ThienNhien.Net – Chính sách miễn thủy lợi phí rất khó huy động khu vực tư nhân tham gia, nên khó có thể thực hiện xã hội hóa thủy lợi theo nền kinh tế thị trường. Trong khi đó, tổ chức thủy nông cơ sở hoạt động yếu kém, việc quản lý, phân phối nước gặp rất nhiều khó khăn.
Đây là quan điểm mà TS. Đặng Ngọc Hạnh, Viện Kinh tế và Quản lý thủy lợi đưa ra tại hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về định giá nước trong nông nghiệp” do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 6/4 tại Hà Nội.
Theo ước tính, tổng khối lượng nước được khai thác sử dụng trên toàn thế giới hiện nay là gần 4.000 tỉ m3, trong đó nước phục vụ tưới tiêu trong nông nghiệp chiếm 2/3. Gần 95% lượng nước tại các nước đang phát triển được sử dụng để tưới tiêu cho đất nông nghiệp. Nước cũng là thành phần quan trọng trong nông nghiệp tại vùng đất nhiệt đới. Các nhà khoa học cho rằng, biến đổi khí hậu sẽ làm giảm lượng nước dự trữ và có sẵn, trong khi nhiệt độ ấm hơn sẽ làm gia tăng lượng nước cần dùng cho mùa vụ, vì thế cần có các chính sách để cải thiện hiệu quả tưới tiêu.
Trên thế giới, để ứng phó với việc khan hiếm nước, các nhà hoạch định chính sách luôn quan tâm đến việc thay đổi cách định giá nước sử dụng trong nông nghiệp. Một trong những cách đó là trả lệ phí hoặc tính phí theo giá cả thị trường, theo đó giá sử dụng nước được tính theo khối lượng sử dụng, hoặc theo phương thức cung cầu giữa người cung cấp và người có nhu cầu sử dụng nước.
Tại Việt Nam, đã có chính sách hỗ trợ thủy lợi phí giảm bớt gánh nặng cho người dân. Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, cộng với việc quản lý sử dụng nước chưa hợp lý đã dẫn tới tình trạng thiếu nước ở nhiều nơi.
Ông Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam cho rằng phải có cách nhìn nhận và đánh giá đúng về giá trị của nước để sử dụng hiệu quả nguồn nước, nhất là trong thời điểm nông nghiệp đang hướng đến sản xuất hàng hóa lớn.
Tham dự hội nghị, Giáo sư Qentin Grafton, người chuyên nghiên cứu về các chính sách công cộng của Trường ĐH Quốc gia Australia cho rằng, định giá nước theo lượng sử dụng sẽ khuyến khích việc tiết kiệm nước, phân bổ nước một cách hiệu quả. Nếu sử dụng cơ chế thị trường, cần có những cơ chế phù hợp để hỗ trợ cho thị trường hoạt động. Để nước trở hành hàng hóa và quản lý theo quy luật thị trường thì còn nhiều vấn đề phải làm, tuy nhiên, việc chuẩn bị cơ sở để ban hành các chính sách là việc cần phải làm ngay từ bây giờ.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cho rằng tại các vùng đang bị hạn hán nghiêm trọng, việc quản lý các công trình thủy lợi vẫn còn nhiều yếu kém. Vì thế, nếu nguồn nước được quản lý tốt, tác hại của thiên tai sẽ giảm.
“Để thúc đẩy vấn đề này không chỉ là sự hỗ trợ của Nhà nước mà cần huy động sự tham gia của toàn dân, thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân, những người dùng nước tham gia đầu tư, quản lý vận hành các hệ thống thủy lợi. Không những thế, việc định giá nước còn là hành động về chính sách để người dân nâng cao ý thức tiết kiệm nước, tạo động lực chuyển đổi mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất tiết kiệm nước, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững”, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng nhấn mạnh.