoạt cho từng xã, cụm xã hoặc cụm dân đang bị ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn.
Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã thành lập Tổ công tác để hỗ trợ kỹ thuật cho các địa phương trong việc tìm kiếm nguồn nước sinh hoạt phục vụ chống hạn và xâm nhập ở các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long.