ThienNhien.Net – Gia đình một đầu nậu “khét tiếng” trong lĩnh vực bào chế “cao hổ cốt” vừa chính thức được Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An cấp phép gây nuôi hổ với mục đích giáo dục bảo tồn?!
Vườn động vật sinh thái Hòn Nhạn của gia đình Phạm Văn Tuấn tại Nghệ An vừa được cấp phép gây nuôi hổ dù đối tượng này từng có hai tiền án liên quan đến hành vi giết hại, buôn bán hổ cùng nhiều loài động vật hoang dã nguy cấp khác và hiện vẫn chưa được xóa án tích.
Vườn thuộc quyền quản lý của Công ty TNHH Bách Ngọc Lâm – do bà Nguyễn Thị Liên, vợ Phạm Văn Tuấn là đại diện. Cuối tháng 1/2016, Công ty này được Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An cấp phép gây nuôi hổ để phục vụ hoạt động du lịch sinh thái. Ngay khi được cấp phép, cơ sở đã tiếp nhận 15 cá thể hổ từ Công ty TNHH Sinh thái Mường Thanh, Nghệ An và nhiều khả năng sẽ được nhập thêm 9 cá thể hổ khác với mục đích nuôi dưỡng và nhân giống trưng bày. Ngày 5/4/2016, Cơ quan quản lý CITES Việt Nam đã đến kiểm tra tại cơ sở và nếu đủ điều kiện nuôi nhốt, Vườn sẽ chính thức được nhập 9 cá thể hổ khác.
Sự việc sẽ không khiến nhiều người nghi ngại nếu chủ cơ sở không phải là vợ của “ông trùm” tàng trữ, buôn bán động vật hoang dã trái phép. Tháng 6/2006, Phạm Văn Tuấn từng bị kết án 9 tháng tù (cho hưởng án treo) và bị phạt 5 triệu đồng” về hành vi “trộm cắp tài sản” và “vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm”. Trong vụ án này, Tuấn là đối tượng thu mua và bào chế cao hổ từ cá thể hổ Đông Dương bị bắt và giết hại tại một trại rắn ở Tiền Giang. Tháng 11/2010, Tuấn tiếp tục bị tuyên án 30 tháng tù (cho hưởng án treo, thời gian thử thách 5 năm, hiện chưa được xóa án tích) và bị phạt 10 triệu đồng về hành vi thu mua, tàng trữ rất nhiều tang vật động vật hoang dã quý, hiếm, trong đó có 01 bộ xương hổ và 01 cá thể hổ đông lạnh; 02 con báo hoa mai; 01 bộ da báo gấm… Điều đáng nói là trước khi bị pháp luật “sờ gáy”, Tuấn đã được xem là “nhà bào chế” cao hổ cốt và đầu nậu lành nghề về buôn bán động vật hoang dã. Đặc biệt, theo thông tin từ Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), hiện Tuấn còn là nghi can cầm đầu đường dây chuyên buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã (bao gồm hổ, tê tê, ngà voi và sừng tê giác) xuyên biên giới Việt Nam – Lào – Thái Lan.
Chia sẻ quan điểm về vụ việc, bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc ENV nhấn mạnh: “Việc các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An cấp phép cho vợ chồng Phạm Văn Tuấn gây nuôi hổ đồng nghĩa với việc các cơ quan này đã chính thức thỏa hiệp và tạo điều kiện cho đối tượng có cơ hội lợi dụng danh nghĩa cơ sở được cấp phép để tiếp tục thực hiện các hành vi vi phạm về bảo vệ động vật hoang dã trong tương lai”. Điều này hoàn toàn có cơ sở bởi qua nhiều năm điều tra, “ENV khẳng định hầu hết các trại nuôi hổ đều không hoạt động vì mục đích giáo dục và bảo tồn mà thực chất là hợp pháp hóa các hoạt động buôn bán hổ bất hợp pháp”. Do đó, ENV đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An thu hồi giấy phép đã cấp cho vợ chồng Phạm Văn Tuấn, đồng thời tổ chức điều tra làm rõ những sai phạm của đối tượng này.
Theo Liên minh Bảo tồn hổ quốc tế (ITC), trên thế giới chỉ còn khoảng 3.500 cá thể hổ hoang dã và tại Việt Nam cũng chỉ còn khoảng 30 cá thể hổ trong tự nhiên. Trong khi đó, hoạt động buôn bán hổ trái phép tại Việt Nam đang phát triển ngày càng mạnh mẽ dưới các loại hình kinh doanh hợp pháp. Theo điều tra của ENV, số lượng hổ bị nuôi nhốt trong các vườn thú và trang trại tư nhân trong những năm gần đây đã tăng vọt từ 81 cá thể năm 2010 lên tới 179 cá thể trong năm 2015. |