ThienNhien.Net – Bộ NN&PTNT vừa phê duyệt quy hoạch trồng cây mắc ca với diện tích hơn 9.000 ha, trong khi đó, kỳ vọng của nhiều doanh nghiệp sẽ có khoảng 20.000 ha cây trồng trên cả nước. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn đã có những lý giải về quy hoạch này.
Thưa Thứ trưởng, vừa qua Bộ NN&PTNT đã phê duyệt đề án trồng mắc ca, theo đó thay vì 200.000 ha như kỳ vọng thì lần này chỉ phê duyệt 9.940 ha. Tại sao Bộ NN&PTNT lại đưa ra con số này?
Ông Hà Công Tuấn: Cây mắc ca là cây dài ngày, loại cây này mới nhập vào Việt Nam và là cây trồng lấy hạt để làm thực phẩm, do vậy phải có xem xét khảo nghiệm kết quả để khẳng định sự phù hợp điều kiện thổ nhưỡng đất đai của những vùng miền với sinh trưởng của cây.
Để quy hoạch được loại cây mới, cần có cơ sở khoa học phát triển của cây và phải xem xét toàn diện quá trình từ thu hoạch, chế biến, bảo quản để bảo đảm chất lượng của thực phẩm cũng như phải nghiên cứu thị trường. Trong quá trình quy hoạch phải tính đến sự phát triển bền vững và tham vấn rất nhiều đơn vị trong nước cũng như tổ chức nhiều hội nghị trong nước và quốc tế, từ đó mới khẳng định được quy mô.
Chúng ta đã có nhiều bài học kinh nghiệm từ quy hoạch những cây khác, vì vậy cần tránh chuyện nay trồng mai chặt, gây thiệt hại cho bà con nông dân.
Như Thứ trưởng đã nói, đây là một cây trồng mới và lại dài ngày nên rủi ro về thị trường rõ ràng sẽ là một trong những thách thức đối với cây mắc ca?
Ông Hà Công Tuấn: Đúng là như vậy, có nhiều dự báo trái chiều. Có dự báo cho rằng thị trường mắc ca sẽ rộng mở và phát triển nhanh chóng, nhưng cũng có lo ngại đối với sự cân bằng giữa nguồn cung với khả năng tiêu thụ của thị trường, do vậy vẫn tiếp tục theo dõi, đánh giá trong thời gian tới.
Cây mắc ca, như tôi đã đề cập, là cây trồng lấy hạt làm thực phẩm, do vậy không chỉ đơn thuần là trồng cây mắc ca để có quả mà phải đi liền với đó là thu hoạch, chế biến, bảo quản để cho hạt mắc ca vẫn bảo đảm được chất lượng.
Hiện nay, chúng ta đã có những bài học rất rõ của thế giới như ở Australia, người ta trồng mắc ca có thể bán được với giá nhân khô 3-4 USD/1kg, nhưng nhiều nước ở châu Phi, họ trồng và chỉ bán được 1-1,5 USD. Với giá đó, nhiều nhà khoa học đánh giá sẽ không có lãi. Cho nên chúng ta phải tổ chức liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp với bà con nông dân để bảo đảm hạt mắc ca được đưa vào chế biến ngay sau khi thu hoạch nhằm bảo đảm chất lượng.
Về cây giống thì sao, thưa ông, khi vừa qua tỉnh Đắk Nông đã đưa ra một khuyến cáo gần như tất cả cây giống tại đây đều không được kiểm định và không bảo đảm chất lượng?
Ông Hà Công Tuấn: Đúng như vậy, thời gian qua, hầu hết giống mắc ca trồng ở khu vực Tây Nguyên, trong đó có Đắk Nông, chưa được khẳng định về chất lượng. Do vậy, trong quy hoạch của chúng tôi, một trong những giải pháp quan trọng đầu tiên là quản lý được nguồn giống để sản xuất ra cây mắc ca, nguồn giống ấy phải được Nhà nước công nhận.
Hiện nay, chúng ta có 10 giống cây đã được công nhận. Chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo việc khảo nghiệm để khẳng định, công nhận, nhưng phải có thời gian.
Người dân trồng mắc ca theo đúng quy hoạch sẽ có được sự hỗ trợ như thế nào từ Nhà nước?
Ông Hà Công Tuấn: Những cây được trồng đúng theo quy hoạch sẽ được hỗ trợ kỹ thuật rất cao. Các cơ quan chuyên môn sẽ có trách nhiệm hướng dẫn quy trình sản xuất. Đặc biệt, những khu vực đã quy hoạch thì cây giống cũng được kiểm soát tốt và có cơ chế hỗ trợ cây trồng cho người nông dân.
Cùng với đó, theo Nghị định 210/2013/NĐ-CP, nhà đầu tư có dự án trồng cây dược liệu, cây mắc ca có quy mô từ 50 ha trở lên được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 15 triệu đồng/ha để xây dựng đồng ruộng, cây giống. Hỗ trợ xây dựng cơ sở sản xuất giống cây mắc ca quy mô 500.000 cây giống/năm trở lên, mức hỗ trợ tối đa là 70% chi phí đầu tư/cơ sở và không quá 2 tỷ đồng.
Nhưng đặc biệt lưu ý, nhà đầu tư phải sử dụng tối thiểu 30% lao động tại địa phương.
Dự án được phê duyệt đúng theo quy hoạch cũng được hưởng vốn vay ưu đãi theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về đầu tư trong nông nghiệp. Như vậy, người dân và doanh nghiệp thực hiện đúng quy hoạch không những được hưởng lợi về tín dụng mà sẽ có những hỗ trợ kỹ thuật bài bản.
Hiện nay, có nhiều địa phương đã trồng mắc ca, đơn cử như Lâm Đồng và một số địa phương khác đã có dự án. Vậy, Bộ có khuyến cáo như thế nào đối với người dân cũng như các địa phương về việc trồng mắc ca?
Ông Hà Công Tuấn: Bộ NN&PTNT đã khuyến cáo sớm, quy hoạch này có thể vừa là lời khuyến cáo, vừa là định hướng chính thức. Chúng tôi xác định rằng từ nay đến năm 2020, chúng ta chỉ trồng khoảng xấp xỉ 10.000 ha, cũng chủ yếu là trồng xen, còn trồng thuần thì từ nay đến năm 2020 cũng khoảng trên 2.300 ha. Chúng tôi cũng đã có khuyến cáo cụ thể đối với từng địa phương trong khu vực Tây Bắc và Tây Nguyên.
Chúng tôi cũng đề nghị với các cơ quan chức năng của địa phương, trên cơ sở định hướng chung của cả nước, có quy hoạch thực sự chi tiết đến từng địa bàn và hướng dẫn bà con nông dân từ khâu trồng, chăm sóc đến thu hái; đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia vào liên kết chuỗi với bà con, bảo đảm thu mua và tiêu thụ sản phẩm.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!