ThienNhien.Net – Những ngày gần đây, trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ cùng nhiều địa phương thuộc tỉnh Điện Biên đã xuất hiện hàng nghìn con chim di trú.
Qua thông tin từ kiểm lâm địa phương đây là giống Cò Nhạn (còn có tên là Cò Ốc), có tên trong Sách Đỏ Việt Nam, thuộc bậc R- loại cực kỳ quý hiếm.
Ông Chử Bá Huy, Phó Trưởng Phòng Quản lý – Bảo vệ rừng (Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên), cho biết: Nhận được thông tin, đơn vị đã cử cán bộ khảo sát các địa bàn có đàn chim di trú này cùng các địa bàn chúng kiếm ăn.
Hiện nay, địa bàn có nhiều Cò Nhạn bay về kiếm ăn nhất là khu vực các cánh đồng, sông suối từ huyện Mường Chà về thành phố Điện Biên Phủ; khu vực cánh đồng Mường Thanh (huyện Điện Biên), các hồ thủy lợi lớn như Pá Khoang…; hoặc các khu rừng trong khu vực Mường Tong, Mường Nhé.
Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 4-5 đàn Cò Nhạn lớn với số lượng lên tới hàng ngàn con. Chi cục Kiểm lâm tỉnh đang tiến hành điều tra, khảo sát, sau đó sẽ tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành Chỉ thị để bảo vệ loài động vật quý hiếm này.
Trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ, trong sáng 6/4, nhiều người có mặt tại địa bàn đã chứng kiến đàn Cò Nhạn lên tới gần 1.000 con, bay lượn trên bầu trời thành phố trước khi đi kiếm ăn.
Bà Lò Thị Thi, Hạt phó Hạt Kiểm lâm thành phố, cho biết hiện nay, đàn chim này đã về di trú tại một số đồi thông trên địa bàn thành phố như đồi C1, C2; đồi thông tổ 18, 20 phường Tân Thanh; tổ 14 phường Mường Thanh; nhiều nhất là tại các rừng cây thuộc địa bàn xã Tà Lènh (thành phố Điện Biên Phủ), xã Pú Nhi của huyện Điện Biên Đông (tiếp giáp với thành phố).
Buổi tối, chúng bay về trú ngụ, ban ngày bay đi kiếm ăn tại cách cánh đồng, hồ nước, sông suối trên khu vực quanh địa bàn thành phố. Sau khi phát hiện đàn chim di trú, đơn vị đã tổ chức họp phố bản, tuyên truyền lồng ghép nội dung phòng chống cháy rừng trong mùa khô với công tác phối hợp, bảo vệ đàn chim quý hiếm này.
Do có sự tuyên truyền kịp thời của cơ quan chức năng, cộng thêm tâm lý “đất lành- chim đậu” nên ý thức bảo vệ của nhân dân trong khu vực khá tốt.
Năm 2015, nhiều khu vực, nhất là các tổ dân phố thuộc phường Mường Thanh, Tân Thanh, Him Lam…, các hộ dân sinh sống trên địa bàn khi phát hiện người lạ đến săn bắn đã kiên quyết ngăn cản, đồng thời báo tin cho lực lượng chức năng đến giải quyết.
Những ngày vừa qua, trên địa bàn chưa phát hiện trường hợp nào săn bắn trái phép loài chim này. Tuy nhiên, do đặc điểm Cò Nhạn khá dạn người, lại có bàn chân to, dẫm đạp lên lúa trong quá trình kiếm ăn nên thường bị xua đuổi, dễ bị săn bắn, gây khó khăn cho công tác bảo vệ.