ThienNhien.Net – Trong khi hạn, mặn chưa kịp khắc phục, các chuyên gia lo ngại 11 dự án thủy điện ở hạ lưu sông Mekong của Lào và Campuchia sẽ khiến ĐBSCL gặp “đại họa”.
Đó là quan điểm của thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia về đất ngập nước nêu tại buổi tọa đàm “Hạn – mặn ở ĐBSCL: Hiện trạng – Tác động- Giải pháp” do Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ) tổ chức hôm nay .
Nêu cảnh báo trên, thậm chí ông Thiện còn khẳng định : “Vấn đề này đang đến rất gần”.
Theo ông, 11 đập thủy điện này không có hồ chứa lớn, tích nước và xả nước nên sử dụng dòng sông Mekong làm nơi chứa. Từ đó mỗi đập có khả năng chứa nước từ 3 ngày đến 3 tuần.
Vì vậy, 11 đập này sẽ làm đảo lộn hoàn toàn thời gian nước từ sông Mekong về ĐBSCL. Chưa kể các đập này do các chủ đầu tư, vận hành riêng lẻ, có mục đích tối đa hóa lợi nhuận phát điện chứ không vì lợi ích cộng đồng.
“Điều này sẽ khiến ĐBSCL bị rối loạn ngọt – mặn, không biết đâu mà lường trước”, ông Thiện cảnh báo.
Cũng theo chuyên gia này, các đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong có thể làm ĐBSCL biến mất trong thời gian gần.
Bởi, ĐBSCL mới được hình thành khoảng 6.000 năm, khá trẻ và bồi đắp nhờ phù sa thô. Cũng nhờ lớp phù sa này chắn ven biển nên đã giảm bớt tác động sóng đánh, nhấn chìm đồng bằng.
Hằng năm, lượng phù sa từ sông Mekong về ĐBSCL khoảng 160 triệu tấn nhưng các đập thủy điện Trung Quốc đã chặn bớt phân nửa.
“Nếu 11 đập thủy điện ở hạ nguồn sông Mekong được xây dựng, sẽ chặn bớt phân nửa lượng phù sa còn lại. ĐBSCL không đứng vững được”, ông Thiện lo ngại.
Không có phù sa thì chết hết
TS Dương Văn Ni, trưởng bộ môn Quản lý môi trường (ĐH Cần Thơ) cho biết, xâm nhập mặn tại ĐBSCL là do 3 yếu tố: nước từ thượng nguồn đổ về ít, nước từ biển dâng cao và sự sụt lún của khu vực.
Trong đó, vấn đề thiếu nước ngọt ở thượng nguồn có thể bổ sung từ mưa, vấn đề nước biển dâng không phải là câu chuyện một sớm một chiều, vấn đề đáng lo ngại nhất là khu vực này đang sụt lún do thiếu lượng phù sa bồi đắp.
Hiện nay, vùng nào mặn nhiều người dân có thể nuôi tôm, nơi nước ngọt nhiều thì trồng lúa.
Tuy nhiên chuyên gia cảnh báo: “Không có phù sa thì chết hết. Rõ ràng người dân ĐBSCL chưa có kinh nghiệm ứng phó với tình trạng xói lở, sụt lún.
Bản thân tôi thấy các đập thủy điện đang giết chết ĐBSCL là từ phù sa chứ không phải nguồn nước. Chúng ta cứ bàn và nói nhiều về nguồn nước, mà không nhắc đến phù sa. Điều này rất nghiêm trọng”.
Trong khi đó, GS.TS Lê Anh Tuấn, Viện phó Viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu, ĐH Cần Thơ cho rằng, việc ĐBSCL trông chờ vào nguồn nước từ Trung Quốc xả xuống là điều vô vọng.
Ông phân tích, TQ thông báo từ ngày 15/3- 10/4 xả đập thủy điện Cảnh Hồng (tỉnh Vân Nam) xuống hạ lưu sông Mekong với lưu lượng xả 2.190 m3/giây.
Tuy nhiên, hiện nay tỉnh Vân Nam cũng đang trong tình hạn hán gay gắt, vì vậy có xả nước xuống đi chăng nữa cũng rất ít, chủ yếu để phục vụ cho thủy điện của họ.
Ngoài ra, nếu có xả thì quãng đường đến ĐBSCL là hơn 4.000km phải mất gần 3 tuần mới tới, trong khi dọc đường các quốc gia thượng nguồn Thái Lan, Lào, Campuchia cũng tranh thủ lấy nước, vì vậy lượng nước đến ĐBSCL chẳng được bao nhiêu.
Bằng chứng rõ nhất là dù TQ đã xả nước 3 lần nhưng mực nước đo tại trạm Tân Châu và Châu Đốc nơi đầu nguồn vào ĐBSCL đến thời điểm này vẫn chưa có nhiều chuyển biến.
Nên hay không giảm diện tích lúa?
Vấn đề nên hay không giảm diện tích lúa để chuyển sang các hình thức canh tác khác cũng được các chuyên gia phân tích.
Theo GS.TS Tuấn, ĐBSCL hiện đang sử dụng 70% lượng nước ngọt vào mục đích nông nghiệp, 22% nước cho công nghiệp, còn lại khoảng 8% cho sinh hoạt.
“Trong 70% nước cho nông nghiệp thì gần như dùng hoàn toàn cho cây lúa. Nếu giảm diện tích trồng lúa sẽ dư nước cho sinh hoạt. Chúng ta có thể áp dụng mô hình lúa – tôm ở vùng nước lợ, mặn hoàn toàn thì nuôi tôm sú.
Cần tuyên truyền cho người dân hiểu được nước ở ĐBSCL không phải là vô hạn”, ông phân tích.
Còn thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện cho rằng nên chia ra 3 vùng rõ ràng, vùng mặn quanh năm thì trồng rừng, vì rừng có thể che chở cho tôm, điều hòa khí hậu, nhược điểm của mô hình này là phải có diện tích lớn.
Còn vùng mặn – ngọt thì làm tôm – lúa. Vùng ngọt hoàn toàn thì trồng lúa. Tuy nhiên, Nhà nước phải giúp người dân quy hoạch sử dụng đất và có biện pháp chế tài rõ ràng.