ThienNhien.Net – Ngày càng có nhiều báo gấm được buôn bán vì mục đích thương mại; da và các bộ phận khác của loài này tràn ngập trên các thị trường chợ đen. Thậm chí, tại các thị trường chợ đen Đông Nam Á, báo gấm còn phổ biến hơn cả hổ. Thông tin này vừa được các nhà nghiên cứu công bố trên tạp chí Biodiversity and Conservation.
Loài báo gấm chỉ còn lại chưa đến 10.000 cá thể trưởng thành, thuộc hai họ được tìm thấy ở Đông Nam Á là báo gấm Neofelis nebulosa và báo gấm Neofelis diardi sinh sống trên đảo Sumatra và Borneo. Trong khi đó, những con vật quyến rũ với bộ lông đặc biệt có họa tiết như mây và phần đuôi dày mềm mại này đang ngày càng trở nên phổ biến trên thị trường.
Với mục tiêu điều tra quy mô buôn bán loài báo gấm, hai nhà nghiên cứu Neil D’Cruze và David Macdonald tại Viện nghiên cứu Bảo tồn động vật hoang dã thuộc Đại học Oxford đã rà soát lại các báo cáo thuộc Công ước quốc tế về buôn bán các loài động thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), các báo cáo khoa học đã được công bố cũng như phỏng vấn các chuyên gia về báo gấm.
Theo thống kê, trong khoảng 1975-2013, CITES đã ghi nhận 316 vụ buôn bán báo gấm. Trong đó, 70% vụ việc liên quan đến báo gấm còn sống, còn lại là buôn bán da, xương, đầu và các bộ phận khác. Nhật Bản là quốc gia nhập khẩu nhiều báo gấm sống nhất vì mục đích thương mại, tiếp sau là Hoa Kỳ, trong khi hai nước xuất khẩu hàng đầu là Trung Quốc và Thái Lan, hai nước vốn sở hữu quần thể lớn loài thú nuôi này.
Mặc dù Công ước CITES cho phép buôn bán báo gấm được sinh sản trong môi trường nuôi nhốt, các chương trình nhân giống loài mèo khổng lồ này ở các nước vẫn bị lên án bởi có thể khuyến khích tình trạng buôn bán động vật hoang dã nuôi nhốt giá rẻ và tạo ra lỗ hổng pháp lý cho hoạt động buôn bán trái phép động vật hoang dã và các sản phẩm liên quan.
Nghiên cứu cho biết, nhiều hồ sơ CITES chưa hoàn thiện hoặc chưa đúng quy định. Chẳng hạn, chưa có hồ sơ CITES nào chỉ rõ chủng loại báo gấm bị buôn bán hay còn nhập nhằng nguồn gốc nhập khẩu. Chính sự thiếu sót này đã tạo cơ hội cho động vật hoang dã bị săn bắt được buôn bán dưới chiêu bài động vật nuôi nhốt. Theo TS. D’Cruze, “buôn bán động vật nuôi nhốt theo quy định chỉ là hình thức trá hình bao bọc hoạt động buôn bán động vật săn bắn trái phép ngoài tự nhiên”.
Số lượng báo gấm bị bán như thú cảnh, phục vụ thú vui tiêu khiển đang tăng lên đáng kể. Nhiều trường hợp, loài này còn được buôn bán trái phép một cách công khai qua mạng Internet. Nhóm nghiên cứu đã tìm thấy một trang mạng Malaysia cung cấp nhiều bằng chứng săn bắt trái phép loài này cùng một số loài khác như cầy hương châu Á (Paradoxurus hermaphrodites), hươu nai (Rusa unicolor) và lợn rừng (Sus Scrofa).
Các chuyên gia cảnh báo, tình trạng gia tăng buôn bán báo gấm một phần là do số lượng hổ đang sụt giảm vì các bộ phận của báo gấmcó thểsử dụng thay thế nhu cầu thương mại các bộ phận ở hổ. Tuy nhiên, cần thêm nhiều nghiên cứu khác trước khi đưa ra kết luận cuối cùng vì dữ liệu về buôn bán báo gấmvẫn còn hạn chế và không rõ ràng, không đủ làm cơ sở dữ liệu nghiên cứu. Các nhà nghiên cứu khuyến cáo cần tập trung nguồn lực hơn nữa để tìm kiếm thêm các thông tin cụ thể về loài, số lượng, đường dây mua bán và thái độ của thợ săn cũng như người giao thương trong hoạt động buôn bán trái phép này.