ThienNhien.Net – Thế giới đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng về đa dạng sinh học, với ¼ động vật có vú đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng và 90 loài cá lớn nhất đại dương đã biến mất. Tốc độ tuyệt chủng của các loài cao gấp 5 lần trong quá khứ. Thế nhưng, cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học hiện tại không chỉ đơn thuần dừng lại ở đó, kiến thức về các loài cũng đang dần trở nên hạn hẹp do số lượng của chính các nhà khoa học phân loại, mô tả và nghiên cứu mối liên hệ giữa các loài đang giảm dần.
Hàng triệu USD đã được đầu tư cho công nghệ phân loại các loài trên toàn thế giới có thể đang khiến bản thân các nhà phân loại học và hệ thống học không còn được chú trọng. Con người dường như đang hướng tới việc bổ sung nhiều loài mới vào bộ sưu tập, trong khi những người thực sự tạo ra hệ thống phân loại những loài này đang bị lãng quên.
Lớp thân mềm hai mảnh không vỏ Aplacophora – là một nhóm vô cùng quý hiếm có họ hàng gần với bạch tuộc, mực, ốc và hến với 360 loài thuộc lớp aplacophoran được biết đến sống ở độ sâu hơn 15 mét dưới lòng đại dương, tuy nhiên các nghiên cứu loài gần như đã bỏ qua loài này. Từ năm 2005 cho đến nay, chỉ có chưa đầy 20 nghiên cứu khoa học về nhóm sinh vật này được công bố, trong khi nhiều loài mới vẫn đang chờ được khám phá và mô tả. Hầu hết những nghiên cứu này đều do TS. Amélie Scheltema thuộc Viện Hải dương học Woods Hole (Mỹ) thực hiện. Bà sắp nghỉ hưu và có thể sẽ là người cuối cùng nghiên cứu về nhóm động vật này. Như vậy, thế giới sẽ hoàn toàn không hay biết nếu giả sử một nửa số loài thuộc nhóm này bị tuyệt chủng trong thời gian tới.
Câu chuyện về TS. Amelie không phải là trường hợp duy nhất. Nhà nghiên cứu Martin Sørensen tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Đan Mạch là một trong số ít chuyên gia nghiên cứu về ngành giun Kinorhych, cũng là một trong hai người còn sống nghiên cứu về ngành giun bờm ngựa Gnathotomulids (người còn lại đã nghỉ hưu). Cả hai loài giun này đều là những loài động vật rất nhỏ, dài chưa đến 0,25 mm và sống trong lớp bùn cát dưới đáy biển. Hiện có hơn 300 loài thuộc 2 nhóm trên, và những thông tin đã có đều dựa hoàn toàn vào những thu thập từ vùng biển phía Đông nước Mỹ, Địa Trung Hải và bờ tây Châu Âu.
Rất ít các nhà khoa học nghiên cứu các loài mới, đó là lí do vì sao có rất ít thông tin về chúng. Trong vòng 20 năm trở lại đây, ngành phân loại đang đứng trước áp lực rất lớn do ngày càng thiếu các nhà khoa học thuộc lĩnh vực này.
Hiện tượng này cũng xảy ra đối với nhóm nghiên cứu các động vật quen thuộc. Ví dụ, trong ngành giun tròn, các nhà khoa học đã nghiên cứu và mô tả được hơn 28.000 loài sống ở các môi trường khác nhau như nước ngọt, nước mặn, đất và kí sinh. Có tới 85-95% loài sống dưới đáy biển thuộc loại giun này. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu gần đây, số công trình nghiên cứu khoa học về các loài mới thuộc ngành giun này đã giảm 1 nửa so với thập kỉ trước và chỉ bằng 1/3 số nghiên cứu của thập kỉ trước nữa. Hiện nay, có khoảng 10.000 – 100.000 loài vẫn chưa được khám phá và mô tả.
Nguyên nhân giảm số lượng các nhà khoa học phân loại chính là việc đánh giá thấp đóng góp của họ về cả mặt khoa học và kinh tế. Bên cạnh đó, việc thay thế một số phương pháp nghiên cứu lỗi thời, nhưng không đáp ứng được yêu cầu tỉ mỉ của khoa học ngày nay cũng là nguyên nhân khiến các nhà khoa học đang dần “tuyệt chủng.”
Số lượng các nhà khoa học làm công tác phân loại vẫn tiếp tục giảm mặc dù kinh phí hỗ trợ cho các chương trình đa dạng sinh học và cơ sở dữ liệu như EUNIS, EOL, OBIS… vẫn tiếp tục tăng. Những cơ sở dữ liệu này tập hợp thông tin về đa dạng sinh học, giúp xác định các yếu tố thúc đẩy đa dạng sinh học và thiết lập các ưu tiên bảo tồn này đã tiêu tốn hàng ngàn giờ đồng hồ và hàng triệu USD. Tuy nhiên, nhiều chương trình không hề cung cấp trợ giúp tài chính cho các nhà khoa học phân tích dữ liệu.
Trải qua một thập kỉ với kinh phí là 650 triệu USD, chương trình khám phá đời sống dưới lòng đại dương là một trong những sáng kiến lớn nhất giúp thu thập thông tin về đa dạng sinh học. Ở một mức độ nào đó, chương trình này đã đạt được kết quả tốt, hỗ trợ 2.700 nhà khoa học nghiên cứu 2.600 công trình khoa học mới và hoàn thành hàng nghìn mô tả loài mới. Tuy nhiên, chương trình đã kết thúc vào cuối năm 2015 và chưa có bất kì cơ quan hay tổ chức nào sẵn sàng kế tiếp dòng hỗ trợ tài chính trước đó của tổ chức Alfred P. Sloan.
Có lẽ, hạn chế lớn nhất là chương trình này, cũng giống như các chương trình khác, đã không tạo cơ hội cho những nhà khoa học làm việc trong lĩnh vực phân loại có thể làm việc lâu dài. Rất nhiều khoa sinh học tại các trường đại học trên thế giới không còn tuyển các nhà phân loại học vào giảng dạy. Các vị trí này giờ chỉ còn tồn tại trong các bảo tàng.
Theo TS Sørensen, “lí do số lượng các nhà khoa học làm công tác thống kê và phân loại đang giảm dần có liên quan đến thực tế các công trình nghiên cứu khoa học hiện nay đều phải mang tính định lượng”. Các con số thu hút vốn đầu tư thường là yếu tố gây ảnh hưởng trong một báo cáo khoa học. Khoa học phân loại chưa bao giờ được coi trọng, và các nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực này cũng rất hiếm khi được tài trợ.
Ngành khoa học cũng có thể phải chịu một phần trách nhiệm trong việc xem nhẹ công tác phân loại. Chúng ta thường đánh giá tác động của một báo cáo khoa học dựa vào số lần được trích dẫn trong các báo cáo khoa học khác. Tương tự, ảnh hưởng của các nhà khoa học cũng được đánh giá dựa vào số lần các nghiên cứu của họ được trích dẫn. Thật không may, các công trình phân loại rất hiếm khi được trích dẫn, ngay cả khi chúng nên được trích dẫn.
Giảm số lượng các nhà khoa học phân loại đồng nghĩa với việc trong tương lai sẽ không còn thế hệ mới các nhà phân loại học. Đây là một trong những vấn đề mà Tổ chức Khoa học Tự nhiên đã nhận định. Năm 2014, tổ chức này đã xây dựng một chương trình thúc đẩy các nghiên cứu phân loại, nhưng chỉ dừng lại ở đào tạo chứ không mang đến cơ hội làm việc cho các nhà khoa học.
Việc giảm số lượng các nhà khoa học phân loại được cho rằng có thể gây cản trợ tiến bộ sinh học khi rất nhiều thông số về các loài khác nhau vẫn chưa được ghi chép vào tài liệu khoa học.