ThienNhien.Net – UBND TP Đà Nẵng phê duyệt quy hoạch dự án Khu Di tích đồi Trung Sơn (thôn Trung Sơn, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) vừa hơn chục ngày thì cũng từng đó thời gian, người dân lén lút đốt, chặt phá cây rừng, làm mộ gió để chờ đền bù giải tỏa.
Ngày 5-4, từ khu vực nhà bia tưởng niệm Khu Di tích đồi Trung Sơn, đi vào rừng chừng 100 m, chúng tôi bắt gặp khoảng 30 mộ gió, được người dân đắp bằng đất có đường kính khoảng 0,5 m lập san sát nhau, nằm trên khoảng đất trống 30-40 m2 và xung quanh là nhiều gốc cây bị đốt cháy đen. Anh Phan Quang Trung (người dân thôn Trung Sơn) cho biết những mộ này chỉ mới được lập trong vòng 10 ngày nay, tất cả đều là mộ giả bởi chúng được lập nhiều và sát nhau một cách bất thường, thậm chí không có bia mộ.
Tuy nhiên, việc khiến anh Trung bức xúc nhất là có người tự ý đốt rừng một cách vô ý thức sẽ rất dễ gây cháy khi thời tiết đang vào mùa khô; đồng thời trong rừng chủ yếu là các loài cây dẻ, sơn, trâm có nhiều chất dầu nên rất dễ bắt lửa.
Ông Nguyễn Thu, Chủ tịch UBND xã Hòa Liên, cho biết chính quyền địa phương đã nắm bắt được thông tin và tiến hành kiểm tra. Tuy nhiên, do diện tích của khu rừng khá lớn (12 ha) nên chính quyền chưa nắm rõ hết có bao nhiêu mộ gió được lập. Sự việc xảy ra khá nghiêm trọng bởi hành động đốt rừng rất dễ xảy ra nguy cơ cháy rừng, nhất là khi gần bìa rừng có đến 80 hộ dân đang sinh sống. “Hiện nay, chúng tôi vẫn chưa nắm bắt được đối tượng nào lập mộ gió cũng như phá rừng nhưng sẽ xử lý nghiêm nếu điều tra ra” – ông Thu nhấn mạnh.
Theo ông Thu, việc người dân phá rừng lập mộ gió là nhằm mục đích chờ đền bù khi dự án chính thức triển khai.
Ngoài chuyện phá rừng, lập mộ gió, giờ người dân thôn Trung Sơn lo lắng không kém là việc UBND TP Đà Nẵng cho phép Công ty TNHH Đầu tư NLPT bỏ tiền quy hoạch Khu Di tích đồi Trung Sơn. “Rồi đây, họ sẽ tận thu cát trắng, phá đi một diện tích rất lớn, đồng thời số phận của bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, các di tích quanh rừng Trung Sơn gồm lăng Âm linh cùng gần 200 mộ chiến sĩ vô danh, đình làng Trung Sơn hơn 300 năm tuổi, 2 giếng cổ hơn 100 năm tuổi không biết ra sao?” – ông Dương Phú Vọng (66 tuổi, ngụ thôn Trung Sơn) lo lắng.
Giải đáp thắc mắc của người dân, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh: “Việc quy hoạch lại Khu Di tích đồi Trung Sơn là nhằm mục đích tôn tạo cho khu di tích được khang trang hơn, không bị xuống cấp. Đặc biệt, tuyệt đối phải bảo vệ rừng”. Ông Thơ cho biết trong quyết định phê duyệt tổng mặt bằng quy hoạch cũng nêu rõ chủ đầu tư có trách nhiệm phối hợp với đơn vị tư vấn lập hồ sơ quy hoạch hạ tầng kỹ thuật trên nguyên tắc giữ nguyên cao trình của di tích.
Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo của Công ty TNHH Đầu tư NLPT cho rằng việc khai thác cát trắng là để phần nào hỗ trợ lại kinh phí 50 tỉ đồng mà nhà đầu tư bỏ ra thực hiện dự án; đồng thời không để lãng phí nguồn tài nguyên khoáng sản hiện có tại vị trí đầu tư dự án và mang lại nguồn thu cho ngân sách thành phố thông qua việc đóng thuế khai thác tài nguyên. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã đồng ý về việc tận thu khối lượng cát trắng tại khu vực này.
“Chúng tôi sẽ tuyệt đối bảo vệ di tích, bảo vệ rừng tại khu Trung Sơn” – một lãnh đạo Công ty TNHH Đầu tư NLPT cam kết.