ThienNhien.Net – Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ, ông Kimmo Lahdevirta, Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam cho biết, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến và không dựa vào thiên nhiên là phương châm của Phần Lan trong việc sử dụng và cung cấp nước.
Kinh nghiệm chống hạn: Israel và kinh nghiệm biến sa mạc thành cánh đồng màu mỡ
Quản lý hiệu quả việc cung cấp và sử dụng nguồn nước ở Phần Lan là nền tảng cho những thành công vượt trội mà ngành công nghiệp nước của quốc gia này đạt được. Không phức tạp rườm rà, không dựa trên những ưu đãi của thiên nhiên, tối ưu hoá công nghệ và quản lý một cách logic, các chuyên gia Phần Lan đã tạo ra một “bản sắc” trong lĩnh vực này.
Theo Đại sứ Lahdevirta, ở Phần Lan, các chu trình sử dụng và quản lý nguồn nước không phải lúc nào cũng đòi hỏi công nghệ tiên tiến và những khoản đầu tư lớn. Thông thường, người ta áp dụng các giải pháp khác nhau đối với đặc điểm và điều kiện của từng địa phương. Ngài Đại sứ cho rằng quan trọng là phải tăng cường năng lực quản lý của chính quyền địa phương và các bên liên quan khác.
Tuy nhiên, Phần Lan luôn nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển khoa học kỹ thuật. Theo ông Lahdevirta, tại các nước công nghiệp và các nước đang phát triển, hiện đang có xu hướng là chuyển từ các giải pháp công nghệ mang tính nhỏ lẻ, hộ gia đình sang các giải pháp mang tính hệ thống, rộng hơn.
“Quan trọng hơn, chúng tôi tập trung vào việc phát triển những giải pháp linh hoạt nhằm đáp ứng các nhu cầu về nước trong tương lai cũng như đáp ứng những thay đổi về điều kiện tự nhiên một cách thích hợp nhất”, ông Lahdevirta cho biết.
Sử dụng nước hiệu quả không chỉ giúp tiết kiệm nguồn nước mà còn tiết kiệm năng lượng và các tài nguyên khác. Mặc dù Phần Lan nằm trong nhóm các nước có mật độ dân số thưa thớt nhất thế giới và điều kiện khí hậu khắc nghiệt với mùa đông lạnh và dài, nhưng việc đưa nước sạch tới từng hộ dân luôn được bảo đảm với chi phí thấp nhất.
Ở Phần Lan, nguồn nước vô cùng dồi dào, nhưng mọi người dân đều phải trả phí để sử dụng nước sạch. Hoá đơn tiền nước hàng tháng bao gồm chi phí cho việc cung cấp nước cũng như xử lý nước thải sinh hoạt sau khi sử dụng. Để tính toán chính xác, Phần Lan đã nghiên cứu và phát triển công nghệ quản lý nguồn nước để theo dõi kỹ lưỡng nước sinh hoạt. Đó cũng chính là chìa khoá mang lại sự tối ưu cho nhà nước trong quản lý cũng như nâng cao ý thức của người dân trong việc sử dụng nước sạch.
“Chúng tôi còn ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào từng hộ gia đình, như công nghệ vòi nước và toilet tiết kiệm nước”, ông Lahdevirta cho biết.
Cũng theo ngài Đại sứ, tại Phần Lan, khu vực các tỉnh ven biển từ miền Nam đến miền Tây liên tục chịu hạn hán. Khi đó, chính quyền địa phương và các cơ quan cấp nước sẽ thông báo cho người dân về tình hình và đưa ra khuyến nghị để tiết kiệm nước, kể cả việc hạn chế rửa xe ô tô.
Nhắc đến sự hợp tác giữa Phần Lan và Việt Nam trong việc phát triển ngành nước và vệ sinh môi trường, ông Lahdevirta cho biết, chương trình hợp tác phát triển hiện tại của hai nước tập trung tại các thành phố nhỏ ở miền núi phía Bắc và đồng bằng sông Hồng. Ngoài ra, Phần Lan cũng có một số dự án tín dụng ưu đãi trong lĩnh vực nước và vệ sinh môi trường.
Gần đây, Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng Việt Nam và Diễn đàn Nước Phần Lan đã ký một biên bản ghi nhớ nhằm giúp Việt Nam quản lý tốt hơn việc cung cấp nước và vệ sinh môi trường.
Về vấn đề biến đổi khí hậu, hai nước cũng đã có sự hợp tác rất hiệu quả giữa Cơ quan Khảo sát địa chất Phần Lan và Trung tâm Dự báo và Cảnh báo tài nguyên nước của Việt Nam cũng như giữa Viện Khí tượng Phần Lan và Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia của Việt Nam.
Sự hợp tác này gần đây đã được nâng lên một tầm cao mới với việc triển khai dự án “nâng cấp khả năng đo mưa, dự báo bão và giông sét” giữa Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia và Công ty VAISALA (Phần Lan). VAISALA là một trong những công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực khí tượng. Công ty này cùng với Viện Khí tượng Phần Lan sẽ giúp đỡ Việt Nam phát triển cơ sở hạ tầng về khí tượng trên toàn quốc, góp phần cải thiện công nghệ dự báo, cũng như đáp ứng tốt hơn năng lực quản lý rủi ro thiên tai ở Việt Nam.
Bài 3: Nhìn sang nước có hệ thống đê biển kỳ vĩ nhất thế giới