Ứng phó hạn, mặn: Chống hay sống chung?!

ThienNhien.Net – Cùng với những giải pháp tình thế chống hạn, mặn ở ĐBSCL mùa khô năm nay, nhiều nhà khoa học kiến nghị phải có ngay kế hoạch dài hạn để bảo đảm nguồn nước và sinh kế cho người dân ở khu vực này.

Nhiều nhà khoa học cho rằng cần có chiến lược dài hạn bảo đảm an ninh nguồn nước ở ĐBSCL (Ảnh minh họa)
Nhiều nhà khoa học cho rằng cần có chiến lược dài hạn bảo đảm an ninh nguồn nước ở ĐBSCL (Ảnh minh họa)

Nhiều giải pháp căn cơ bảo đảm nguồn nước

Theo PGS.TS Đoàn Văn Cánh, Hội Địa chất thủy văn Việt Nam, với địa hình trũng, là hạ lưu của sông Mê Kông, cùng với hệ thống sông ngòi chằng chịt… ĐBSCL được đánh giá là vùng trữ nước ngọt lớn nhất cả nước. Thế nhưng, trên thực tế, tình trạng suy kiệt nguồn nước trong hệ thống sông, hạ lưu các hồ chứa và nước ngầm ở ĐBSCL đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng.

Để giảm thiểu tình trạng này, PGS Đoàn Văn Cánh đặc biệt lưu ý đến giải pháp sử dụng luân phiên nguồn nước mặt và nguồn nước ngầm. Đây là phương án dựa vào các hồ chứa nước mặt, nơi tập trung nước từ các sông suối để sau đó nước sẽ được chuyển với trữ lượng tối đa vào các kho chứa dưới đất.

Những năm lượng mưa đạt dưới trung bình, lượng nước trữ trong các hồ chứa là nguồn cung cấp chính. Vào mùa hạn hán khi nguồn nước mặt bị hạn chế, nguồn nước ngầm sẽ giữ vai trò quan trọng thông qua các hệ thống giếng khoan công suất lớn.

Đồng tình với đề xuất sử dụng luân phiên nguồn nước ngầm và nước mặt, ông Triệu Đức Huy – Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia cho rằng giải pháp khoan khai thác nước ngầm là giải pháp cấp bách và hiệu quả nhất.

Theo số liệu điều tra cơ bản ở mức sơ bộ, tỉ lệ 1/200.000, nước ngầm khu vực ĐBSCL phân bố trong 8 tầng chứa nước với các độ sâu từ vài chục đến 500 m, người dân mới chỉ khai thác được ở các tầng chứa nước có độ sâu không lớn. Tuy nhiên, do chưa có quy hoạch tài nguyên nước nên việc khai thác phần lớn do nhu cầu tự phát, nhiều khu vực phân bố mật độ giếng quá dày, nên dù tổng trữ lượng nước ngầm khai thác ở ĐBSCL mới đạt 1,9 triệu m3/ngày nhưng tại nhiều khu vực đã bị cạn kiệt cục bộ, gia tăng quá trình ô nhiễm trên bề mặt, gia tăng quá trình nhiễm mặn, sụt lún nền đất.

“Hiện trữ lượng nước ngầm ở ĐBSCL có thể khai thác được ở mức an toàn khoảng trên 4,5 triệu m3/ngày, như vậy trữ lượng còn có thể khai thác khoảng hơn 2 triệu m3/ngày. Kể cả đối với những tỉnh khó khăn như Bến Tre, vẫn có thể khai thác nước ngầm ở tầng chứa nước sâu từ 400-500 m phục vụ nhu cầu ăn uống, sinh hoạt”, ông Triệu Đức Huy nói.

Tuy nhiên, muốn tìm ra các nguồn nước ngầm có giá trị để cung cấp cho nhu cầu chống hạn trước mắt nhưng hiệu quả lâu dài, phải xây dựng hệ thống cấp nước tập trung cho các điểm tập trung dân cư đảm bảo vận hành và quản lý lâu dài, trong đó, đảm bảo nguyên tắc phát triển bền vững, sử dụng mô hình công nghệ phù hợp với trình độ quản lý của người dân, đồng thời phải giải quyết những vấn đề “hậu đầu tư”.

Chuyên gia Nguyễn Văn Sơn, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển khu vực ĐBSCL kiến nghị đã đến lúc phải xây dựng ở ĐBSCL một hệ thống trữ nước, cấp nước chủ động thay vì phụ thuộc vào mạng lưới kênh rạch tự nhiên hiện nay.Cụ thể, ngoài việc tận dụng các kênh rạch đã có, xây dựng các kênh rạch, hồ chứa để trữ nước ngọt, cần xây dựng một hệ thống ống dẫn nước ngọt thô từ các con sông lớn đến các khu vực cận biển. Đây là giải pháp vừa đảm bảo nước cho nông nghiệp, ngăn mặn, vừa là nguồn cung nước ngọt cho các nhà máy lọc nước phục vụ công nghiệp và cư dân.

Từ  góc nhìn toàn cảnh, tại cuộc tọa đàm liên quan đến vấn đề hạn, mặn ở ĐBSCL năm 2016 do Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ) tổ chức vào ngày 1/4 vừa qua, chuyên gia độc lập về nghiên cứu sinh học ĐBSCL Nguyễn Hữu Thiện cho rằng cần xem xét việc duy trì hệ thống đê bao khép kín tại vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên.

Theo phân tích của ông Thiện, từ năm 2000 đến 2011, khả năng trữ lũ của Tứ giác Long Xuyên đã giảm từ 9,2 tỉ mét khối xuống còn khoảng 4,5 tỉ mét khối, do diện tích khoảng 1.100 km² ô đê bao khép kín ở vùng này. Điều đó có nghĩa 4,7 tỉ mét khối nước trong mùa lũ khi không vào được trong đồng, đã gây tăng ngập ở phía hạ lưu. Đồng thời chúng ta không có 4,7 tỉ mét khối này để đẩy mặn trong mùa khô cho vùng ven biển.

Chuyển cơ cấu cây trồng sẽ giúp người dân "sống chung" với hạn, mặn (Ảnh minh họa)
Chuyển cơ cấu cây trồng sẽ giúp người dân “sống chung” với hạn, mặn (Ảnh minh họa)

Không nên chỉ phục vụ cho cây lúa

Cùng với những đề xuất nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước ở ĐBSCL, nhiều nhà khoa học kiến nghị cần chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng sống chung với hạn, mặn. GS. Võ Tòng Xuân cho rằng trong điều kiện hạn hán và nước biển xâm nhập, các tỉnh ĐBSCL không nên cứ chạy theo trồng lúa để xuất khẩu với giá quá rẻ, nông dân không có lời mà Nhà nước phải đầu tư quá nhiều kinh phí tiền bạc.

“Chúng ta cần chuyển đổi những hình thức canh tác phù hợp, bền vững mà lợi tức cao như quy trình lúa – tôm ở những vùng ven biển thường bị mặn xâm nhập. Cách làm này vừa bảo đảm an ninh lương thực, lãi cao, bảo vệ môi trường bền vững, ít tốn kinh phí đầu tư của Nhà nước chống xâm nhập mặn, vừa không phí phạm lượng nước ngọt dành cho dân sinh và cho những cây trồng cao cấp như cây ăn trái, rau cải, hành tỏi…”

Theo GS Võ Tòng Xuân, khu vực ĐBSCL chỉ nên tập trung trồng lúa tại các vùng đất phù sa ven sông hoặc ven kênh lớn bảo đảm có nước ngọt hoàn toàn quanh năm. Tại các vùng nhiễm mặn, nếu nuôi tôm bền vững thì Nhà nước nên đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương thủy lợi kèm theo giúp dân tránh được tình trạng tôm bệnh như hiện nay. Vùng đất giồng cát ven biển thì Nhà nước có thể tổ chức cho nông dân trồng màu (củ hành, tỏi, sắn…) hoặc cây ăn trái (xoài, nhãn, vú sữa, chuối…) liên kết với các doanh nghiệp chế biến bảo quản các sản phẩm này đưa ra thị trường trong nước hoặc xuất khẩu.

Ông Nguyễn Văn Sơn nêu vấn đề: Có cần ngăn mặn để chống lại tự nhiên khi thực tế đã chứng minh, nhiều địa phương ở các vùng ngập mặn của ĐBSCL đã thay đổi cơ cấu sản xuất từ hai vụ lúa sang một vụ lúa, một vụ tôm/cá và thích nghi tốt với biến đổi khí hậu, vừa đảm bảo đời sống của người dân mà lại không tốn quá nhiều chi phí đầu tư ngăn mặn.

Ông Sơn phân tích: Thực tế, ĐBSCL chỉ cần đảm bảo nước ngọt cho 1 triệu ha chuyên canh lúa năng suất cao, chất lượng cao cũng đủ để bà con nông dân sống khỏe. Đây là con đường công nghiệp hóa nông nghiệp. Nếu làm hai vụ, mỗi năm chúng ta có ít nhất 12 triệu tấn, nếu ba vụ 18 triệu tấn, có thừa để xuất khẩu. Năm trăm ngàn ha lúa còn lại, có thể trồng lúa mùa đặc sản và tôm một vụ, giá trị gia tăng cao.Việc đảm bảo nước ngọt cho 1 triệu ha lúa sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều so với việc cứu thêm 500 ngàn ha nhiễm mặn. Với 500 ngàn ha nhiễm mặn, khi đã thay đổi cơ cấu sản xuất, chỉ cần cung cấp nước ngọt để pha loãng và nuôi trồng thủy sản nên nhu cầu về nước ngọt sẽ không quá lớn.

“Vì vậy, cần có một cách nhìn tổng thể trong đó toàn bộ hệ thống của ĐBSCL, vùng ngập lũ, vùng phù sa giữa, vùng ven biển, kể cả sông ngòi, đất đai, hệ thống canh tác, kinh tế, xã hội phải được đối xử như là một tổng thể và đặt trong một tổng thể lớn hơn là lưu vực Mê Kông thì mới có chiến lược hài hòa được và nên tránh việc từng địa phương phát triển riêng mà không quan tâm đến ảnh hưởng đến vùng khác. Tuy nhiên, điều quan trọng là cần phải bình tĩnh, không nên lấy một sự kiện cực đoan làm chuẩn cho chiến lược lâu dài. Một chiến lược lâu dài cần phải dựa vào xu thế diễn biến nhiều năm chứ không nên dựa trên một sự kiện”, ông Nguyễn Hữu Thiện chia sẻ.

Nguồn: