ThienNhien.Net – Có đến 4 trong 7 nhà máy sản xuất nguyên liệu sinh học (ethanol) nhập khẩu sử dụng công nghệ Trung Quốc, 3 nhà máy còn lại sử dụng công nghệ của Trung Quốc và một số nước như Mỹ, Đan Mạch, Ấn Độ…
Công nghệ, máy móc Trung Quốc
Nhà máy Bio-Ethanol Dung Quất thuộc CTCP Nhiên liệu sinh học Dầu khí miền Trung (BRS-BF) với tổng mức đầu tư lên đến 2.219 tỷ đồng đã phải tạm ngừng hoạt động.
Mặc dù lãnh đạo BRS-BF cho biết, sắp tới công ty sẽ tiến hành họp Đại hội cổ đông thường niên chính thức lên tiếng về các vấn đề tồn tại cùng phương án giải quyết khó khăn, vướng mắc cho nhà máy nhưng trên thực tế, nhà máy Bio-Ethanol Dung Quất đã sống “thoi thóp” trong một thời gian dài kể từ tháng 4/2015.
Ngoài nhà máy Bio-Ethanol Dung Quất, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) cũng là thành viên nắm cổ phần chính tại Công ty TNHH Nhiên liệu sinh học Phương Đông (OBF) đơn vị quản lý và vận hành nhà máy sản xuất ethanol tại Bù Đăng (Bình Phước); CTCP Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí (PVB) quản lý và vận hành nhà máy sản xuất ethanol sinh học tại Tam Nông (Phú Thọ).
Ngoài 3 nhà máy kể trên, cả nước còn 4 dự án là Nhà máy sản xuất ethanol Đại Tân – CTCP Đồng Xanh, Nhà máy sản xuất ethanol Đại Việt, Nhà máy sản xuất ethanol Đăk Tô và Nhà máy sản xuất ethanol Tùng Lâm.
Điểm chung của 7 nhà máy kể trên đều sử dụng công nghệ, thiết bị nhập khẩu từ Trung Quốc trong đó có đến 4 nhà máy sử dụng hoàn toàn công nghệ Trung Quốc.
Tại báo cáo thực trạng các cơ sở sản xuất ethanol nhiên liệu của Bộ Công Thương cho biết, các nhà máy sử dụng công nghệ của Trung Quốc là nhà máy sản xuất ethanol Đại Tân (Quảng Nam), công suất thiết kế 100.000 tấn ethanol/năm, tổng vốn đầu tư là 575 tỷ đồng.
Nhà máy ethanol Đại Việt (Đăk Nông) công suất thiết kế 55.000 tấn ethanol vốn đầu tư 500 tỷ đồng; nhà máy ethanol Đăk Tô (Kon Tum) công suất thiết kế 50.000 tấn ethanol/năm; nhà máy ethanol Tùng lâm (Đồng Nai) tổng vốn đầu tư hơn 928 tỷ đồng, công suất thiết kế 60.000 tấn ethanol/năm.
Trong đó, hai nhà máy sử dụng công nghệ Trung Quốc cho ra đời những sản phẩm ethanol không đạt tiêu chuẩn pha chế xăng E5 đã bị các doanh nghiệp trong nước ngừng hợp đồng là nhà máy ethanol Đại Việt và nhà máy Đăk Tô.
Với công nghệ từ Trung Quốc, thiết bị chủ yếu từ Trung Quốc, nhà máy ethanol Đại Việt đi vào hoạt động từ năm 2011 nhưng chỉ sản xuất được ethanol 96% thể tích, chưa đáp ứng yêu cầu làm nhiên liệu và để sản xuất ethanol đạt tiêu chuẩn làm nhiên liệu cần đầu tư thêm thiết bị tách nước. Do đó, nhà máy này đã dừng sản xuất từ tháng 4/2013 vì thiếu vốn hoạt động.
Tương tự nhà máy Đăk Tô cũng với công nghệ Trung Quốc, thiết bị do Trung Quốc chế tạo được đầu tư xây dựng từ tháng 9/2009 hoàn thành đưa vào sản xuất từ tháng 11/2011, hoàn thành đưa vào sử dụng từ tháng 12/2012 cũng chỉ sản xuất được ethanol 96% thể tích. Thời điểm này nhà máy đã không sản xuất được ethanol nhiên liệu mà chỉ sản xuất ethanol thực phẩm.
“Chết sặc” vì đón đầu xu hướng
Từ cuối năm 2007, Chính phủ đã phê duyệt “Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến 2015 và tầm nhìn đến 2025” với mục tiêu tổng quát phát triển nhiên liệu sinh học để thay thế một phần nhiên liệu hoá thạch góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường.
Theo đề án, giai đoạn 2011-2015 Việt Nam sẽ sản xuất khoảng 18 triệu lít nhiên liệu sinh học, đáp ứng 0,1% nhu cầu xăng dầu cả nước. Đến năm 2025 sẽ sản xuất khoảng 2,1 tỷ lít nhiên liệu sinh học, đáp ứng 5% tổng nhu cầu xăng dầu.
Lý giải vì sao đầu tư mạnh vào các nhà máy ethanol, năm 2012 đại diện PVN cho biết, vì PVN là tập đoàn kinh tế hàng đầu, nhận thức được tầm quan trọng của nhiên liệu sinh học đến phát triển bền vững nên PVN đã xây dựng cho riêng mình một chiến lược mang tính “đi trước đón đầu”.
Thực tế, cuối năm 2010 PV Oil đã đầu tư được 30 điểm bán xăng E5 và để xăng E5 sản xuất ra đến được người dùng, PV Oil đã đầu tư 5 trạm pha chế xăng E5 tại các kho Đình Vũ (Hải Phòng), Liên Chiểu (Đà Nẵng), Nhà Bè (TP.HCM), Miền Đông (Vũng Tàu) và Trà Nóc (Cần Thơ) với kinh phí khoảng 3 tỷ đồng/trạm.
Đầu tư cho cửa hàng bán xăng sinh học không chỉ trạm pha chế xăng E5 với giá khoảng 3 tỷ đồng kể trên, các chi phí như cải tạo cây xăng cũng lên đến khoảng 40 triệu đồng, chi phí 2-3 triệu đồng/xe vận chuyển.
Song, trái với kỳ vọng, việc sản xuất ethanol không mang lại lợi nhuận mong muốn, xăng E5 cũng gặp khó khăn khi không tiêu thụ được.
Vào năm 2007, khi các dự án sản xuất nhiên liệu sinh học được lập ra, giá sắn lát chỉ khoảng 1.200-1.500 đồng/kg nhưng đến năm 2011 giá sắn lát đã tăng lên 5.500-5.800 đồng/kg. Năm 2012 giá bán giảm nhưng vẫn ở mức khoảng 4.000-4.700 đồng/kg.
Theo tính toán nếu mỗi lít ethanol cần khoảng 2,4kg sắn lát thì riêng giá vốn cho nguyên liệu đã là 11.280 đồng. Bên cạnh đó, các chi phí khác như điện, phụ phẩm, lao động, khấu hao… giá thành làm ra mỗi lít ethanol đã lên đến 18.000-19.000 đồng/lít.
Thị trường xuất khẩu và giá xuất khẩu cũng không “sáng sủa” hơn. Ước tính vào năm 2013, giá ethanol xuất khẩu mức 15.000 đồng/lít, việc sản xuất đã lỗ khoảng 3.000-4.000 đồng/lít, nhà máy công suất 100 triệu lít/năm nếu hoạt động hết công suất sẽ lỗ khoảng 300-600 tỷ đồng. Do đó, không “đắp chiếu” để đấy, các dự án dù hoạt động sản xuất cũng không thể thoát lỗ.