ThienNhien.Net – Sáng 9-4, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 – 2020) cấp quốc gia.
Khẳng định trong Báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, giai đoạn 2016 – 2020 vẫn bảo vệ khoảng 4.400 nghìn ha rừng phòng hộ hiện có, phục hồi và trồng mới khoảng 240 nghìn ha tại các khu vực đầu nguồn xung yếu, các lưu vực sông, khu vực ven biển, khu vực biên giới và rừng phòng hộ bảo vệ môi trường.
Trong đó, bảo vệ 310 nghìn ha hiện hữu, phục hồi 9,6 nghìn ha và trồng mới 46 nghìn ha rừng phòng hộ ven biển để chắn sóng, chống cát bay, lấn biển và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đối với 1,1 triệu ha chuyển sang rừng sản xuất, đây chủ yếu là diện tích đất quy hoạch để trồng rừng, đất khoanh nuôi tại các khu vực ít xung yếu thuộc các vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, các tỉnh Tây Nguyên nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng một cách bền vững, góp phần cải thiện môi trường và giải quyết việc thiếu đất sản xuất cho đồng bào dân tộc tại chỗ, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, đồng thời từng bước khắc phục tình trạng di cư không theo quy hoạch như hiện nay.
“Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ xây dựng quy chế riêng với các tiêu chí cụ thể để quản lý chặt chẽ, nghiêm ngặt phần diện tích chuyển đổi này”- ông Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh.
Trong các phần đất trong phát triển hạ tầng, ông Nguyễn Văn Giàu cho biết, đến năm 2020, đất cơ sở giáo dục – đào tạo có trên 68 nghìn ha, tăng thêm trên 18 nghìn ha so với năm 2015, bảo đảm không gian cho việc chuẩn hóa các trường ở các cấp học, ngành học, cũng như tạo quỹ đất phục vụ cho việc di dời một số trường đại học, cao đẳng ra khỏi nội thành Hà Nội và TP.HCM.
Bình quân đất cơ sở giáo dục và đào tạo đạt từ 20-25 m2/học sinh đối với học sinh mầm non và phổ thông, từ 60-65 m2/sinh viên đối với sinh viên đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp.
Theo quy hoạch đến năm 2020, cả nước có 42 khu kinh tế với tổng diện tích không gian tự nhiên 1.583 nghìn ha, trong đó bao gồm cả 345 nghìn ha đất mặt nước.
Diện tích đất dành cho sản xuất kinh doanh theo mục tiêu phát triển khu kinh tế gồm khu thuế quan và phi thuế quan là 252 nghìn ha, trong đó có 46 nghìn ha đất khu công nghiệp, chiếm khoảng 16% diện tích tự nhiên, còn lại 84% diện tích là các loại đất nông nghiệp, khu đô thị, khu dân cư, khu hành chính…