ThienNhien.Net – Vùng phía Bắc Nhật Bản hiện đang trong tình trạng báo động do khu vực quanh nhà máy hạt nhân Fukushima đang ngập tràn lợn rừng đột biến phóng xạ.
Do được tự do sinh sản, số lượng lợn rừng đã tăng không ngừng trong suốt bốn năm qua.
Lũ lợn thường tràn vào các đồng ruộng, phá hoại hoa màu. Theo tờ Times, từ sau thảm họa hạt nhân năm 2011, những thiệt hại nông nghiệp do lợn rừng gây ra ở tỉnh Fukushima đã tăng gấp đôi, ước tính tương đương 15 triệu USD.
Lợn rừng cũng là mối đe dọa tới an ninh công cộng, với nhiều trường hợp lợn tấn công người dân địa phương ngày càng xảy ra thường xuyên hơn.
Vì sự thiếu vắng những động vật thiên địch tự nhiên, chính quyền các địa phương trên khắp Nhật Bản đã tổ chức nhiều cuộc đi săn lớn để tiêu diệt bớt số lợn rừng.
Trong vòng ba năm, số lượng lợn rừng bị săn đã tăng hơn 4 lần, từ 3.000 lên 13.000.
Hãng tin Yomiuri cho biết, chính quyền tỉnh Fukushima đã treo thưởng cho thợ săn để khuyến khích họ đi săn lợn rừng. Nhưng bất chấp các nỗ lực này, hiệu quả vẫn khá hạn chế, vì lợn rừng sinh sản rất nhanh.
Các nhà khoa học thuộc Viện Phóng xạ Môi trường, Đại học Fukushima đang nghiên cứu nguyên nhân gây bùng nổ dân số lợn rừng.
“Lợn rừng và chồn đang thống trị vùng di dân, tràn vào những ngôi nhà bị bỏ hoang trong các khu vực bị thảm họa tàn phá, và dùng những căn nhà này làm nơi sinh sản hay trú ngụ,” trợ lý giáo sư sinh thái học Okuda Keitokunin cho biết.
Ngoài việc số lượng lợn rừng tăng mạnh, thì một vấn đề nữa là các thành phố lân cận đã hết chỗ chôn những con lợn bị giết.
Tại thành phố Nihonmatsu, cách nhà máy Fukushima khoảng 56km, ba ngôi mộ lớn, mỗi mộ đủ chôn 600 con lợn rừng hiện đã gần chật chỗ, và thành phố cũng không còn đất dư để làm mộ.
Thợ săn địa phương thậm chí đã phải mang lợn về chôn tại đất của riêng họ.
Chính quyền cũng đã tính đến phương án đem thiêu xác lợn tại nhà hỏa thiêu, nhưng việc phải xẻ những con vật năng hơn 100kg ra thành nhiều phần để đưa vào lò thiêu cũng là một công việc vất vả và không mấy người có kỹ năng làm được.
Mặc dù thịt lợn rừng được coi là đặc sản ở miền bắc Nhật Bản, thịt của lợn rừng vùng Fukushima lại không thể được tiêu thụ bởi chứa nhiều chất phóng xạ, do chúng ăn rễ cây, hạt, trái cây và những động vật nhỏ ở thảm rừng, nơi có nồng độ phóng xạ cao nhất do mưa rửa trôi xuống.
Chất phóng xạ caesium-137 đã được tìm thấy trong cơ thể lợn rừng với nồng độ cao hơn gấp 300 lần ngưỡng an toàn.
Hiện vẫn chưa có bằng chứng cho thấy sức khỏe của bầy lợn rừng bị ảnh hưởng do phơi nhiễm phóng xạ, nhưng nhiều nghiên cứu đã tìm ra ảnh hưởng của phóng xạ với những động vật nhỏ như chuột hay giun cũng như các loài thực vật.
Thảm họa nhà máy hạt nhân Fukushima số 1 do sóng thần đã khiến ba lò phản ứng hạt nhân bị tan chảy và giải phóng các chất phóng xạ ra môi trường.
Đây là thảm họa hạt nhân khủng khiếp nhất kể từ thảm họa Chernobyl năm 1986, và là thảm họa thứ hai thuộc mức phân loại cao nhất trong thang sự kiện hạt nhân quốc tế.