ThienNhien.Net – Châu Á có thể hướng tới sử dụng 100% năng tái tạo và đó cũng chính là cách tốt nhất để xây dựng một châu Á bền vững.
Trong bối cảnh giá dầu thế giới giảm mạnh, năm 2015 là năm ghi nhận con số đầu tư kỷ lục cho năng lượng tái tạo. Tháng 12/2015, 195 nước đã thông qua thỏa thuận về biến đổi khí hậu tại Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về biến đổi khí hậu COP21. Tất cả những điều này cho thấy nhiên liệu hóa thạch đang dần trở nên yếu thế.
Theo dự đoán của Tập đoàn dầu khí Exxon của Mỹ, dầu vẫn sẽ là năng lượng hàng đầu vào năm 2040. Tuy nhiên, dự đoán này có phần không chính xác vì năng lượng tái tạo đang lên ngôi với tiềm năng và tính khả thi ở nhiều quốc gia, trong đó có châu Á, với tổng số tiền đầu tư có thể lên tới 100 nghìn tỷ USD vào năm 2050.
Hướng tới sử dụng toàn bộ năng lượng tái tạo
Trong Báo cáo Đóng góp giảm phát thải dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDCs) tại COP21, nhiều quốc gia đã cam kết sử dụng 100% năng lượng tái tạo và coi năng lượng tái tạo là mục tiêu ưu tiên hàng đầu. Gần 100 thành phố trên thế giới cũng đã có kế hoạch hành động nhằm giảm lượng phát thải khí thải CO2.
Các INDCs chỉ cam kết mức tăng nhiệt độ toàn cầu tối đa là 2,7°C thay vì 2°C hay 1,5°C như được kỳ vọng. Tuy nhiên, các cam kết của INDCs có thể thay đổi theo thời gian đặc biệt khi một số quốc gia đang hướng tới sử dụng hoàn toàn năng lượng tái tạo.
Nếu vẫn giữ xu hướng phát triển như hiện tại, châu Á sẽ chiếm một nửa lượng khí thải toàn cầu. Tuy nhiên, châu Á đang được xem là khu vực dẫn đầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo với các điểm sáng như Cộng hòa Quần đảo Fiji, tỉnh Fukushima (Nhật) và Mindanao (Philippines) đều đã đặt ra mục tiêu sử dụng 100% năng lượng tái tạo. Ấn Độ đưa ra mục tiêu sản xuất 175 GW điện từ năng lượng tái tạo vào năm 2022. Trung Quốc cũng đầu tư gấp hai lần con số Mỹ đầu tư cho năng lượng tái tạo vào năm 2014.
Không cần thay đổi công nghệ
Năm ngoái, các kỹ sư và nhà khoa học hàng đầu trên thế giới đã công bố một nghiên cứu chứng minh rằng, với công nghệ như hiện nay, ngành năng lượng tái tạo có thể sản xuất đủ năng lượng để phục vụ 100% các nhu cầu về đun nấu, sưởi ấm và đi lại ở các quốc gia mà nó hiện diện.
Theo một nghiên cứu khác của Cơ quan Quản trị Khí quyển và Đại dương Quốc gia, tính đến năm 2030 Mỹ có thể thu được 70% năng lượng từ gió và mặt trời với chi phí không đổi bằng công nghệ hiện tại.
Nghiên cứu khác do ADB tài trợ thực hiện tại Trung và Tây Á, kết hợp với các dữ liệu thủy điện của Hội đồng Năng lượng Thế giới, cho thấy tiềm năng sản xuất điện từ gió, mặt trời và nước gấp hơn 40 lần công suất phát điện của khu vực vào năm 2012. Ở một số nước như với Myanmar là 56 lần, Việt Nam 26 lần, Indonesia 20 lần, Phillipines, Trung Quốc là 17 lần và Sri Lanka 10 lần.
Điều này chứng minh rằng các nguồn năng lượng sạch rất dồi dào và phong phú.
Tiết kiệm chi phí
Theo Báo cáo Tài chính năng lượng mới của Bloomberg, chi phí năng lượng quy dẫn (LCOE)* trung bình toàn cầu từ năng lượng mặt trời đã giảm 60%, từ hơn 0,3 USD/kWh trong năm 2009 xuống còn 0,122 USD/kWh và gió đã giảm từ 0,1 USD xuống 0,083 USD. Tuy nhiên, những tính toán về LCOE này bao gồm cả dữ liệu từ những nhà máy cũ kĩ, lạc hậu.
Mới đây, Công ty Năng lượng Sun Edison (Mỹ) chỉ mất 0,07 USD cho mỗi kWh trong dự án năng lượng mặt trời tại Ấn Độ và Công ty First Solar có thể sản xuất điện mặt trời với giá 0,0387 USD/kWh ở Mỹ. Những con số này đều thấp hơn nhiều so với mức tính toán gần đây nhất của Bloomberg. Giá thành năng lượng tái tạo thậm chí còn hấp dẫn hơn sau trợ giá của Chính phủ mặc dù cả nhiên liệu hóa thạch cũng được trợ cấp.
Ngoài ra, Đại học Harvard đã thử nghiệm một loại pin hữu cơ không độc hại sử dụng năng lượng mặt trời và gió để tạo ra dòng điện ổn định với giá vào khoảng 27 USD/ kWh. Loại pin này được Tập đoàn Tài chính Citigroup đánh giá có chi phí lắp đặt rẻ hơn so với phương pháp sản xuất điện thông thường. Dự kiến công ty năng lượng Châu Âu Green Energy Storage sẽ bắt đầu bán pin của Harvard trong năm 2018.
Không còn thời gian trì hoãn
Năm 2012, thế giới có 3,7 triệu ca tử vong do ô nhiễm không khí, gấp đôi số ca tử vong do HIV (1,6 triệu người).
Theo Cơ quan Hải dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA), nồng độ khí CO2 trung bình hàng tháng trên toàn cầu đạt mức kỷ lục, vượt 400 phần triệu (ppm), vào tháng 3/2015. Tốc độ tăng nồng độ CO2 trung bình trong khí quyển giai đoạn năm 2012-2014 là 2,25 ppm mỗi năm.
Hàm lượng CO2 trong không khí đã tăng từ 350 ppm lên 400 ppm trong vòng 29 năm qua. Theo các nhà khoa học, khi con số trên đạt đỉnh ở mức 450 ppm thì mực nước biển sẽ tăng lên đáng kể, nhấn chìm nhiều thành phố. Như vậy, chúng ta có chưa đầy 30 năm hoặc ít hơn để giảm bớt lượng phát thải khí thải CO2, ngăn nồng độ CO2 vượt quá con số 450 ppm.
Tuy nhiên, một Châu Á đang phát triển có lẽ sẽ mất nhiều thời gian hơn để làm điều này nếu vẫn phụ thuộc vào than đá như hiện nay. Chính vì vậy các quốc gia Châu Á cần xác định nguồn lực sẵn có, các dự án ưu tiên và khuôn khổ pháp lý cần thiết. Ngoài ra, cũng cần nâng cao năng lực sản xuất điện gió, điện mặt trời và các giải pháp tích trữ năng lượng.
Hiện tại, rào cản lớn nhất vẫn là nhận thức, khi năng lượng truyền thống vẫn được coi trọng hơn năng lượng tái tạo. Điều này cần được thay đổi vì việc châu Á có khả năng sử dụng 100% năng lượng tái tạo không phải là giả thuyết. Điều này hoàn toàn khả thi và là cách tốt nhất để phát triển một tương lai bền vững.
*Chi phí sản xuất điện quy dẫn (LCOE) là một cách tính toán các yếu tố trong tất cả các chi phí vòng đời và của hệ thống từ việc bảo trì, sửa chữa tới chi phí thời gian chết, đơn vị tính USD/kWh)