ThienNhien.Net – Theo thông cáo mới nhất, Ủy hội sông Mê Kông (MRC) cho biết sẽ đánh giá kết quả nghiên cứu Châu Thổ Mê Kông (Mekong Study) về tác động của phát triển thủy điện đối với Đồng bằng Sông Cửu Long do Việt Nam thực hiện. Đồng thời, MRC cũng sẽ xem xét liên kết nghiên cứu này với nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững sông Mê Kông mà MRC đang thực hiện.
MRC khẳng định đã nhận được Báo cáo nghiên cứu về Tác động của Thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông, hay còn gọi là Nghiên cứu Châu thổ, từ Bộ Tài nguyên Môi trường của Việt Nam. Báo cáo 94 trang, cùng 800 trang đánh giá tác động, là kết quả của 30 tháng nghiên cứu tác động 11 dự án thủy điện được lên kế hoạch xây dựng trên dòng chính Hạ lưu sông Mê Kông tới các hệ thống tự nhiên, xã hội và kinh tế tại Hạ lưu con sông, đặc biệt là Đồng bằng Sông Cửu Long.
Nghiên cứu Châu Thổ do Tập đoàn DHI của Đan Mạch chủ trì, phối hợp với các nhà khoa học Việt nam thực hiện, cùng với sự tham gia của nhà khoa học Campuchia, Lào và sự hỗ trợ thông tin của cơ quan chính phủ các quốc gia thuộc MRC.
Theo Báo cáo Nghiên cứu Châu thổ, nếu không có các biện pháp giảm thiểu, các dự án thủy điện được lên kế hoạch trên dòng chính sẽ gây ra “những tác động từ nghiêm trọng tới cực kì nghiêm trọng đối với một số lĩnh vực trọng yếu và nguồn tài nguyên môi trường tại Campuchia và Việt Nam”.
Trong bức thư gửi đến ông Phạm Tuấn Phan, Giám đốc Điều hành Ban Thư ký MRC, ông Nguyễn Minh Quang, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường kiêm Chủ tịch Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam, đã đánh giá cao sự hỗ trợ và hợp tác chặt chẽ của Ủy ban sông Mê Kông các quốc gia láng giềng và tin rằng kết quả nghiên cứu này sẽ rất hữu ích, hỗ trợ tốt cho việc hoàn thành Nghiên cứu Quản lý và phát triển bền vững sông Mê Kông (Council Study) mà MRC đang triển khai.
Quản lý và Phát triển bền vững sông Mê Kông là một nghiên cứu quan trọng, sẽ bao quát cả các tác động từ dự án thủy điện dòng chính, được MRC ủy quyền thực hiện cuối năm 2011. Nghiên cứu này hướng đến việc đánh giá tác động của các hoạt động sử dụng nguồn nước khác nhau tới lưu vực, áp dụng các kịch bản phát triển trong nhiều lĩnh vực bao gồm thủy điện, thủy lợi, nông nghiệp, phòng chống bão lũ và giao thông thủy. Cùng với Nghiên cứu Châu thổ của Việt Nam, nghiên cứu của MRC được kỳ vọng sẽ cung cấp một nền tảng dữ kiện khoa học mang tính bằng chứng về những lợi ích tiềm năng cũng như rủi ro tiềm tàng từ các hoạt động phát triển trên Hạ lưu Mê Kông.
Theo ông Phạm Tuấn Phan, hai nghiên cứu trên chắc chắn sẽ bổ sung lẫn nhau, giúp MRC đánh giá những ảnh hưởng của phát triển trong khu vực.
Nghiên cứu của MRC dự kiến được hoàn thành vào năm 2017.