ThienNhien.Net – Nằm lọt thỏm giữa “biển nước” với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, đầy ắp nước, nhưng người dân Đồng bằng sông Cửu Long vẫn đang phải hứng chịu “cơn khát” nước ngọt nghiêm trọng, do nước biển xâm lấn với nồng độ mặn có lúc lên tới hơn 10‰.
Trước tình cảnh phải “sống chung với mặn,” trong khi nước ngọt giá bán đắt đỏ, người dân không còn cách nào khác là phải đào những cái giếng cỡ lớn để vét nước ngầm, kể cả những nguồn nước ở tầng nông, vốn được chính quyền các địa phương khuyến cáo là bị nhiễm tạp chất, hạn chế sử dụng.
“Người chưa đủ no còn phải lo cho bò”
Là địa phương bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn và khan hiếm nguồn nước ngọt nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, suốt hơn 5 tháng qua, gần 52.000 hộ dân (tương đương khoảng 190.000 nhân khẩu) ở huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre đang phải mua nước sinh hoạt với giá đắt đỏ chưa từng thấy.
Theo cơ quan chức năng huyện Ba Tri, những tháng qua, người dân trên địa bàn đang phải “lệ thuộc” nguồn nước của Nhà máy nước Tân Mỹ (có năng lực bơm khoảng 330m3/giờ). Tuy nhiên, do lượng nước hạn chế nên nhà máy này cũng chỉ phục vụ được một phần nhỏ cho người dân tại 13/24 xã, thị trấn trên địa bàn.
Vẻ mặt suy tư, ông Nguyễn Thành Lâm, Phó Trưởng phòng kinh tế huyện Ba Tri cho hay, Ba Tri vốn được bao bọc bởi một vùng nước rộng lớn nhưng hầu hết là nước mặn, ngay cả nước ngầm cũng bị nhiễm nồng độ mặn cao. Chính vì thế, từ đầu năm đến nay, người dân đang phải mua từng khối nước ngọt về dùng tằn tiện qua ngày.
Trên con đường đến với người dân vùng “khát” của huyện Ba Tri, phóng viên VietnamPlus cũng đã bắt gặp rất nhiều người dân đang ngồi la liệt bên lề đường chờ mua từng khối nước sinh hoạt với giá 80.000đồng/m3. Riêng nước ngọt có thể dùng nấu ăn, mỗi khối được bán với giá lên tới 280.000 đồng.
“Cứ mỗi sáng mở mắt ra là phải nghĩ cách kiếm cho được chừng ấy tiền để mua nước. Giá mắc thế mà có những ngày cũng không có mà mua nên gia đình tui lại phải dùng nước giếng khoan bị nhiễm phèn, màu vàng như nước chè để sinh hoạt. Cực lắm,” ông Phan Hữu Quý, một người dân ở ấp 2, xã An Bình Tây nói.
Không chỉ lao đao “cứu khát” cho người, hàng ngàn hộ gia đình tại các xã An Hiệp, Phú Lệ và thị trấn Ba Tri còn phải “thắt lưng buộc bụng” để mua nước cho bò. Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn huyện Ba Tri có khoảng 87.000 con bò. Trung bình, mỗi ngày, mỗi hộ gia đình phải bỏ ra 100.000 đồng mua nước cho bò.
Không giấu được nỗi lo, anh Trần Văn Giàu, một nông dân nuôi bò ở ấp 1, thị trấn Ba Tri bảo, từ đầu mùa khô đến nay, gia đình đã phải bỏ ra hơn 10 triệu tiền mua nước “cứu khát” cho 15 con bò đang trong thời kỳ vỗ béo.
“Tính ra, mỗi ngày chúng uống hết 100.000 đồng tiền nước. Có những hôm bí quá, gia đình lại phải cho chúng uống nước ngầm bị nhiễm phèn, hoặc mua một ít nước ngọt rồi đem pha với nước mặn để tiết kiệm chi phí,” anh Giàu thở dài nói.
Cùng chung cảnh nuôi bò, hộ ông Hồ Văn Khởi, ở ấp 2, xã Phú Lệ những tháng nay cũng đang phải mua nước cho hơn 20 con bò đang trong giai đoạn sinh đẻ. Ông bảo, hạn hán kéo dài, ruộng đồng nứt nẻ không tìm đâu nước ngọt, nên gia đình bắt buộc phải vay mướn tiền mua nước cho bò.
“Tốn kém lắm. Người ăn chưa no còn phải lo cho bò… nhưng cũng phải chấp nhận thôi chứ không mua nước, bò – nó cũng sẽ chết. Mà bò chúng uống nhiều nước lắm, có phải tằn tiện như người đâu,” ông Khởi trăn trở.
Trên đường đi qua thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, chúng tôi cũng bắt gặp không ít hộ dân đang ngồi lê lết bên đường, đón đợi mua nước ngọt với giá 60-70.000 đồng/m3. Theo đại diện chính quyền địa phương, nguyên nhân thiếu nước trên địa bàn là do khô-mặn kéo dài, trong khi các xã đều nằm giáp bờ biển nên rất khó tìm mạch nước ngọt.
Đào giếng vét nước ngầm
Không thể ngồi chịu khát, giữa cái nắng 36 độ C của “mùa khô lịch sử,” anh Nguyễn Văn Khẳm ở ấp 5 (An Hiệp, Ba Tri, Bến Tre) và 7 người đàn ông da đen nhẻm đã quyết định ra vườn đào giếng tìm nước ở độ sâu khoảng 5-6m, để vớt vét nước ngầm.
Sau cả buổi chiều hì hụi đào bới, anh Khẳm và nhóm thợ cũng tìm được 2 mạch nước ngầm đang thấm ướt. Thấy nước, người đàn ông ngoài 40 tuổi nở nụ cười phớ lớ, rồi ngồi bệt xuống nền đất thở phào nhẹ nhõm.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Khẳm bảo, mặc dù nhà ở cạnh con kênh đầy ắp nước nhưng toàn nước mặn. Trong khi đó, nước ngọt vốn khan hiếm, nước ngầm ở tầng sâu cũng bị nhiễm mặn nên cứ mùa mưa gia đình anh lại xây lu hứng nước để dùng tằn tiện trong những tháng mùa khô.
“Vẫn cách làm ấy, nhưng năm nay khô hạn kéo dài, nên tui phải đào giếng cạn để vớt nước ngầm. Dù biết, nguồn nước này ở gần mặt đất ít nhiều cũng nhiễm tạp chất, nhưng khát quá nên tui cứ đào tìm nước, chứ lấy đâu tiền mà mua nước sạch,” anh Khẳm thành thật.
May mắn hơn, anh Nguyễn Văn Khang cùng ở ấp 5, xã An Hiệp đã nhanh tay đào được chiếc giếng chứa nước ngọt với trữ lượng nước thu được 3-4m3/ngày. Nguồn nước này không những giúp gia đình “no” nước, mà anh còn tận dụng đem bán rẻ cho người dân trong vùng với giá 40.000 đồng/m3.
“Giếng này nằm trên đất nhà nên mình cứ thế đào, miễn có nước để sinh hoạt, may mắn hơn thì có nước bán cho bà con với giá rẻ gọi là giúp đỡ nhau lúc khô khát thôi. Đến khi, nước ngầm nó hết, mình cũng phải đi mua mà,” anh Khang chia sẻ.
Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay, hàng chục hộ dân ở trên địa bàn huyện Ba Tri cũng đã và đang phải đào giếng cạn để tìm nguồn nước ngọt sử dụng. Tuy nhiên, số giếng mà người dân đào có nước chỉ chiếm 5%, trong khi đào sâu thì độ mặn trong nước lại càng cao.
Trao đổi với phóng viên VietnamPlus, ông Lê Quang Hạnh, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ba Tri cho biết, việc đào giếng nước tầng nông của người dân hiện nay chỉ là giải pháp “cực chẳng đã” bởi nguồn nước này đến nay đã kiệt, và có khả năng bị nhiễm sắt, chì và các loại tạp chất rất cao.
“Chính vì thế, theo tôi, nếu lấy nguồn nước giếng ở tầng nông cho người ăn thì rất nguy hiểm, mà thay vào đó là dùng để cho bò uống. Trong trường hợp khai thác cho người dân nấu ăn thì nguồn nước cần phải được kiểm tra. Tuy nhiên, vì khát quá nên nhiều hộ dân cũng không quan tâm đến chất lượng nguồn nước,” ông Hạnh thành thật./.
Đồng bằng sông Cửu Long được coi là vựa lúa lớn nhất cả nước, với mật độ canh tác có nơi 3 vụ/năm. Tuy nhiên, trước tình hình hạn khô và xâm nhập mặn đang ngày diễn biến khốc liệt hơn thì việc chống lại “ông trời,” hay giảm một phần diện tích đất lúa kém hiệu quả để chuyển sang cây trồng khác cùng với nuôi thủy sản đang là bài toán cấp bách, cần được hóa giải.
Bài 1: Nỗi đau “kép” của hàng triệu người nông dân