ThienNhien.Net – Nước từ lưu vực sông Mê Kông về ĐBSCL khoảng 450-475 tỉ m3/năm, trong khi nhu cầu sử dụng chỉ tầm 60 tỉ m3/năm. Thế nhưng, lần đầu tiên sau 100 năm, miền sông nước dồi dào nhất Việt Nam khô hạn nghiêm trọng. Đây mới chỉ là “khúc dạo đầu” cho những tác hại mà thiên tai và nhân tai sắp giáng xuống ĐBSCL.
Bị động về nguồn nước
Nguồn nước dồi dào là vậy nhưng theo ThS Kỷ Quang Vinh, Chánh Văn phòng Biến đổi khí hậu Cần Thơ, ĐBSCL nằm ở thế bị động vì 90% lượng nước sông Mê Kông có là vào mùa mưa, mùa khô chỉ 10%, đây là nguyên nhân xuất hiện xâm nhập mặn hằng năm. Trong lưu vực sông Mê Kông, Trung Quốc chỉ góp 16% lượng nước, nhìn tổng thể không nhiều nhưng xét riêng mùa khô thì nước sông Mê Kông chủ yếu phát sinh từ quốc gia này. Do đó, nếu Trung Quốc giữ nước trong các hồ chứa thượng nguồn vào mùa khô hoặc chỉ xả theo mục đích của họ thì ĐBSCL có thể sẽ bị xâm nhập mặn sâu hơn năm nay.
Còn theo ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia về đất ngập nước, bên cạnh “họa xa” đã xuất hiện, chỉ trong thời gian ngắn nữa sẽ có “họa gần” chính là 11 dự án thủy điện của Lào và Campuchia ở hạ lưu sông Mê Kông. “82% lượng nước trên sông Mê Kông là do các chi lưu và lượng mưa từ biên giới Lào đổ xuống. 11 thủy điện này không có hồ chứa và dùng chính dòng sông Mê Kông để làm nơi chứa nên mỗi đập có khả năng chứa nước từ 3 ngày đến 3 tuần. Nếu gặp thời tiết bất lợi, hạn hán như năm nay mà con nước đi hết được 11 đập thì nhanh nhất cũng một tháng rưỡi mới về tới ĐBSCL. Còn bình thường, do là hồ điều tiết ngày nên có thể chặn – xả trong ngày, nhất là 11 đập này do 11 chủ đầu tư khác nhau, không có sự liên kết nên rất khó để nắm bắt thông tin, quy luật hoạt động của chúng. Điều này sẽ khiến ĐBSCL bị rối loạn mặn – ngọt, không biết đâu mà lần” – ông Thiện cảnh báo.
Tan rã đồng bằng?
Từng tham gia đánh giá tác động môi trường chiến lược các thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông, ThS Nguyễn Hữu Thiện cho rằng hơn cả vấn đề nguồn nước, nỗi sợ lớn nhất chính là nguy cơ tan rã ĐBSCL. Đây là đồng bằng khá trẻ, chỉ 6 triệu năm tuổi và bồi đắp nhờ phù sa. Cũng nhờ lớp phù sa này nằm chắn ven biển đã giảm bớt tác động sóng đánh, nhấn chìm đồng bằng. Hằng năm, lượng phù sa về ĐBSCL khoảng 160 triệu tấn, các đập thủy điện Trung Quốc đã chặn bớt phân nửa lượng phù sa này. Trong trường hợp 11 đập thủy điện ở hạ nguồn sông Mê Kông được xây dựng, sẽ chặn bớt phân nửa lượng phù sa còn lại thì ĐBSCL không đứng vững được.
TS Lê Phát Quới, Viện Môi trường và Tài nguyên TP HCM, cho biết phù sa sông Mê Kông có vai trò sống còn đối với sự tồn tại của ĐBSCL bởi đồng bằng này hình thành từ sự bồi đắp phù sa sông và quá trình trên vẫn tiếp diễn. Thế nhưng, nhiều năm gần đây xuất hiện tình trạng xói lở dữ dội ở mũi Cà Mau. “Phù sa sông từ thượng nguồn đổ về không chỉ giúp mũi Cà Mau bồi được khoảng 100 m/năm mà còn cản tác động từ sóng triều biển Đông và sóng triều biển Tây. Hiện nay, lượng phù sa từ thượng nguồn về giảm đáng kể nên chẳng những không được bồi, mỗi năm mũi Cà Mau còn bị ăn vào khoảng 50 m. Khu vực ven bờ sông Tiền, sông Hậu cũng đang sạt lở nghiêm trọng. Bên cạnh việc khai thác cát tràn lan còn có nguyên nhân từ sự thiếu hụt phù sa thượng nguồn làm thay đổi dòng chảy và hệ sinh thái sông” – ông Qưới nói và khuyến cáo chính quyền không nên cấp phép khai thác cát sông Cửu Long dưới mọi hình thức vì trong tương lai, lượng cát sỏi, phù sa từ thượng nguồn về rất ít, không đủ bù đắp.
Ứng phó dài hạn
Hôm nay (1/4), Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường ĐH Cần Thơ phối hợp với Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam tổ chức tọa đàm “Vấn đề hạn – mặn ở ĐBSCL năm 2016: Hiện trạng – tác động – giải pháp”. Hiện nay, nhiều nông dân tại Cần Thơ nghe tin nước từ Trung Quốc về đã vội vã chuẩn bị xuống giống vụ hè thu mà chưa lường hết các rủi ro. Vì thế, các chuyên gia dự tọa đàm sẽ đánh giá và nhận định về tình hình hiện tại cùng diễn biến thời tiết, thủy văn tại ĐBSCL nhằm đề xuất các giải pháp ứng phó dài hạn. |