ThienNhien.Net – Cuộc sống của hàng chục vạn hộ dân vùng hạ lưu sông Ba bị đảo lộn từ khi Nhà máy Thủy điện An Khê – Kanak chặn sông này tích nước vào tháng 9-2011
Ngày 5-4, đại diện Công ty Thủy điện An Khê – Kanak cho biết đang tổng hợp số liệu để trình Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) báo cáo Chính phủ về việc xây dựng, vận hành hồ chứa nước của thủy điện này.
Dân sinh bị đảo lộn
Trước đó, ngày 3-4, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công Thương và EVN báo cáo việc xây dựng và vận hành hồ chứa Thủy điện An Khê – Kanak.
Chỉ đạo của Phó Thủ tướng ban hành sau chuyến khảo sát tình hình hạn hán ở Gia Lai và ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Huỳnh Thành đề cập việc xây dựng, vận hành hồ chứa nước của Thủy điện An Khê – Kanak là bất cập, gây thiếu nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân vùng hạ lưu sông Ba. ĐB Huỳnh Thành nhấn mạnh đây là công trình sai lầm thế kỷ.
“Việc xây dựng Thủy điện An Khê – Kanak đã chuyển hướng một dòng sông lớn đang nuôi sống hàng triệu dân như vậy trên thế giới không bao giờ có. Từ sai lầm này đã dẫn đến phải chạy theo giải quyết hậu quả” – ông Thành lo ngại.
Dọc sông Ba, từ thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai đến TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, ở đâu cũng nghe người dân than phiền nhà máy thủy điện chặn lấy nước sông Ba để chạy máy rồi trả về sông Côn (tỉnh Bình Định). Theo thiết kế, Thủy điện An Khê – Kanak có 2 bậc. Bậc 1 lấy nước từ sông Ba về hồ chứa Kanak dung tích hơn 285 triệu m3 (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) để vận hành máy ở Nhà máy Kanak.
Bậc 2, nguồn nước sau chạy máy được đổ vào hồ chứa An Khê 5,6 triệu m3 (thị xã An Khê). Nguồn nước này được đưa vào đường ống bắc qua đèo An Khê để sử dụng chạy máy cho Thủy điện An Khê (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Nguồn nước cuối cùng sau khi chạy máy được dẫn ra suối Cát để đổ về sông Côn.
Không trả nước về sông Ba nên đời sống người dân ở 6 huyện, thị xã của tỉnh Gia Lai và 5 huyện, thành phố thuộc tỉnh Phú Yên với khoảng 1 triệu người bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Gia đình ông Trần Bằng (61 tuổi, tổ 2, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) đã nhiều đời sống bằng nghề đánh cá trên sông Ba. Trước đây, đánh cá trên sông Ba “hái ra tiền” nhưng từ khi dòng sông bị chặn dòng, cùng với nước thải của các nhà máy làm sông bị ô nhiễm nặng khiến cá chết hàng loạt thì nghề này gặp khó.
“Bây giờ đánh bắt cả ngày, giỏi lắm cũng chỉ kiếm được 100.000 đồng nên gia đình tôi phải chật vật, xoay xở. Xóm cá ở đây với hơn 30 ngư dân nhưng nay 2/3 phải đi làm thuê kiếm sống” – ông Bằng nói.
Bà Nguyễn Thị Tâm (phường Tây Sơn, thị xã An Khê) cho biết từ khi sông Ba bị chặn dòng, bà không dám xuống sông tắm, giặt như trước do nguồn nước bị ô nhiễm. “Nhiều hôm mùi hôi thối từ dòng sông bốc lên nồng nặc, không thở nổi” – bà Tâm bức xúc.
Trong khi đó, tại huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai, nhiều cánh đồng lúa đang nứt nẻ vì không còn nước sông Ba để lấy vào ruộng.
Chặn dòng mùa khô, xả lũ mùa mưa!
Theo nhiều người ở thị xã An Khê, trước năm 2014, Nhà máy Thủy điện An Khê – Kanak chặn dòng toàn bộ, mùa khô không trả về sông Ba một giọt nước. Trước bức xúc của người dân, năm 2014, Thủ tướng Chính phủ buộc thủy điện này phải trả nước cho sông Ba không dưới 4 m3/giây.
Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Tâm (tổ 2, phường An Phước, thị xã An Khê), nhà máy thủy điện thích thì xả nước, không thích thì thôi. “Họ chỉ xả nước đều đặn mới mấy ngày qua” – bà Tâm phản ứng.
Bà Đặng Thị Yến, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã An Khê, cho biết trong tháng 3-2016, phòng đã phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm tra mới phát hiện lưu lượng nước trả về sông Ba không như chỉ đạo. Vì vậy, Phòng Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản yêu cầu nhà máy thủy điện chấn chỉnh.
Theo ông Phạm Duy Du, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Gia Lai, tỉnh đã có nhiều văn bản đề nghị thủy điện trả nước về sông Ba theo quy trình.
Nguồn nước trả về sông Ba nhỏ giọt, lúc có lúc không đã ảnh hưởng đến đập Đồng Cam, nguồn nước cho hàng chục vạn dân sống dựa vào hơn 15.000 ha lúa 2 vụ trên cánh đồng Tuy Hòa – vựa lúa của miền Trung. Ông Trần Tiến Anh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam, thừa nhận công ty cố gắng lắm mới cung cấp đủ nước cho cánh đồng Tuy Hòa trong vụ đông – xuân nhưng sẽ khó bảo đảm trong vụ hè thu khi mà nguồn nước về đập nhiều ngày ở mức dưới tràn.
Còn theo ông Nguyễn Tấn Thuần, Phó Giám đốc Công ty CP Cấp thoát nước Phú Yên, việc chặn nước thượng nguồn sông Ba để trả về sông Kôn của Thủy điện An Khê – Kanak đang gây thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nước sinh hoạt ở các huyện Sơn Hòa, Phú Hòa và TP Tuy Hòa.
Các giếng bơm của công ty này chủ yếu nhờ vào nguồn nước sông Ba nhưng do bị thủy điện chặn dòng nên các giếng luôn thiếu hụt nước vào mùa khô. “Nước sông Ba về không đủ thì nước mặn dâng cao. Công ty không thể cấp nước nhiễm mặn cho dân được” – ông Thuần nhấn mạnh.
Ngược lại, vào mùa mưa, Thủy điện An Khê – Kanak lại xả lũ xuống sông Ba khiến người dân hạ lưu lãnh đủ. Việc xả lũ này làm mực nước sông dâng đột ngột, gây sạt lở nhiều nơi. Khu phố Đông Hòa, thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên là một trong những nơi bị sạt lở nặng nhất. Ông Nguyễn Văn Tuấn, một người dân ở đây, cho rằng đến mùa mưa lại phải lo nơm nớp nhà cửa, vườn tược bị trôi xuống sông.
“Thủy điện An Khê – Kanak xả lũ xuống sông Ba vô chừng. Mùa mưa, nước tràn xuống hồ thủy điện sông Ba Hạ buộc họ phải xả lũ. Thế là chúng tôi lãnh đủ” – ông Tuấn ngán ngẩm.
Tại cuộc họp nghe báo cáo kết quả bước đầu việc nghiên cứu giải pháp ổn định các cửa sông ở Phú Yên vào ngày 1-4, ông Lê Văn Trúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, than phiền do phải vất vả đối phó với cửa sông Đà Diễn (cửa sông Ba chảy ra biển) bị bồi lấp trầm trọng, sông Ba bị sạt lở nhiều. Tại cuộc họp này, PGS-TS Nguyễn Ngọc Anh (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐHQG Hà Nội) nhìn nhận tình trạng bồi lấp ở cửa sông Ba đang diễn ra mạnh mẽ với trung bình mỗi năm 1 triệu m3 đất cát.
“Bác ấy nói không chuẩn”
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về phát biểu của ĐB Huỳnh Thành, ông Đỗ Đức Hoài, Phó Giám đốc Công ty Thủy điện An Khê – Kanak, cho rằng: “Ý kiến này sai lệch quá nhiều so với thực tế. Chỉ nghe người ta nói rồi nói lại. Thực tế, năm nay chúng tôi cấp nước về hạ du bằng 157% so với lưu lượng về hồ. Nếu không có nhà máy của chúng tôi thì năm nay hạn hán sẽ xảy ra ở lưu vực sông Ba”.
Ông Hoài còn khẳng định lưu lượng nước về hồ hiện chỉ 2-3 m3/giây nhưng nhà máy xả về hạ lưu 6-8 m3/giây. Lượng nước xả nhiều hơn lượng về hồ, theo ông là nhờ nhà máy đã trữ nước trong mùa mưa.
Trong khi đó, lượng mưa ở khu vực Bắc Tây Nguyên (lưu vực sông Ba để lấy nước cho thủy điện An Khê – Kanak) trong mùa mưa vừa qua được cho là rất thấp. Nhiều thủy điện bị thiếu hụt nước.
Ông Hoài còn cho biết việc xả nước chủ yếu cho hạ du sông Ba, chỉ chạy máy và cấp nước về sông Côn khi Bình Định có yêu cầu.
Trong khi đó, ngày 5-4, phóng viên Báo Người Lao Động có mặt tại hồ chứa nước thủy điện ở thị xã An Khê. Tại thân đập có 4 cửa được thiết kế xả nước về sông Ba nhưng chỉ có một cửa mở rất nhỏ cho nước chảy qua. Từ cửa xả nước đến khu vực cầu An Khê, nước chỉ chảy thành dòng nhỏ, yếu ớt không đủ đẩy đám lục bình trôi đi. Lòng sông có nhiều bãi đá nhô khỏi mặt nước, cỏ mọc um tùm như lâu ngày chưa có dòng nước mạnh chảy qua.
Về việc xả lũ xuống sông Ba, ông Hoài thừa nhận: “Vì sông Ba là dòng chính nên phải xả lũ xuống đây thôi, chứ làm sao xả lũ qua núi được”. Về nhận định “công trình sai lầm thế kỷ”, ông Hoài phản ứng: “Bác ấy nói thế là không chuẩn. Trên thế giới có rất nhiều thủy điện chặn sông. Có chặn được sông chính mới làm được thủy điện chứ. Sông Đà kia, người ta chặn suối à?”.
Tuy nhiên, vì sao Thủy điện An Khê – Kanak lấy nước sông Ba nhưng lại xả qua sông Côn, ông Hoài biện minh: “Đó là góc độ kỹ thuật. Nhà máy đặt ở Tây Sơn Bình Định thì cao áp là 375 m nhưng nếu đặt ở sông Ba thì chỉ có 16 m, không có năng lượng để phát điện. Chỉ vì an ninh năng lượng, chứ chúng tôi chẳng muốn làm như vậy vì chi phí nhiều quá”!
Địa phương phản đối từ đầu
Ông Phạm Đình Cự, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết khi lấy ý kiến xây dựng Nhà máy Thủy điện An Khê – Kanak, lãnh đạo tỉnh đã phản đối quyết liệt do đã nhận ra hậu quả khi thủy điện chặn dòng. “Lúc đó, mình không cãi lại các nhà chuyên môn trong lĩnh vực này. Hơn nữa, sau đó trung ương thông qua nên địa phương phải tuân theo” – ông Cự nói. Một lãnh đạo tỉnh Gia Lai cho biết khi xây dựng Nhà máy Thủy điện An Khê – Kanak, tỉnh cũng không đồng ý. Tuy nhiên các bộ, ngành thông qua nên tỉnh phải chấp hành. |