ThienNhien.Net – Báo cáo “Giảm thiểu Rủi ro và Tình trạng dễ bị tổn thương trong Mối quan hệ Năng lượng – Lương thực – Nguồn nước tại các quốc gia đang phát triển” mới được công bố đã mô tả mối quan hệ tương tác giữa năng lượng, lương thực và nguồn nước, từ đó xác định tình trạng dễ bị tổn thương và đề xuất các giải pháp chính sách.
Năng lượng – Lương thực – Nguồn nước luôn có mối tương quan mật thiết. Trong đó, năng lượng và nguồn nước là những nguyên liệu đầu vào không thể thiếu trong sản xuất lương thực; trong khi đó cây trồng và nước cũng được sử dụng để sản xuất năng lượng dưới dạng nhiên liệu sinh học, nhiên liệu hóa thạch và thủy điện; và cuối cùng, năng lượng và sản xuất nông nghiệp tác động ngược trở lại chất lượng nguồn nước.
Theo các tác giả Thuộc Viện Phát triển Bền vững và Trường Lãnh đạo Công tại Stellenbosch, Nam Phi, mối quan hệ này đang ngày càng căng thẳng trong bối cảnh nhu cầu về nước, lương thực và năng lượng tăng trong khi tài nguyên hạn chế và môi trường suy thoái. Điều này có thể gây nên cuộc khủng hoảng giá thành năng lượng và lương thực, đe dọa các thị trường quốc tế và tình trạng cạn kiệt các nguồn tài nguyên cơ bản này cục bộ theo từng khu vực.
Như một vòng luẩn quẩn, an ninh năng lượng, lương thực và nguồn nước khi đó sẽ bị đe dọa, dẫn đến suy giảm chất lượng cuộc sống, thậm chí dẫn đến căng thẳng xã hội và xung đột chính trị. Chính vì vậy, nếu những yếu tố này chỉ được tiếp cận một cách đơn lẻ, thiếu những tầm nhìn tổng thể, những chính sách và giải pháp đưa ra sẽ không hiệu quả, thậm chí còn gây bất lợi cho những thành phần khác trong mối liên hệ.
Mặc dù tài nguyên và không gian môi trường có thể không phải là trở ngại trước mắt đối với sự phát triển kinh tế toàn cầu, sự khan hiếm về tài nguyên và biến đổi khí hậu được nhận định là những thách thức chủ yếu trong thế kỷ 21, có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh và bình ổn chính trị.
Theo Ngân hàng Thế giới, hiện nay trên toàn cầu vẫn còn khoảng 1,3 tỷ người không được tiếp cận nguồn điện, 1,2 tỷ người không có nguồn điện ổn định và hơn 780 triệu người không được tiếp cận nguồn nước sạch và an toàn. Theo Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO), có ít nhất 800 triệu người thường xuyên thiếu đói.
Nhu cầu đối với các nguồn tài nguyên được dự đoán sẽ tăng mạnh trong nửa thế kỉ tới do dân số tăng, nền kinh tế phát triển trên toàn cầu đi cùng với sự gia tăng về chất lượng cuộc sống và đô thị hóa. Dự kiến, phần lớn nhu cầu nước, lương thực, năng lượng sẽ gia tăng ở các nước đang phát triển và tình trạng thiếu tài nguyên sẽ hạn chế khả năng đáp ứng nhu cầu.
Báo cáo đã rà soát các tài liệu đề cập tới mối tương quan năng lượng – lương thực – nguồn nước, từ đó đưa ra phân tích định tính về các chỉ số tổn thương và phân tích chính sách để đưa ra các khuyến nghị giúp giảm thiểu những điểm dễ bị tổn thương này.
Bên cạnh những phân tích tổng quan trên toàn cầu, báo cáo cũng phân tích một số trường hợp điển hình tại Malawi, Nam Phi, Cuba, với các hệ thống quản trị khác nhau. Chẳng hạn, Malawi chủ yếu canh tác ruộng đất năng suất thấp, nền nông nghiệp phụ thuộc vào nước mưa, sử dụng nhiên liệu sinh học, hạn chế tiếp cận điện, nước và nguồn dinh dưỡng đầy đủ. Nam Phi chủ yếu phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch để đáp ứng cho các ngành công nghiệp và nông nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng, hệ thống cấp nước phức tạp đang bị đe dọa bởi ngành năng lượng và hệ thống lương thực phụ thuộc nặng nề vào nhiên liệu hóa thạch. Cuba áp dụng chủ yếu phương pháp canh tác nông nghiệp hữu cơ và đang gia tăng sử dụng năng lượng tái tạo, tuy nhiên vẫn còn hạn chế do phụ thuộc vào nhập khẩu ngũ cốc và nhiên liệu.
Những rủi ro và mức độ dễ bị tổn thương tại các nước đang phát triển cũng bao gồm cả các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, lũ lụt, khủng hoảng giá dầu, giá thực phẩm, căng thẳng địa chính trị, và đầu cơ tài chính tại các thị trường hàng hóa. Mất an ninh lương thực, năng lượng và nguồn nước có khả năng dẫn đến gia tăng bất ổn xã hội tại các quốc gia và trong nhiều khu vực.
Báo cáo nhấn mạnh bất cứ chiến lược giảm thiểu rủi ro nào cũng đều phải bắt đầu bằng việc hình thành các cơ quan chức năng vận hành tốt với các hệ thống quản trị hiệu quả và các khung chính sách hợp nhất được thiết kế và thực thi hài hòa.
Tại các vùng nông thôn, vấn đề tối quan trọng là tối ưu hóa sử dụng đất để cung cấp các dịch vụ cần thiết. Tại các khu đô thị, cần xây dựng các thành phố hiệu suất trong sử dụng tài nguyên và phát thải carbon thấp.
Cuối cùng, với các quốc gia công nghiệp, cần giảm thiểu tối đa những tác động của giá năng lượng quốc tế, giảm tiêu thụ tài nguyên và năng lượng, đồng thời hạn chế tác động tiêu cực từ nhiên liệu hóa thạch.