ThienNhien.Net – Với ưu thế đất đai rộng lớn và màu mỡ, Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã được xác định là vùng “an ninh lương thực số 1” của đất nước. Vị thế của vùng này cũng đã được xác lập bởi nhiều con số như: Chiếm 13% diện tích cả nước, trong đó chỉ tính cây lúa đã chiếm tới 47% diện tích và 56% sản lượng lúa cả nước.
Tuy nhiên, trong những tháng vừa qua, do ảnh hưởng của hiện tượng El-Nino kéo dài và việc xây dựng hàng loạt công trình thủy điện trên thượng lưu sông Mê Kông, cản trở lưu lượng dòng chảy đổ về vùng hạ du đã gây ra đợt khô-mặn khốc liệt nhất trong vòng 100 năm qua.
Cho đến nay, sau nhiều tháng chống chọi với cơn đại hạn lịch sử, hàng triệu người nông dân ở miền sông nước Đồng bằng sông Cửu Long đã rơi vào thế kiệt quệ vì thiếu nước ngọt, không ít gia đình “nghèo bền vững” nay lại phải sống cảnh lao đao vì mất trắng vụ mùa.
Bài 1: Đồng bằng sông Cửu Long: Lúa cháy khô, tôm chết vì đại hạn
Đi khắp các cánh đồng rộng lớn được bao bọc bởi hai vùng trũng nước ngọt với trữ lượng nước khổng lồ (trên 11 tỷ m3) là Tứ Giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười một thời, giờ đây chỉ hiện ra một màu đất chết, khô khốc.
Nghèo trên vựa lúa
11 giờ trưa. Đứng dưới cái nắng như thiêu như đốt của miền Tây, ông Chương Buôl, 83 tuổi – người dân tộc Khmer ở ấp Xóc Đồn, (Hưng Hội, Vĩnh Lợi, Bạc Liêu) thi thoảng lại còng mình nhặt lấy vài hạt lúa nhuỗm đen như mực nằm sót lại dưới những gộc rơm úa nục.
Gia đình ông Buôl có 7 thành viên. Nguồn thu của gia đình trông cậy vào 33 công (tương đương 33.000m2) đất lúa. Những năm trước, bình quân mỗi vụ, mỗi công gia đình lão nông này cũng thu được khoảng 900kg thóc. Còn năm nay, ruộng đồng gặp hạn, nước mặn lấn sâu vào nội đồng đã cướp đi sự sống của cây lúa.
“Đến giờ này thì toàn bộ diện tích trồng lúa coi như mất trắng, không phép màu nào có thể cứu được ‘nồi cơm’ của gia đình,” ông Buôl thở dài nói.
Ở khoảnh ruộng kế bên, bóng chị Phạm Thị Lan (con dâu ông Buôl) và đứa con 12 tuổi cũng lấp loáng dưới mặt đất, há hốc vì khát nước. Chốc chốc, người mẹ lại gom người xuống nhặt cọng rơm lên mót hạt thóc bỏ vào bao. Cứ mỗi lần như thế, cậu con trai lại cười khúc khích như thể đã tìm thấy… bữa no.
Không riêng gì gia đình chị Lan, hầu hết diện tích lúa của người dân trên địa bàn huyện Vĩnh Lợi (địa phương trồng lúa lớn nhất tỉnh Bạc Liêu), đến thời điểm này cũng không còn hy vọng vào ruộng lúa. Khắp các cánh đồng lúa không còn màu xanh, thay vào đó là một màu vàng khô khốc.
Theo đánh giá của ngành chức năng huyện Vĩnh Lợi, hiện nay trên địa bàn đã có hơn 12.000ha lúa bị thiệt hại do hạn-mặn; trong đó thiệt hại nặng nhất là xã Hưng Hội, vởi tổng diện tích hơn 1.000ha lúa chết khô.
Trên con đường qua tỉnh Kiên Giang, khắp các cánh đồng lúa cũng bị khô cháy, đất ruộng nứt nẻ, khiến người nông dân điêu đứng. Tại một số huyện như U Minh Thượng, An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận… người dân đã chuyển sang cày xới đất, ngóng chờ nước ngọt để gieo cấy những mong kịp thời “cứu” đói.
Nhìn sang tỉnh Bến Tre, địa phương bị nước biển xâm nhập vào nội đồng nặng nề nhất so với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tính đến nay, phần lớn diện tích lúa vụ Tài Nguyên cũng đã bị chết khô do “khát” nước ngọt, một số diện tích còn sống thì chẳng đậu được bông hoặc hạt bị lép.
“Mấy tháng nay ông trời ‘chơi ác’ quá, đến đất còn nứt toác thì làm sao lúa nó sống nổi đây. Ngay như ruộng nhà tui nằm sát con kênh mà vẫn thiếu nước, vì dưới kênh toàn nước mặn không thể dùng được,” bà Tư Thu, một nông dân ở xã Phú Lệ (Ba Tri, Bến Tre) buồn rầu nói.
Cứu lúa làm chết tôm…
Không chỉ trắng tay vụ lúa do khan hiếm nguồn nước ngọt, hàng nghìn ao nuôi tôm công nghiệp và nuôi tôm quảng canh tại nhiều địa phương ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề. Có vùng, toàn bộ ao nuôi tôm của người nông dân đã bị mất trắng.
Chỉ tính riêng tại tỉnh Bạc Liêu, tính đến thời điểm này đã có hơn 6.000 ha nuôi tôm ở hai huyện Giá Rai và Hồng Dân bị thiệt hại nặng nề, trong đó nhiều ao nuôi tôm của người dân đã bị mất trắng. Nguyên nhân có nhiều, nhưng căn bản vẫn là do thiếu nước và nắng nóng gay gắt kéo dài.
Theo ông Trương Văn Triều, Phó Trưởng phòng kinh tế huyện Giá Rai, sở dĩ có hiện tượng thiếu nước mặn là do tỉnh có chủ trương giữ ngọt, không cho mở cống dẫn nước mặn để tập trung “cứu” trên 20.000 hécta lúa của vùng Bắc quốc lộ 1A nằm trên địa bàn và khu vực giáp ranh tỉnh Sóc Trăng.
“Cho đến nay, năng suất lúa trên các khu vực được giữ ngọt chưa có thống kê cụ thể, nhưng hơn 2.600 ha ao nuôi tôm của huyện đã bị thiệt hại nặng nề do thiếu nước mặn,” ông Triều thành thật.
Nói rõ hơn về việc tôm chết do thiếu nước mặn, ông Triều bảo, Giá Rai là địa phương giáp biển nên việc điều tiết nguồn nước mặn và ngọt rất phức tạp. Thông thường đưa mặn vào thì tôm sống nhưng sẽ ảnh hưởng đến cây lúa, còn nếu ngăn mặn thì tôm sẽ chết.
“Trong việc này, theo yêu cầu của tỉnh, địa phương cũng đã cố gắng điều tiết nước trong cùng một hệ thống thủy lợi phục vụ cân đối cho cả người dân nuôi tôm và bà con trồng lúa, nhưng việc này không hề dễ. Vì thế, về lâu dài, nếu cứ điều tiết nguồn nước mặn-ngọt trong điều kiện thời tiết phức tạp thế này, thì cả lúa và tôm đều khó sống,” ông Triều quan ngại.
Không thể ngồi yên trong túp lều dựng tạm để canh tôm, ông Nguyễn Văn Hiệp, một người dân nuôi tôm ở ấp 4, xã Phong Thạnh A, huyện Gia Rai thi thoảng lại chạy phắt ra nhìn cửa cống ngăn mặn ở gần nhà ngóng để dẫn nước vào khu ao nuôi tôm đang “hấp hối.”
“Tui sống với nghề nuôi tôm ở đây gần chục năm rồi, nhưng chưa bao giờ gặp cảnh khó khăn về nước. Kinh nghiệm cũng cho thấy, cứ khi nào chính quyền họ cho mở cống ngăn mặn thường xuyên thì dân có ăn, còn năm nay vì chủ trương ‘cứu’ lúa, nên hơn 40 công nuôi tôm của tui đã không thể sống được vì thiếu nước. Đến giờ này coi như đã mất trắng gần 60 triệu đồng,” ông Hiệp rầu rĩ nói.
Cùng chung cảnh mất trắng vụ tôm, bà Châu Thị Thuận, 78 tuổi ở ấp 18, xã Phong Thạnh A cũng lo lắng như ngồi trên đống lửa. Bà kể, nhà có hơn 10 công (hơn 10.000 m2) ao nuôi tôm quảng canh. Bình thường mỗi năm đánh bắt 3 lần, tính ra cũng lãi được trên dưới 10 triệu đồng. Còn năm nay thì mất trắng, có thả mà không có thu..
Bài 2: Khát bên “biển nước,” người dân đào giếng vét nước ngầm